Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Để các dự án đầu tư thực sự là động lực phát triển


bài của tiến sĩ Nguyễn Thành Quang // báo Phú Yên Chủ Nhật, 19-12-2010, 10:30
Nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên (2010 - 2015) mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV thông qua là hết sức to lớn và nặng nề. Chỉ nêu vài con số chỉ tiêu chủ yếu sau đây cũng đủ thấy rõ mức độ to lớn và nặng nề của nhiệm vụ. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bình quân 13-13,5% (cả nước 7,5-8%); thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm (tăng 2,37 lần); thu ngân sách nhà nước 2.500 tỉ, tăng 2,21 lần so với năm 2010.
Chúng ta nhận thức rằng đó không chỉ là ý chí của cơ quan lãnh đạo mà là lẽ sống của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên. Vì nếu chúng ta không “gồng mình” vươn lên thì Phú Yên mãi mãi nghèo khó, tụt hậu. Bởi vì ở thời điểm hiện tại, nếu so trong nhóm 10 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận) thì kinh tế Phú Yên 5 năm trước ở trong nhóm đầu, nay đã bị tụt xuống ở nhóm sau.
Theo mục tiêu nghị quyết Đại hội XV, đến năm 2015, tỉnh Phú Yên “phấn đấu đạt mức bình quân của cả nước”. Tuy vậy, GDP bình quân đầu người của Phú Yên đến năm 2015 mới đạt tiệm cận dưới mức bình quân của cả nước (37 triệu đồng/2.100 USD).
Muốn đạt các chỉ tiêu tăng trưởng và mục tiêu kinh tế xã hội đề ra, lãnh đạo Phú Yên cần có một chiến lược tăng tốc. Điều đương nhiên, trong một cuộc đua, nếu anh xác định anh là người bị tụt hậu nếu không tìm cách tăng tốc thì làm sao vượt lên tốp trước được. Mà muốn tăng tốc, điều quan trọng là cần phải có bản lĩnh, trí thông minh và lòng can đảm.
Đất lành, “chim” có “đậu”?
Trong các ngành kinh tế, không thể coi nông nghiệp (mở rộng; bao gồm nông, lâm, thủy sản) là ngành chọn lựa để đầu tư tăng tốc mà chỉ coi nó là ngành quan trọng cần đầu tư để ổn định và phát triển bền vững. Nông thôn Phú Yên chiếm trên 70% dân số và nguồn thu nhập chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng bình quân diện tích canh tác trên đầu người quá thấp, cho nên ngành sản xuất nông nghiệp không thể tạo ra tích lũy lớn. Trong nhiều năm qua, mặc dù có sự nỗ lực đầu tư lớn nhưng giá trị tăng trưởng trong nông nghiệp cũng chỉ đạt 3-4%. Nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư đưa kỹ thuật, công nghệ vào nông thôn để tăng năng suất lao động khu vực nông thôn, đồng thời phải tạo ra nhiều việc làm mới để điều chuyển nguồn nhân lực từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Ngành được chọn lựa cho chiến lược tăng tốc chỉ có thể là công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, biện pháp tạo ra động lực phải nhằm vào các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn có tính khả thi cao, có vai trò “quả đấm” chủ lực để làm tăng tốc đột biến cả nền kinh tế.
Thấy được điều đó, trong nhiều năm qua nhờ nỗ lực vận động đầu tư, Phú Yên đã tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Có lúc Phú Yên đã tạo được sự sôi động thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo báo Phú Yên (số 1134 ngày 10/9/2010), tính đến năm 2010, có 117 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 36.547 tỉ đồng. Trong đó, có những dự án lớn có vốn đầu tư hàng chục tỉ USD như dự án Khu lọc hóa dầu Hòa Tâm[*], dự án Thành phố Sáng tạo[*]. Cũng theo báo Phú Yên (số 1154 ngày 4/10/2010) đưa tin dẫn lời đồng chí Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên: sau một thời gian dài yên ắng nay đã có tín hiệu khả quan thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Cụ thể, Cty Hiệp Hòa Phát đầu tư cảng Bãi Gốc và hạ tầng 10.000 tỉ đồng và tổng vốn khái toán của toàn bộ dự án là 19 tỉ USD [?!]. Nghe tin nhà đầu tư ồ ạt tới Phú Yên, ai cũng khen thầm: Phú Yên giỏi và hy vọng Phú Yên sẽ có cuộc đổi đời nhanh chóng.
Nhưng, điều chưa mừng là trong 117 dự án, chưa có dự án nào triển khai đầu tư, dự án Thành phố Sáng tạo (của Galileo) được tổ chức lễ long trọng, Chủ tịch nước trao giấy phép đầu tư, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện đầu tư [hoặc triển khai chậm?!] *]. Đáng chú ý là trong số 117 dự án đã có 72 dự án với số vốn đăng ký 27.000 tỉ đồng, giấy phép đầu tư do UBND Tỉnh cấp đã hết hiệu lực.
“Đất lành chim đậu”, từ một vùng đất “hoang vắng”, nhiều người còn chưa biết tên Phú Yên, chưa biết Phú Yên ở đâu. Qua nhiều nỗ lực phấn đấu, nay đã được nhiều người biết đến, nhiều nhà đầu tư để mắt, quan tâm đến Phú Yên, trong đó có nhiều nhà đầu tư “cỡ bự”.
Những điều đáng suy nghĩ
Việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Phú Yên với số lượng nhiều trong thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực vận động đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, hiện tượng các nhà đầu tư không triển khai, hoặc chưa triển khai thực hiện dự án là hiện tượng đáng để chúng ta suy nghĩ.
Đối với nhà đầu tư, “thì giờ là vàng bạc”, chắc chắn họ không có thời gian rảnh rỗi để đến Phú Yên đi dạo ngắm cảnh. Phải chăng Phú Yên có điều gì còn làm cho họ ngần ngại chưa hạ quyết tâm?
Thực trạng thu hút đầu tư ở Phú Yên đang có vấn đề, chúng ta cần mổ xẻ, phân tích tường tận từng khía cạnh cả khách quan và chủ quan để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Trước hết phân tích nhóm nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân khách quan: nhìn toàn cục, bối cảnh quốc tế và trong nước có những khó khăn, thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen tác động đến thu hút đầu tư ở Phú Yên. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư. Điều đó thấy rõ nhất ở các dự án đầu tư nước ngoài như: dự án KCN Hóa dầu Hòa Tâm; dự án đặc khu kinh tế của tập đoàn Sama Dubai[*]; dự án Galileo; dự án Khu du lịch phức hợp Newcity; dự án nhà máy Lọc dầu Vũng Rô. Nhưng, đối với các nhà đầu tư trong nước ít chịu ảnh hưởng hơn vì hầu hết vốn đăng ký đầu tư dự án là vốn tự có và vốn huy động trong nước, thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng vào thị trường nội địa là chủ yếu. Đáng chú ý là trong số 117 dự án đăng ký đầu tư có khoảng 2/3 số dự án nhà đầu tư đăng ký trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Điều đó cho thấy tác động của nguyên nhân khách quan nói trên không đến mức làm đình trệ tất cả các dự án.
Tình hình trong nước, chính trị ổn định, tuy có bị ảnh hưởng tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và phát triển, là môi trường tốt cho các nhà đầu tư. Xét ở góc độ địa phương, yếu tố cạnh tranh thu hút đầu tư vào địa phương và vùng lãnh thổ, nhiều tỉnh đã có chính sách tốt, cơ sở hạ tầng nội tỉnh đã được đầu tư tốt, lợi thế cạnh tranh của Phú Yên đã mất, làm giảm điểm hấp dẫn thu hút đầu tư so với nhiều tỉnh khác. Nếu lãnh đạo Phú Yên không kịp thời có biện pháp khắc phục thì khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Phân tích nguyên nhân nội tại, chúng ta tạm chia làm 2 nhóm: nhóm khách thể (các nhà đầu tư) và nhóm chủ thể (gồm hệ thống chính sách, bộ máy quản lý thực thi chính sách, pháp luật). Phân tích hiện trạng các nhà đầu tư, chúng ta thấy có 2 loại. Loại thứ nhất: những nhà đầu tư “tiềm năng”, là những “ông chủ” có tiền thật sự, họ có tâm, có chí đầu tư làm ăn lâu dài ở Phú Yên. Loại thứ hai: những nhà đầu tư “ảo” có thể coi họ là những người không có vốn, nhưng có thể họ có năng khiếu môi giới, mục đích của họ là mua bán dự án. Điều đó cũng rất dễ thấy và dễ dẫn chứng. Xin nêu 2 nhà đầu tư điển hình, có dự án hiện hữu xin phép đầu tư tại Phú Yên (xin không nêu tên). Một nhà đầu tư nước ngoài có dự án hàng chục tỉ USD và một nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư một lúc 4 dự án với số vốn hàng chục ngàn tỉ đồng.
Việc một doanh nghiệp trong tỉnh mới thành lập chưa đầy mười năm liệu có số vốn hàng chục ngàn tỉ đồng không? Và, liệu có một dự án đầu tư nào có giá trị hàng chục tỉ USD mà thời gian nghiên cứu, xây dựng dự án nhanh và sơ sài thế không?
Rõ ràng nhà đầu tư đăng ký số vốn dự án phi thực tế, nhưng các cơ quan chức trách vẫn tin là thực, giành thời gian, công sức để chào đón, tuyên truyền, cổ động cho nhà đầu tư. Có thể nói, có quá nhiều “dự án trên giấy”.
Tình hình biến động đầu tư đã khác so với Báo cáo số 57/KHĐT-KTXH “Rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước” của sở Kế hoạch - Đầu tư. Thiết nghĩ các sở, ngành chức năng cần giúp UBND Tỉnh hậu kiểm, rà soát, phân loại nhà đầu tư để có biện pháp xử lý thích hợp. Rà soát để biết nhà đầu tư nào tiềm năng và nhà đầu tư nào là nhà đầu tư ảo, qua đó có biện pháp điều chỉnh sự chỉ đạo phù hợp. Lắng nghe tiếng nói, hơi thở của nhà đầu tư để thấu hiểu, động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Phân tích nhóm nguyên nhân chủ thể chúng ta nhận thấy: Phú Yên là tỉnh xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đầu tư sớm nhất và có hoạt động xúc tiến đầu tư linh hoạt như xây dựng website quảng bá chính sách đầu tư trên mạng truyền thông; ấn hành tài liệu 100 câu hỏi và trả lời về chính sách ưu đãi đầu tư ở Phú Yên; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có hiệu quả. Cho đến nay, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Phú Yên vẫn có giá trị thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.
Chúng ta đã làm tương đối tốt ở công đoạn đầu; hoạch định chính sách, xúc tiến, quảng bá đầu tư, nhưng ở các công đoạn sau: tiếp nhận, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và hậu kỳ đầu tư còn quá nhiều việc chưa tốt và không tốt.
Ở khâu đầu, mặc dù chúng ta đã thực hiện tốt việc hoạch định chính sách, xúc tiến đầu tư, nhưng chưa làm tốt công việc lựa chọn, tiếp nhận nhà đầu tư. Chúng ta vận động đầu tư, kết quả có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư là kết quả tốt, nhưng không phải ai đăng ký cũng tiếp nhận, cấp phép ngay mà bỏ qua khâu thẩm định nhà đầu tư. Đấy cũng là lý do giải thích vì sao chúng ta đón quá nhiều nhà đầu tư ảo. Chỉ nêu một trường hợp điển hình đó là dự án Naptakracking (dự án Lọc hóa dầu Hòa Tâm). Nhà đầu tư mới trình nội dung ý tưởng xây dựng KCN Hóa dầu tại xã Hòa Tâm với quy mô khoảng 20 nhà máy với tổng mức đầu tư khoảng 11 tỉ USD, văn bản của Chính phủ cũng chỉ mới đồng ý cho phép nhà đầu tư lập dự án. Thế nhưng, UBND Tỉnh đã quyết định cấp giấy phép đầu tư và tổ chức lễ trao giấy phép rất long trọng. Đến năm 2009 thì nhà đầu tư này đã xin rút dự án.
Phú Yên là tỉnh còn nhiều khó khăn, chúng ta mong muốn có nhiều nhà đầu tư đến làm ăn. Thái độ ứng xử của chúng ta là ân cần, nồng nhiệt và chân thành tạo điều kiện giúp đỡ nhà đầu tư chứ không phải vồ vập quá mức.
Ở giai đoạn triển khai thực hiện dự án là giai đoạn nhà đầu tư gặp nhiều khúc mắc, bộc lộ tâm trạng rõ nhất. Họ than phiền nhiều nhất là công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng quá nhiều sự nhiêu khê, phiền phức, tốn quá nhiều thời gian. Điển hình như dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô kéo dài 8 năm mới lập xong hồ sơ đền bù, tái định cư, đến nay vẫn chưa bắt đầu công việc thanh toán đền bù cho dân. Một điển hình khác, dự án Đầu tư trồng cây kiểng xuất khẩu của Cty Fullpak, nhà đầu tư đã ứng vốn thanh toán đền bù, tái định cư (trên 32 tỉ đồng) xong từ đầu năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền nhà nước ký hợp đồng cho thuê đất triển khai dự án.
Mở rộng phạm vi quan sát ra lĩnh vực đầu tư thuộc nguồn ngân sách chúng ta thấy, nguồn vốn đầu tư ít nhưng phân tán quá nhiều kênh; quá nhiều dự án, tổ chức quá nhiều ban quản lý; dự án thi công kéo dài, chất lượng công trình thấp, không phát huy hiệu quả; có trường hợp không sử dụng hết vốn đầu tư.
Chúng ta biết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, yếu tố thời cơ cực kỳ quan trọng, nếu vì bất cứ lý do nào mà bộ máy chúng ta để cho nhà đầu tư lỡ mất thời cơ cũng đồng nghĩa với việc làm cho Phú Yên lỡ mất cơ hội đón nhận một nguồn lực phát triển.
Nhà đầu tư phản ảnh, họ cảm thấy bộ máy công quyền ở Phú Yên có quá nhiều cơ quan thẩm quyền nhưng không có người nào, hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết thỏa đáng vấn đề mà họ yêu cầu, kiến nghị. Sự nhũng nhiễu vòi vĩnh của một số cán bộ, công chức, gây khó khăn làm cho nhà đầu tư cảm thấy thất vọng. Điều này xin chớ đòi hỏi chứng cứ mà lãnh đạo nên lắng nghe và kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý. Bên cạnh đó, việc giải quyết vụ Vạn Phát để kéo dài, không dứt điểm, không phân rõ đúng, sai gây tác động không tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Phú Yên.
Rồi hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra ở một số cơ quan quản lý, doanh nghiệp khiến cho ai cũng sợ trách nhiệm, đùn đẩy cho nhau, không dám làm. Cảm nhận của nhiều nhà đầu tư: Phú Yên có chính sách thu hút đầu tư tốt, hấp dẫn. Mới vào Phú Yên thấy dễ lắm dù phải ký quỹ đặt cọc cho dự án, nhưng dần dần thấy “Phú Yên khó quá, khó hơn nhiều tỉnh khác”. Những điều vừa nêu trên nghe không được êm tai lắm, nhưng nó là sự thật, rất quan trọng cần được thông tin đến lãnh đạo tỉnh.
Hiện tại, Phú Yên đang đứng trong tốp tụt hậu. Muốn vươn lên tốp trên phải tăng tốc, phải táo bạo, có gan chấp nhận mạo hiểm, rủi ro mới mong thành công. Nhưng xem ra, tất cả đều canh cánh nỗi lo: “Công trạng thì chưa biết được là bao, nhưng lỡ gặp khó khăn, rủi ro sơ suất thì không biết dựa vào ai để nhờ chỉ bảo, giúp đỡ, che chở, đùm bọc. Vạ ách mang vào thân, hết đời, tốt hơn hết là lo giữ mình”. Tư tưởng co thủ đang tồn tại, diễn biến ở nhiều cấp, chức trong tỉnh. Đó là vấn đề đáng lo nhất. Một bài học kinh nghiệm đúc kết từ lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ Phú Yên là bài học về xây dựng niềm tin, ý chí và nghị lực vượt qua gian khổ, hy sinh để giành thắng lợi. Cụm từ: Tinh thần cách mạng tiến công là phương châm hành động, lẽ sống. Bộ đội ta đã tổng kết thành câu nói dí dỏm rất hay: “Tư tưởng không thông thì mang chiếc bình đông cũng không nổi”. Tư tưởng cách mạng tiến công là thứ vũ khí cần có để chúng ta vượt khó. Đừng coi đó là cụm từ nói suông, duy ý chí mà phải động não, phải tư duy sáng tạo. Quy tụ được trí tuệ, công sức của toàn Đảng bộ và nhân dân đó là sức mạnh làm nên chiến thắng. Thiết nghĩ rằng, lãnh đạo tỉnh cần tạo ra luồng sinh khí mới, tạo dựng niềm tin, trên dưới đồng lòng, tin tưởng, tha thiết với quê hương, sĩ diện với nghèo khó, từ đó xây dựng lòng nhiệt tình cách mạng, củng cố niềm tin, ý chí, tạo động lực cống hiến của mỗi cá nhân cho mục tiêu phát triển của quê hương.
Trong con mắt của các nhà đầu tư, hiện tại Phú Yên là địa bàn còn nhiều khó khăn và nhiều rủi ro. Tất nhiên, sẽ có nhà đầu tư đắn đo, lưỡng lự, chùn chí, nhưng cũng không ít nhà đầu tư chấp nhận khó khăn, chấp nhận rủi ro để vượt qua và họ đã thành công. Điển hình trong số những nhà đầu tư thành công xin kể đến 3 nhà đầu tư: Cty CP Thuận Thảo; Cty Du lịch Sao Việt và Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Họ xứng đáng đại diện cho 3 nhóm nhà đầu tư ở trong tỉnh, nhà đầu tư ở ngoài tỉnh và nhà đầu tư ở nước ngoài.
Sở dĩ có một số nhà đầu tư dám chấp nhận mạo hiểm đương đầu vào vùng khó khăn vì họ tin rằng bên cạnh họ luôn có Đảng và chính quyền đồng hành sẵn sàng giúp đỡ họ. Nếu để họ mất niềm tin thì chẳng còn gì nữa.
Tất cả đang mong đợi tài thao lược của lãnh đạo tỉnh để biến chuyển tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh với khí thế mới, sinh lực mới. Đó là cơ sở niềm tin của toàn Đảng bộ và nhân dân vào thắng lợi nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh./.
--------------------------------------------------------------
[*] Các dự án vì nhiều lý lẽ khác nhau – cho đến thời điểm đăng trên blog - đã không còn phép triển khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode