Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Cảnh báo về "cơn say bệnh vốn FDI"

Có lẽ đọc xong 2 bài này, ta cũng chợt thấy rằng, "cũng là căn bệnh của ta"...

Tỉnh táo trước những “cơn say” hút vốn FDI
(VEF.VN) - Vì ham thành tích, nhiều địa địa phương đã bỏ qua mong muốn có được những FDI công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Thậm chí, có biểu hiện say mê với những dự án lớn, chiếm đất, gây ô nhiễm.
FDI ham tài nguyên rẻ Việt Nam
Theo Bộ trưởng bộ Kế hoạch-Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, thừa nhận, các địa phương đã thu hút dự án một cách ít có chọn lọc, nhất là giai đoạn đầu nên đã không tránh khỏi những doanh nghiệp FDI không có công nghệ tốt, tiêu tốn nguyên liệu, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao. Một số ít doanh nghiệp FDI vẫn chưa đảm bảo được xử lý chất thải, ảnh hưởng đến môi trường. Còn mong muốn thu hút FDI công nghệ cao, chất lượng cao chưa đạt mục đích đặt ra.
Ông Bùi Quách Tuyến, Thứ trưởng bộ Tài nguyên-Môi trường thẳng thắn nêu rõ: "Rất nhiều dự án FDI đều giống nhau ở một điểm quan trọng đó là hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường... tất cả đều với chi phí quá thấp".
Ông Tuyến cảnh báo: "Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao.
Thực tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp FDI đã cho nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc "dưới chuẩn", cũ kỹ, lạc hậu vào Việt Nam. Chưa kể, có không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên, mà bài học về Vedan là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, đó là vụ Cty Tung Kuang xả thải ra môi trường, rồi phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Phú Thọ) đã phát hiện Cty TNHH một thành viên PangRim Neotex với hành vi tương tự. Gần đây, Cty Xi măng Chinfon (Hải Phòng) cũng đã bị người dân phong tỏa do "đầu độc" môi trường bằng khói bụi,...
Nguyên nhân nằm chính ở chúng ta. Theo vị thứ trưởng này, các tiêu chuẩn về môi trường của chúng ta quá thấp và đây chính là điểm hấp dẫn FDI.
25 năm: chỉ có 5% FDI công nghệ cao?
Định lượng cảm nhận dường như bi quan của ông Tuyến về FDI, một cuộc khảo sát của VCCI và USAID/VNCI gần đây đã cho hiện rõ bức tranh thu hút FDI rất đáng lo ngại.
Hiện nay, 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Tính trung bình trên cả nước, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tham gia vào sản xuất công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin và truyền thông, khoảng 5% khác tham gia các dịch vụ khoa học, kỹ thuật, 3,5% tham gia ngành bảo hiểm, tài chính có kỹ năng quản lý hiện đại, lao động trình độ cao.
Về thu hút FDI trong lĩnh vực môi trường, theo báo cáo mới đây nhất này 20/2  năm nay của Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải tính từ năm 1988 tới nay mới chỉ có 28 dự án trong tổng số 13.530 dự án FDI đầu tư vào nước ta hiện đang còn hiệu lực, chỉ chiếm 0,2%. Tổng vốn đầu tư đăng ký của 28 dự án này là 710.084.540 USD trong tổng số 199.703.267.764 USD tổng vốn đầu tư của tất cả các dự án tại Việt Nam, chiếm 0,36%.
Năm 2009, chúng ta có 5 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký là 8.700.000 USD; năm 2011 có 3 doanh nghiệp FDI đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 323.210.000 USD. Và hai tháng đầu năm 2012 có 1 doanh nghiệp FDI đầu tư với số vốn đăng ký là 200.000 USD.
Quyền từ chối FDI bất lợi
Theo Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, thực trạng đáng buồn là, nhiều địa phương, ban Quản lý KCN, KKT chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, do vậy phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, không bảo đảm lợi ích dân tộc trong việc thu hút FDI.
Giải pháp nâng cao chất lượng dòng vốn FDI không nên nằm quá nhiều ở những hệ thống ưu đãi tài chính hiện nay. Ví dụ như, ưu đãi thuế đang có tác dụng như một lực hút FDI nhưng không đồng đều đối với các nhà đầu tư và các vùng lãnh thổ.  Nhà đầu tư là doanh nghiệp vừa và nhỏ coi trọng ưu đãi thuế, trong khi nhà đầu tư lớn với chiến lược dài hạn đòi hỏi phải có môi trường pháp lý minh bạch, công khai và ổn định, cơ sở hạ tầng kỷ thuật tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ưu đãi này có thể có tác động tích cực ở những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng không thực sự hấp dẫn đầu tư vào các tỉnh miền núi mà cơ sở hạ tầng kém phát triển.
Theo TS Mại, hoạt động mời chào FDI hiện vẫn còn thụ động. Đáng lẽ, các địa phương cần phải phát huy vai trò chủ động để có quyền lựa chọn. Đơn cử như, nếu dự án phù hợp với quy hoạch phát triển, ý đồ của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương cần cân nhắc xem nên chọn nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước.
Nếu chưa có quy hoạch, chưa có ý đồ, khi có nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý muốn thực hiện dự án thì cần nghiên cứu tính khả thi của dự án kể cả lựa chọn địa điểm đầu tư, thị trường, các ưu đãi trước khi ra quyết định. Bước thứ ba, khi đã quyết định chọn nhà đầu tư nước ngoài thì nên ưu tiên cho doanh nghiệp đến từ nước nào để có được công nghệ hiện đại, thúc đẩy R&D, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
"Trên thực tế, các địa phương còn lạm dụng ưu đãi cho FDI đến mức tôi biết có địa phương, giao đất cho nhà đầu tư thu rất thấp, đến mức phải vay của nhà đầu tư để trả tiền thuê đất cho nông dân", ông Mại nói.
"Ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư, và lựa chọn cách thức ưu đãi, kể cả phi tài chính để đủ hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư cạnh tranh với các quốc gia xung quanh", TS Nguyễn Mại khuyến cáo.

"Bệnh FDI”
TNO - Không phải bây giờ, "mảng tối" như chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi kiếm lợi nhuận rồi "rút"... của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được đưa ra. Nhiều năm trước, hiện tượng này đã được cảnh báo nhưng vẫn ngày một tăng.
Một phần quan trọng của các hậu quả trên xuất phát từ bệnh thành tích của chúng ta trong việc thu hút vốn FDI.
Vốn năm nay cao hơn năm trước; dự án "khủng"; sự xuất hiện của những thương hiệu nổi tiếng thế giới... luôn được coi là niềm tự hào trong thu hút vốn FDI của VN nói chung và các tỉnh, thành nói riêng. Còn nhớ một thời gian dài, để cạnh tranh thu hút vốn FDI, các tỉnh, thành lao vào cuộc chạy đua mức ưu đãi. Tỉnh này miễn tiền thuê đất 10 năm thì tỉnh kế bên nâng lên 20 năm; thành phố A miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm thì thành phố B phải miễn gấp đôi. Quá "say" với việc kêu gọi vốn FDI, nên danh mục và mức ưu đãi của nhiều tỉnh, thành giống hệt nhau bất chấp lợi thế của mỗi nơi mỗi khác. Không chỉ các tỉnh, đây cũng là tâm lý của chúng ta ngay tại thời điểm hiện tại. Dù đã khẳng định sẽ chuyển hướng thu hút FDI về "chất", thay vì "lượng" mấy năm trở về đây nhưng mỗi khi vốn FDI sụt giảm, chúng ta vẫn tìm mọi lý do để biện hộ. Tâm lý thu hút FDI bằng mọi giá đã khiến khâu thẩm định năng lực, mục tiêu thực sự của nhà đầu tư bị xem nhẹ, thậm chí xuê xoa. Dẫn đến một loạt các hệ lụy nhức nhối như chuyển lãi thành lỗ; gây tác hại đến môi trường; cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước; tận dụng hết ưu đãi rồi bỏ chạy...
Mảng tối đằng sau dòng vốn FDI đã rõ, nhưng hạn chế lại không hề đơn giản. Bởi như phân tích trên, ở đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật (năng lực thẩm định, trình độ quản lý, giám sát...) mà còn cả về vấn đề tâm lý, bệnh thành tích... Nên để "siết" lại, để chọn lọc vốn FDI theo đúng định hướng của Chính phủ, phải có sự thay đổi thật sự trong chính tư duy, nhận thức của chúng ta về vấn đề này.
Ngân sách bị thất thu, người tiêu dùng bị thiệt hại, doanh nghiệp trong nước bị chèn ép trong một cuộc cạnh tranh không cân sức... Đã đến lúc cần "tĩnh" lại để "cân đối" giữa "mảng tối" và "mảng sáng" của dòng vốn FDI, thực hiện nghiêm túc việc chọn lọc vốn FDI. Việc "siết" đầu vào có thể khiến số lượng và giá trị vốn FDI giảm nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ cao, chất lượng tăng. Quan trọng hơn là bảo vệ người tiêu dùng nội địa và tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần doanh nghiệp trong cùng một sân chơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode