Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Di tích quốc gia Thành Hồ lại một lần nữa bị tổn thương

Kiến trúc sư Phú Yên – Di tích Thành Hồ, đã từng “có nguy cơ bị xóa sổ” khi lập Quy hoạch xây dựng thị trấn huyện lỵ Phú Hòa năm 2003 (khi đó, di tích đang được làm thủ tục trình xin công nhận Di tích quốc gia). Ngày đấy, hội KTS PY đã kiên trì, dũng khí để “bác bỏ” giải pháp quy hoạch được sở Xây dựng bảo vệ: phá bỏ hẳn bờ Đông thành Hồ. Nay, theo thông tin từ Tuổi Trẻ “Một phần của di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ (Phú Yên) được sở VH-TT-DL tỉnh này cho phép đào phá, bất chấp Luật Di sản văn hóa”.
Thì ra, hội KTS PY đã “bảo hoàng hơn Vua”…!?
Cho phép... đào di tích quốc gia ở Phú Yên!!!
Ngày 13-6, con đường nối từ quốc lộ 25 băng ngang qua bờ Nam di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ ầm ào những chiếc xe tải, xe công nông qua lại chở cát từ lòng sông Ba đem bán cho người có nhu cầu. Việc khai thác cát do hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (HTX Phú Hòa) thực hiện hơn bốn tháng qua. Ông Nguyễn Quang Thu - Chủ nhiệm HTX Phú Hòa - cho biết HTX sẽ khai thác cát ở sông Ba đến hết tháng 10-2012 (theo Giấy phép do UBND tỉnh Phú Yên cấp) và con đường duy nhất để vận chuyển cát từ sông vào vẫn là băng qua bờ Nam thành Hồ (thuộc khu vực bảo vệ I - phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian theo Luật Di sản văn hóa). Cũng theo ông Thu, lúc đầu chỉ tính đi vòng qua đất của dân, song do không thỏa thuận được chi phí nên phải xin cơ quan chức năng... đào bờ Nam thành Hồ làm đường (!!?)
Xe công nông chở cát đi qua đoạn thành bị đào bới để làm đường - ảnh của Duy Thanh
Trước đó ngày 31-8-2011, UBND huyện Phú Hòa đã làm văn bản xin ý kiến sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên và Sở này có công văn trả lời với nội dung: "Ðồng ý cho UBND huyện Phú Hòa mở đường công vụ đi qua bờ thành Hồ (bờ phía Nam giáp với sông Ba) như văn bản đã trình: hạ thấp chiều cao bờ thành Hồ khoảng 0,5m, chiều rộng 2,5m, chiều dài 3m" và "khôi phục hiện trạng ban đầu của bờ Thành Hồ khi ngừng khai thác cát". Ông Thu thừa nhận, tháng 2-2012 đã đào bờ thành Hồ hơn mức cho phép, cụ thể là đào chiều cao hơn 1m, chiều rộng khoảng 3m để tạo thuận lợi cho xe ra vào chở cát.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Ðàn (ở phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN tại Huế) - đã khảo sát thành Hồ năm 2011 - cho rằng bờ Nam thành Hồ là một bộ phận của di tích Thành Hồ bắt buộc phải bảo tồn."Không thể đào thành cổ lên xong rồi lấp lại như cũ được. Thành Hồ và nhiều thành Chăm khác ở miền Trung có một quá trình tu bổ và sử dụng qua nhiều lớp chủ nhân khác nhau, khi khai quật nghiên cứu khảo cổ học sẽ thấy có nhiều lớp văn hóa cụ thể, là tài liệu cực kỳ quan trọng để nghiên cứu. Còn khi đào nó ra rồi, xong việc lấp lại cho có hình dáng như cũ nhưng bên trong nó thì không còn gì nữa, không có giá trị gì cho nghiên cứu về sau cả. Ðó là điều không thể chấp nhận được" - ông Ðàn bày tỏ.
Trong khi đó, ông Phan Ðình Phùng - Giám đốc sở VH-TT-DL Phú Yên, người ký văn bản cho phép đào bờ Nam thành Hồ - lại nói: "Chúng tôi thấy việc làm đó chỉ tác động một tỉ lệ nhỏ so với tổng thể của di tích nên không ảnh hưởng gì. Với mức độ không làm thay đổi lớn hiện trạng, không làm biến dạng di tích như vậy thì ở cấp địa phương có thể cho phép được, không phải xin ý kiến bộ VH-TT-DL" (!).Ngày 13-6, ông Trần Quang Nhất - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói: "Tôi mới biết việc cho mở đường đi qua bờ Nam di tích Thành Hồ. Tôi yêu cầu sở VH-TT-DL kiểm tra ngay hệ thống văn bản cho phép này xem đúng sai thế nào, báo cáo cho UBND Tỉnh biết để xem xét, xử lý".
Cần dừng gấp việc xâm hại di tích
Theo TS Lê Ðình Phụng, Trưởng phòng Khảo cổ học (thuộc viện Khảo cổ học VN) - người chủ trì các cuộc khai quật khảo cổ học ở Thành Hồ - thì đây là một tòa thành Chăm cổ có niên đại tương đương với hai thành Trà Kiệu, Cổ Lũy; là một quần thể di tích rất có giá trị về mặt văn hóa nên mới được bộ Văn hóa - Thông tin (nay là bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích khảo cổ quốc gia vào năm 2005.
             Khi hay tin bờ Nam di tích Thành Hồ bị cho phép đào làm đường chở cát, TS Lê Ðình Phụng bức xúc: "Với di tích được xếp hạng cấp quốc gia thì phải được bảo vệ chặt chẽ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, phải giữ nguyên trạng và ứng xử đúng với giá trị của nó. Tôi rất ngỡ ngàng khi biết sở VH-TT-DL Phú Yên dám cấp phép cho đào bờ Nam Thành Hồ, xâm hại di tích quốc gia nghiêm trọng như thế. Cần phải dừng gấp việc này, đồng thời xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân xâm hại di tích".
bài của Duy Thanh – Huỳnh Hiếu // báo Tuổi Trẻ (thứ Sáu, 15/06/2012, 07:10).

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Cóp nhặt... chuyện nghề quy hoạch kiến trúc

bài của Khánh Nguyên - phóng viên tạp san Quy hoạch- Kiến trúc Phú Yên
Cũng như bao nghề khác, làm nghề quy hoạch-kiến trúc cũng có những chuyện không “chính tắc”. Xin cóp nhặt để cùng chiêm nghiệm.
- Vào những năm của thập kỷ 80 ở thế kỷ trước, yêu cầu quy hoạch xây dựng được đặt ra bức xúc. Một bậc cây cao bóng cả của “làng quy hoạch” đúc kết thành quả quy hoạch đô thị của những năm chiến tranh và bao cấp, rằng: sau một thời gian vừa làm quy hoạch, vừa học, vừa tìm tòi, các nội dung, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chỉ đạt khoảng 30-40%, đạt cao hơn cả là dân số, sau đó là tổng diện tích đất đai, về hướng phát triển không gian thì có nơi được, có nơi phải điều chỉnh nhiều lần, về các chỉ tiêu tiện nghi kết cấu hạ tầng, nhà ở... đạt rất thấp, có “chỉ tiêu” không đặt ra nhưng lại vượt mức là xây dựng cơi nới, lấn chiếm trái phép... Ấy thế mà lóm nghe đâu được con số 30-40% đó, người làm quy hoạch lại đặt ra chỉ tiêu cứ như là nguyên lý, rằng phấn đấu để làm sao khi nghiên cứu lập đồ án quy hoạch đạt được(?). Nếu thế, với kinh nghiệm và công nghệ tương đương thì “nó” sẽ có thể chỉ còn đạt 9-16%!
- Để nghiên cứu lập các đồ án khác nhau-có nghĩa là phải giải quyết các vấn đề mục tiêu khác nhau, người ta đặt ra các đầu bài, gọi là “nhiệm vụ thiết kế”. Thế mà quá nhiều đồ án lại có chung chỉ một “đề bài”, với cái gọi là “đề cương nghiên cứu” rất sơ lược, có lẽ chỉ khác nhau về địa danh, quy mô và mức kinh phí. Các “đề bài” đó lại chẳng phải do các thầy có chuyên môn, kinh nghiệm chấp bút, thẩm định... Từ đó, các đô thị, khu dân cư, thôn xóm được mọc lên ở các nơi nhưng đều được “quy đồng” về cùng một kiểu thức, dáng dấp, chẳng tìm thấy được cái gì gọi là bản sắc cả?  
- Có đồ án, dự án quy hoạch-kiến trúc, khi trình bày để thông qua, tác giả, chủ đầu tư, cả cơ quan thẩm định, cứ kêu lên rằng: đồ án, dự án này, đã được nghiên cứu (3-4-5-6-7-...) phương án, đã họp rất nhiều lần với rất nhiều thành phần, thông qua đi thôi. Quả là có thế thật! Nhưng có điều, chả ai kêu lên hộ rằng: Nghiên cứu chưa “tới”, họp nhiều lần mà chưa tập trung “ra vấn đề”, lại đẻ thêm vấn đề mới...! Và rồi, chỉ nhờ cái sự “nhiều lần” đó, mà đồ án, dự án được thông qua để... chẳng bao lâu sau, điều chỉnh, bổ sung... về cơ bản!
            - Tính nhất quán, chính xác là những yêu cầu bắt buộc của mọi lĩnh vực khoa học. Quy hoạch-Kiến trúc cũng là một ngành khoa học. Thế nhưng nhiều sản phẩm đồ án, dự án quy hoạch-kiến trúc lại sai lệch đến khó hiểu: sai lệch giữa ý tưởng bằng lời trình bày và bản vẽ thể hiện, giữa bản vẽ này với bản vẽ khác, giữa thuyết minh với bản vẽ..., thậm chí sai lệch cả bản vẽ hiện trạng và thực địa, giữa trình bày của tác giả với thuyết trình của người thẩm định?
- Tư vấn cho cấp thẩm quyền về các sản phẩm đồ án, dự án quy hoạch-kiến trúc phải là người có chuyên môn sâu, phải công tâm. Rất tiếc, lại có rất ít những người “đọc” được bản vẽ. Có cả những ý kiến của tầm cỡ “chuyên gia”, đánh giá một phương án quy hoạch-kiến trúc S nào đó là “không đáng quan tâm”(?); nhưng rồi chính phương án đó lại được Hội đồng chấm điểm cao nhất. Cũng vậy, thay vì phải phân tích, đánh giá, đặt yêu cầu làm rõ những vấn đề còn bất cập trong hồ sơ, thì đằng này lại hầu hết là thuyết trình, biện minh giùm tác giả, nhiều khi lại “bảo hoàng hơn vua”?
- Một ước lệ hành chính là sau 5 năm một lần, sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng. Nhưng, điều đó chỉ nhằm bảo đảm cho đồ án, dự án quy hoạch xây dựng được cập nhật phù hợp với chu niên kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chứ không phải là chỉ cần đạt mức độ chính xác trong phạm vi thời gian 5 năm. Mặc dù, “quy hoạch là công tác có mở đầu nhưng không có kết thúc”, nhưng mới bắt đầu nghiên cứu đồ án, dự án mà đã tâm niệm để 5 năm sau điều chỉnh, bổ sung, thì làm sao đạt hiệu quả, khả thi? Đồ án, dự án quy hoạch xây dựng phải sớm lắm là 5 năm mới hé lộ “thước vàng, khuôn ngọc”, nên càng dự báo chính xác, càng thuyết phục, bền vững.  
- Người ta vẫn tự trào rằng, các nhà quy hoạch là những “nhà không tưởng” (mượn khái niệm “chủ nghĩa Xã hội không tưởng” trong triết học) và các bản vẽ quy hoạch như là những tác phẩm hội hoạ theo trường phái lập thể. Bởi lẽ, những năm trước đây, giữa ý tưởng thiết kế và khả năng đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh là một khoảng cách lớn, chưa kể là có những “ý tưởng” vượt xa năng lực kinh tế-kỹ thuật đương thời. Lại nữa, bản vẽ quy hoạch thường được sử dụng khá nhiều mầu sắc với những hình học khác nhau, và nếu không được học chuyên môn, bài bản thì chẳng thể hình dung ra nó là cái chi chi, y như một bức tranh của Pi-cát-xô!
- Những năm qua, bà con ta nghe, nói nhiều hai từ quy hoạch và cũng rất lo sợ khi nó liên quan đến tính an cư của mình, bởi các giải pháp trong các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng kiểu tư duy “mỳ chén liền” làm cho từ quy hoạch bị gần như đồng nghĩa với các từ: giải toả-phân lô. Gần đây, một thuật ngữ mới được phát sinh: “công nghệ thiết kế”. Sự ra đời của nó, nói đến một yêu cầu phải được ý thức, nhìn nhận một cách nghiêm túc và khoa học: phải đổi mới tư duy, công nghệ thiết kế cho phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
- Điều sơ đẳng nhất mà người kiến trúc sư phải nhận thức là tạo ra một sản phẩm Quy hoạch hay Công trình đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho Con Người. Vậy mà, nhiều sản phẩm được đưa ra lại chỉ là những con số, công thức vô cảm, những khối, hình học câu nệ, nhưng lô thửa máy móc, mà không một chút ý tưởng không gian đa chiều, chả có một tẻo teo “hồn quê, cảnh phố”. Nguyên lý và quy phạm quy định phòng học phải lấy ánh sáng hướng Bắc-Nam; vậy mà, cứ khăng khăng “dứt khoát” lấy ánh sáng hướng Đông-Tây; để khi sử dụng, thầy trò phải chịu cái nắng, nóng gắt mùa Hạ, tối, gió rét lạnh mùa Đông, chịu không được thì dán giấy báo?... cổng trường thì mở trực diện ra các con đường lớn, cả quốc lộ?     
- Quy hoạch làm nền tảng, cơ sở cho Công trình, ví như một bản tổng phổ cho dàn nhạc giao hưởng trong âm nhạc; từ chủ đề, giai điệu, tiết tấu... cần tới nhạc cụ, nhạc công, lại phải không thể thiếu nhạc trưởng. Mà nhạc trưởng, nhạc công thì phải biết nhạc(?), và cũng không thể không chuyên nghiệp mà lại được biên chế trong dàn nhạc. Điều tưởng là chân lý nhưng không phải đã đúng trong thực tế!
Và, chưa hết...
Thế mới biết, “bếp núc” của nghề quy hoạch-kiến trúc cũng đa sự chẳng kém gì chính bản thân “nó”!
tháng Tư-2003

Hội Kiến trúc sư Phú Yên với công tác tư vấn, phản biện

bài của Trần Hoài Nam (*)
            Ngay từ ngày đầu mới thành lập (năm 1992), hội Kiến trúc sư Phú Yên đã tham gia hoạt động trong các tổ chức Hội đồng có chức năng tư vấn của Tỉnh: Đầu tư-xây dựng cơ bản, Quy hoạch-Kiến trúc, Nghệ thuật, Giải thưởng Kiến trúc, Giám khảo lựa chọn phương án Kiến trúc công trình... song song bên cạnh nhiệm vụ tổ chức trao đổi học thuật, động viên các kiến trúc sư trong công tác hành nghề sứ mệnh.
Các Hội đồng trên hoạt động với chức năng tư vấn cho cấp có thẩm quyền (chủ yếu là UBND Tỉnh) xem xét, quyết định các vấn đề tương ứng. Tại các phiên làm việc của các Hội đồng đó, thành viên hội Kiến trúc sư Phú Yên cùng các thành viên khác, trình bày ý kiến, nêu: các thông tin, kiến thức chuyên môn, so sánh, cân nhắc, đánh giá các phương án, giải pháp được đề cập, tỏ thái độ, đề xuất, kiến nghị quan điểm của mình để Chủ tịch Hội đồng tập hợp, trình cơ quan, cấp thẩm quyền xem xét.
Nhìn lại quá trình hoạt động tham gia các tổ chức trên, hội Kiến trúc sư Phú Yên có thể tự hào về tinh thần trách nhiệm, thái độ minh bạch; bằng hết khả năng chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, trung thực khoa học; triệt để, chặt chẽ về lý thuyết, học thuật, uyển chuyển, mềm dẻo trong triển khai, hành động trước các vấn đề quan trọng liên quan đến kiến trúc xây dựng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều ý kiến của hội Kiến trúc sư Phú Yên đã được cơ quan chuyên môn và cấp thẩm quyền ghi nhận, lựa chọn và thời gian, thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn của các ý kiến đó.
Đối chiếu với nội dung hoạt động tư vấn, phản biện được quy định trong Quyết định 22/ ngày 30-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ, thực chất của việc tham gia hoạt động trong các Hội đồng đó, là hoạt động có tính tư vấn, phản biện xã hội trong một tập thể chuyên môn rộng. Có thể nói, hội Kiến trúc sư Phú Yên là một tổ chức đoàn thể xã hội nghề nghiệp ở tỉnh Phú Yên, đầu tiên và liên tục đến nay, tham gia hoạt động tư vấn, phản biện.
Hội Kiến trúc sư Phú Yên coi sự tham gia của mình trong các tổ chức  Hội đồng là hoạt động xã hội thiết thực theo tôn chỉ mục đích của hội Kiến trúc sư Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật. Các kiến trúc sư  Phú Yên nói chung, tuy hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhưng yêu nghề, thường xuyên trau dồi, bồi bổ, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn; khi được tham gia trong các cuộc thi phương án Kiến trúc với các cương vị, nhất là tư vấn giám khảo, đều biểu hiện thái độ trách nhiệm và công tâm. Bên cạnh những việc đã làm được, cũng còn những bất cập, khiếm khuyết. Hoạt động tư vấn, phản biện trong tập thể chuyên môn rộng(Hội đồng) thường không chủ động về tài liệu, hồ sơ, thời gian hội họp, chất lượng nghiên cứu; ý kiến chuyên môn riêng biệt nhoà lẫn trong “kết luận” của Hội đồng; mặc dù, trong khoa học và chuyên môn, đa số không hẳn là chân lý. Có khi, ý kiến thuần tuý chuyên môn trở thành đơn độc, thậm chí bị bóp méo vì trình độ chuyên môn sâu không đồng đều hoặc có những ẩn ý khác! Nêu ra như vậy, không phải là không cần thiết đến vai trò tư vấn của các Hội đồng, mà chính là cần cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng, nâng cao chất lượng, giải quyết chiều sâu chuyên môn có tính khoa học khách quan.
Thời gian tới, thực hiện Quyết định 22/ của Thủ tướng Chính phủ “Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam”, các thành viên hội Kiến trúc sư Phú Yên, cũng là thành viên Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật, trước hết cần nhận thức sâu sắc hình thức hoạt động này là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu của một tổ chức chính trị-nghề nghiệp góp phần đưa trí tuệ chuyên môn vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhưng không phải là hành nghề sinh lợi. Một mặt, tiếp tục nâng cao, cập nhật trình độ kiến thức để hoạt động hành nghề, đáp ứng yêu cầu quy hoạch xây dựng kiến trúc ngày càng phát triển; mặt khác, phải nắm vững các quy định về chức năng, nhiệm vụ, hình thức thực hiện tư vấn phản biện để bảo đảm tính khoa học chặt chẽ, tính pháp lý cao. Vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thành viên tham gia trong các tổ chức Hội đồng tư vấn chuyên môn với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, vừa chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm nhiệm với vai trò độc lập và triển khai thêm hoạt động giám định xã hội. Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định với mọi vai trò đều phải với thái độ khoa học, khách quan, trung thực, chân thành, hợp tác, theo mục tiêu vì sự nghiệp Kiến trúc, vì lợi ích chung phát triển kinh tế xã hội Phú Yên.
             Tuy tư vấn, phản biện, giám định xã hội không phải là hoạt động hành nghề sinh lợi; song không phải không có những ngõ lối cho những động cơ vụ lợi, phi khoa học khai thác, lợi dụng. Hội viên hội Kiến trúc sư Phú Yên luôn cảnh giác, trước hết với chính mình, tiếp tục phát huy thái độ minh bạch, khách quan vừa qua trong hoạt động này.
(*) Chủ tịch hội Kiến trúc sư Phú Yên.
-------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:  Theo Quyết định 22/, các nội dung cụ thể là:
Tư vấn: là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề án.
Phản biện: là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.
           Giám định xã hội: là hoạt động theo dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.

KHAI THÁC BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG

không gian dân cư ven thành phố Tuy Hòa
bài của Hoa Anh
Đô thị hóa ở tỉnh Phú Yên đang phát triển nhanh, nhưng phần nhiều chưa kiểm soát được. Có khi, vì chính những động thái quên mất bản sắc truyền thống của không gian dân cư ở ven đô thị làm cho giải pháp quy hoạch xây dựng máy móc, chiết trung, thậm chí cưỡng bức... trở thành “động lực” xấu cho đô thị hóa tự phát.
Trong hai Dự án: Quy hoạch xây dựng tổng thể Tp.Tuy HòaQuy hoạch phát triển du lịch vùng đô thị Tuy Hòa, thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc) được định hướng là làng hoa và thôn Phước Hậu (nay thuộc phường Chín) được định hướng là làng sinh vật cảnh. Nếu được đầu tư thực sự theo định hướng trên, thì Tp.Tuy Hòa trở nên bản sắc nhờ sự đặc thù, độc đáo của hai không gian truyền thống đó. Thế nhưng, nếu không có những giải pháp khả thi thì quy hoạch chỉ là trên giấy, thậm chí còn gây tác hại khôn lường.
Không gian đô thị nói chung, về mặt diên cách, gồm: không gian đô thị hiện có, vốn lộn xộn, tự phát; không gian đô thị mới, thường được nghiên cứu theo “lý thuyết cơ cấu” bài bản vốn hay bị “treo” do không đồng bộ hoặc không khả thi về đầu tư hoặc bị “quy đồng mẫu mã” làm cho đô thị nào cũng giống đô thị nào, đô thị miền biển cũng giống đô thị miền núi, cấp lỵ cũng giống thị tứ…; và không gian dân cư ven đô thịbài viết này đề cập, vốn rất bản sắc nếu được khai thác tính truyền thống sẵn có khi chỉnh trang, tiện nghi hóa hạ tầng, nhưng lại thường bị đô thị hóa “cưỡng bức”.

Không gian dân cư truyền thống

Truyền thống về tính cộng đồng của người Việt thể hiện ở những quan hệ: làng xóm, họ tộc, gia tộc…, ở nhiều phương diện: quan hệ tình cảm huyết tộc, quan hệ trong sản xuất, buôn bán và trong mọi mặt sinh hoạt... Trong làng xóm truyền thống, tính cộng đồng thể hiện trong bố cục mặt bằng kiến trúc khuôn viên chòm xóm, phù hợp đặc điểm sinh hoạt. Không gian dân cư truyền thống gồm không gian làng xómkhông gian khuôn viên-nhà ở, bao giờ cũng là không gian mở. Không gian làng xóm thường hình thành tự phát, có hình thể tự nhiên, đường đi to nhỏ, ngoằn ngoèo... Đành rằng “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”, nhưng do nhiều yếu tố, mỗi căn nhà xoay đủ hướng, tạo nên sự “gần nhà, xa ngõ”; nhưng khuôn viên mỗi nhà thì vẫn được phân định rõ bằng rào, xây gạch hoặc cây xanh. Thông thường, nhà của mỗi thành viên từng thế hệ họ tộc ở quây quần, tụ họp do được chia đất khi tách hộ “ra ở riêng”, hình thành thức “tam đại đồng viên”. Khuôn viên nhà này tiếp giáp khuôn viên nhà kia, tiếp nối nhau bởi lũy tre, vườn cây trái... í ới gọi nhau buổi cày cấy. Không gian khuôn viên-nhà ở truyền thống ở miền Nam Trung bộ, phổ biến là nhà trệt, ba hoặc năm gian, hai chái. Phía trước nhà là hiên rộng, được ngăn cách với sân bằng những tấm “dại” che nắng-mưa. Hiên - sân - vườn đều là những khoảng không gian nửa riêng, nửa chung, là những không gian mang tính cộng đồng cao, là gạch nối mỗi cộng đồng gia đình với thiên nhiên và cộng đồng xóm giềng. Hiên là không gian chuyển tiếp giữa trong nhà và ngoài trời, sinh hoạt cho bữa ăn gia đình, vào ngày hanh nắng. Sân là không gian kết nối ngôi nhà và vườn tược, ngày mùa thì phơi thóc lúa, khi có việc hệ trọng thì che bắc rạp cho bà con chòm xóm đến tham dự. Đây là không gian cho tình cảm cộng đồng gia tộc nảy nở, của những chiều chiều và đêm trăng thanh, gió mát... Vườn là không gian tiếp nối xóm giềng và là nguồn thu nhập kinh tế nhà nông đáng kể.
Tính cộng đồng - và kết quả tất yếu là sự cộng cảm giữa các thế hệ - là một trong những đặc tính quý báu của dân tộc, giúp cho mỗi cá nhân có thể hoàn thiện nhân cách, tự tin vượt qua những khó khăn của cuộc sống được bắt nguồn như thế, từ những không gian truyền thống: hiên, sân, vườn…
Sự biến đổi không gian dân cư từ ven đô trở thành phố thị
Không gian dân cư ven đô không gian dân cư truyền thống nhưng có vị trí ven các đô thị, tuy có bị tác động của đô thị hóa tự phát nhưng diện mạo, hình thái cảnh quan mang đậm đặc điểm thôn quê. Nó có đặc điểm chung là những đơn vị dân cư nông thôn lâu đời, có quan hệ họ tộc, phong tục, tập quán rất rõ nét; nhiều nơi có truyền thống lịch sử, văn hiến... Nghề nghiệp dân cư chính vẫn là nông nghiệp, một số ít có vị trí ở chợ thì kinh doanh dịch vụ nhỏ. Do sự tăng dân số tự nhiên và chịu tác động ảnh hưởng của sự đô thị hóa tự phát, dân cư xây dựng nhà ở làm tăng mật độ cư trú với rất nhiều kiểu thức nhưng đa số vẫn là kiểu kiến trúc thôn quê gắn với khuôn viên định hình lâu đời.
Do nhu cầu dự trữ không gian phát triển lãnh thổ đô thị và tạo vùng cung cấp rau xanh, hoa lá cho đô thị, một số không gian dân cư ven đô được quy hoạch là vanh đai đô thị và quá trình thời gian được chuyển thành điểm dân cư nội thị. Như ở Phú Yên ta, một phần diện tích các thôn Phước Hậu, Ninh Tịnh, Liên Trì của Bình Kiến đã được chuyển thành phường Chín, thành phố Tuy Hòa. Một mai kia, phường nội thị cũng sẽ phát triển thêm ra các thôn Phú Vang (xã Bình Kiến), lên Minh Đức (xã Hòa Kiến), vào Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc)… một số thôn của xã An Thạch được đưa vào thị trấn Chí Thạnh, một số thôn ngoại vi được đưa vào nội thị trấn La Hai... và một số nơi trong tỉnh đang được nghiên cứu lập Đồ án quy hoạch xây dựng theo mô thức đô thị như Hòa Định Đông, Phú Thứ, Hòa Vinh…
Nhiều năm qua, tin lan truyền việc sẽ biến đổi một số không gian dân cư ven đô - gọi là xã-thôn - thành điểm dân cư phố thị – gọi là phường, thị trấn - đã làm cho đời sống xã hội ở những nơi đây náo nhiệt lên. Cơn sốt đất ở đô thị chưa “hạ nhiệt” thì vùng ven đô lại bị chèo kéo theo, “nóng” lên. Dân đô thị làm ăn phát đạt, giàu có muốn tránh nơi phố thị ồn ào, bụi bặm thường kiếm mua đất thật rộng, xây biệt thự với khuôn viên thoáng đãng. Người dân quê ven đô lâu nay sống thuần nông, vốn nghèo khó dai dẳng, nay muốn “đổi đời” bèn chia lô, bán đất và xây nhà lô-mặt tiền! Diện mạo không gian dân cư truyền thống ven đô trở nên nhuôm nham, nhếch nhác, lai căng... Người viết đã mục thị ở thôn Phước Hậu, một ngôi từ đường ba gian hai chái truyền thống với khuôn viên rợp bóng tre xanh, bị đập bỏ, chặt trụi tre, rồi thì chia lô bán và xây một nhà từ đường mới với kiểu lô-ống, mặt tiền ốp gạch ceramic bóng loáng, cửa sắt kéo (?)
Tìm hiểu, mới ra nhẽ… Chính quyền cho lập quy hoạch xây dựng thôn Phước Hậu. Nơi đây là điểm dân cư lâu đời, quan hệ họ tộc rõ nét, có nhiều sự kiện lịch sử lớn của tỉnh Phú Yên diễn ra. Nghề nghiệp dân cư chính là nông nghiệp và trồng hoa, chăm sóc cây cảnh; địa hình chênh lệch lớn về cao độ, địa mạo chủ yếu là nền đất cát, diện mạo hình thái cảnh quan nhà cửa mang đậm đặc điểm kiểu thôn quê, có khuôn viên định hình, ổn định. Vậy mà, giải pháp quy hoạch xây dựng ở đây lại là san ủi bằng phẳng toàn bộ mặt bằng thôn, dùng mạng lưới giao thông ô cờ để phân lô, định lượng lại diện tích đất cho mỗi hộ, tạo nhà ống... (?). Được biết, hội Kiến trúc sư Tỉnh đã lên tiếng, rằng: giải pháp quy hoạch trên “sẽ dẫn đến việc không khả thi về giải toả, phóng tuyến mới, về quản lý xây dựng, về khả năng đầu tư; làm xáo trộn diện mạo, khó hình thành, hoàn chỉnh cảnh quan; gây tâm lý bất an trong dân cư về giải toả, điều chỉnh khuôn viên”. Nhưng, không một “ai” trả lời và Đồ án vẫn được tồn tại (?!) để rồi “treo” và tạo thêm khoảng trống định hướng quy hoạch-kiến trúc và đặc biệt tạo ra những “chấn động tâm lý” cho người dân sở tại mơ về một cuộc đổi đời nhờ “chia lô-bán đất”. Làng hoa Ngọc Lãng, cũng đang tương tự tình trạng tự phát đô thị hóa, người dân tự quy hoạch, chia lô… Có thể, nhiều nơi khác trong Tỉnh đang được nghiên cứu lập Đồ án quy hoạch xây dựng theo mô thức đô thị, cũng như vậy ?
Đi tìm giải pháp cho không gian dân cư ven đô
Ngày nay, tính cộng đồng truyền thống dường như đang phải đối mặt với nhiều thử thách, mức độ cộng cảm giữa các thế hệ xã hội trong tầng lớp thị dân đang ngày càng trở nên mong manh và bộ mặt đô thị mới đã chưa được ngăn nắp, thẩm mỹ thì cảnh quan không gian ven đô lại bị phá vỡ nét truyền thống, lai căng. Những người được quy định trách nhiệm, nhưng lại thiếu nó, thường đổ cho cơ chế thị trường, v.v... Nhưng, không có mấy người biết rằng, đôi khi sai lầm lại bắt đầu từ chính sự lựa chọn giải pháp quy hoạch-kiến trúc.
“Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có mục tiêu là “Nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, hiện đại, có bản sắc; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá kiến trúc truyền thống và bản sắc dân tộc của kiến trúc nước nhà; đổi mới môi trường văn hoá kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng”. Đặc biệt, đối với các làng xã có liên quan, ảnh hưởng với cơ cấu quy hoạch chung đô thị (tức là không gian dân cư truyền thống vị trí ở ven các đô thị), Định hướng chỉ rõ: “Phát triển kiến trúc phải được dựa trên sự tham gia của dân cư và cộng đồng; lưu ý giữ lại những di sản kiến trúc, thiên nhiên của làng xã; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hoá kết cấu hạ tầng”. Tất cả những định hướng quan trọng đó, do không biết hay cố tình bỏ qua, không được “ai” áp dụng vào quá trình lập, thẩm duyệt ở Đồ án quy hoạch xây dựng Phước Hậu và các không gian truyền thống khác ven Tp.Tuy Hòa và các đô thị khác trong tỉnh.
Bản chất của quy hoạch-kiến trúc là phản ánh rõ nét đặc điểm kinh tế-xã hội của thời đại tạo ra sản phẩm và chúng ta cũng không đi theo khuynh hướng lệch lạc “hoài cố”. Nhưng, để tạo ra được những sản phẩm quy hoạch-kiến trúc có bản sắc của mỗi vùng văn hóa, phù hợp với truyền thống gắn bó cộng đồng, tại sao người ta lại không hề biết đến truyền thống gắn bó cộng đồng và những kinh nghiệm trong lập ấp, cất nhà của cha ông ? và “Định hướng Kiến trúc Việt Nam…” kia, há chăng chỉ để dành cho người dân chứ không phải cho các nhà quy hoạch-kiến trúc hay quản lý đô thị ?
Sự phát triển của kiến trúc đô thị là tất yếu. Việc lựa chọn các tiện ích hiện đại chất lượng cao trong sinh hoạt cũng là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, phải có một cách nhìn theo chiều nhân văn. Các Dự án Quy hoạch xây dựng tổng thể Tp.Tuy Hòa và Quy hoạch phát triển du lịch vùng đô thị Tuy Hòa đã định hướng cho một tầm nhìn, để tạo dựng một không gian bền vững, hiện đại, có bản sắc… Nhưng có khi, vì chính những động thái quên mất bản sắc truyền thống của không gian dân cư ở ven đô thị làm cho giải pháp quy hoạch xây dựng máy móc, chiết trung, thậm chí cưỡng bức... trở thành “động lực” xấu cho đô thị hóa tự phát.
 Chúng ta luôn cần một không gian có tính cộng đồng và sự cộng cảm. Nên nhớ rằng, không gian dân cư không chỉ phải vừa thuận lợi cho cư trú mà phải vừa cả tạo cảm xúc, lại có khả năng liên kết không phải chỉ giữa các thành viên gia đình mà còn phải cả cộng đồng xóm giềng. Và đừng quên, trách nhiệm của các nhà quy hoạch-kiến trúc, các nhà quản lý đô thị hoạch định cho tương lai, không chỉ phải bảo tồn di sản bản sắc cho hôm nay, mà phải còn cho muôn đời sau.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Chợ...

Haukhaoco *
Chợ xưa là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa của một khu vực nhất định, thường là chợ “làng”. Nông thôn miền Bắc xưa kia, chợ làng họp nơi bến sông hay đầu làng – ranh giới giữa “nơi ở” khép kín trong lũy tre làng với cánh đồng liền khỏanh của các làng liền kề nhau. Chợ họp trên bãi đất tương đối rộng, bằng phẳng, có cây đa hay cây gạo lớn tỏa bóng mát. Hàng ngày họp chợ từ sáng sớm đến khi mặt trời cao hơn con sào là tan chợ. Chỉ có vài hàng quán như hàng nước chè, hàng xén, hàng lò rèn… còn lại là buôn gánh bán bưng. Hàng hóa chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, người bán người mua đều quen biết. Thuận mua vừa bán ít khi nói thách mặc cả, có khi còn mua chịu bán thiếu… Có làng chợ họp tháng dăm ba phiên. Vào ngày phiên chợ tấp nập, hàng hóa phong phú hơn, người các làng khác cũng đến mua bán trao đổi…
Ở Nam bộ, sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ thường họp nơi bến sông, ngã ba ngã tư kênh rạch gặp nhau hay có đường bộ cắt ngang. Ngày hai lần nước lớn nước ròng, nơi giáp nước ghe xuồng cắm sào neo đậu chờ con nước để đi tiếp nên thành chợ trên sông hay trên bến dưới thuyền. Dần dần trên bờ hình thành các thị tứ với tiệm cà phê, chạp pô, tiệm vàng, tiệm gạo, rau trái… Chợ cũng họp hàng ngày rồi theo phiên. Có khi ngày phiên theo con nước cho tiện ghe xuồng lui tới.
Quan sát chợ xưa có thể nhận biết nhiều điều về “đất nước, con người” vùng quê ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô… Đi chợ là nhu cầu không chỉ/ không phải để mua bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội… Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… không chỉ để biết giá cả chất lượng hàng hóa mà còn có thể biết được tính tình, thái độ của người bán kẻ mua. Tên gọi của chợ - một lọai địa danh – là một yếu tố văn hóa, thường gắn liền với các đặc sản của làng/ vùng miền ấy. Bây giờ những tên chợ đậm chất dân dã đang mất dần...
Chợ nay. Muốn nói đến các siêu thị đang mọc ra nhan nhản khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Hình thức giống nhau, nội thất trang trí bày hàng giống nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang dấu ấn địa danh. Trong đó mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Quan hệ “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… vì người bán “vô hình” mà chỉ có người tính tiền (ở nước ngòai đã có siêu thị người mua tự tính tiền, tự quẹt thẻ trả tiền). Siêu thị - chợ hiện đại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị: coi trọng tính cá nhân, đặt giá trị vật chất của hàng hóa lên trên quan hệ tình cảm trong mua bán. Tính chất văn hóa vùng miền (sản phẩm, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại. Tên gọi các chợ hiện đại - phần nhiều là tên nước ngòai - nghe... nhạt hóet, không mang chút ký ức văn hóa nào cả.
Chợ - ký ức của những con người được di truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ. Đi chợ với mẹ, mong mẹ đi chợ về... tuổi thơ của ai mà không có những ký ức đẹp như thế...
Lắm mợ chợ mới… đông
Trần Tú **
Ở  phường Cẩm Châu (Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam) của tôi có chợ tên gọi là chợ Bà Lê. Chợ Bà Lê hiện nay đông vui, tưng bừng không kém chợ chính của Tp.Hội An.Trước đây ngôi chợ là một khu mồ mả lộn xộn. Sau đó ông Nguyễn Hữu Phước - nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Cẩm Châu - đã điều xã viên đến cải táng đem lên nghĩa trang, để thành lập một sân bóng đá. Ai ngờ cầu thủ - toàn của HTX - đến đá bóng bị trặc chân quá nhiều khiến người mê tín cho là do oan hồn người chết bẻ gãy chân (!?).
Thế rồi khi cầu thủ ít đến đá bóng, có ba bà già mạnh dạn đến, một bà bán bánh kẹo, một bà bán rau, đậu và một bà bán cá bày bán ở một góc sân. Từ đó người ta đến mua bán ngày càng đông làm “sân bóng đá” bỗng nhiên trở thành một cái chợ. Thoạt đầu muốn hỏi đồ mua ở đâu thì câu trả lời thường là “gần nhà bà Lê”. Dần dần để ngắn gọn câu trả lời, người ta lược bỏ hai chữ “gần nhà”, rồi thay chữ “nhà” thành chữ “chợ”, riết rồi thành “ chợ Bà Lê”.
Ngày nay, chợ Bà Lê là cái tên không thay đổi được. Từ anh xe thồ đến tất cả người dân, ngay các cấp chính quyền đều thản nhiên và... hãnh diện gọi đây là chợ Bà Lê. Riêng tôi và ông Phước thắc mắc hết mực. Tôi nhiều lần gặp ông Phước, ông ấy tức giận đỏ mặt hỏi tôi: “Chợ Bà Lê! Bà Lê! Bà Lê!... Tại sao không gọi chợ ông Phước, người đã táo bạo quyết định dời mả để có được cái chợ!?”. Tôi muốn... an ủi ông Phước. Vì tôi sực nhớ lại hồi ở Đà Nẵng trước năm 1975, có mấy bà đến ngồi trên một khu mả bày cá ra bán, cảnh sát đuổi kiểu gì, mấy bà cũng lén lút vì người mua ngày càng đông. Cuối cùng không thể giải tỏa được, ông Thị trưởng Đà Nẵng lúc bấy giờ phải ra lệnh hốt mả (nguyên ngày xưa là một cồn cát) để lập chợ. Chợ có tên là chợ Cồn chứ không có tên chợ... ông thị trưởng! Còn ngày nay, chợ Cồn phát triển nhất Đà Nẵng.
Tôi viết bài này không nhằm nhắc lại cho vui, mà để lưu ý các nhà quy hoạch, xây dựng chợ quy mô hoành tráng mà chợ không đông, bỏ hoang phế. Do đó, khi xây dựng chợ phải tìm cách thử trước, coi nơi đó người ta có thích muốn đến chợ đông hay không.
------------------------------------------
(*) Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
(**) 336 Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam