Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Một cafe’s với phong cách Kiến trúc Xanh

            Vừa qua, trong khuôn khổ Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam, một kiến trúc quán cà phê (café) ở Nha Trang với danh quán Lamcafé được trao giải…
Quán tọa lạc nằm trong hẻm kề cận khu dân cư, trên một khu đất có diện tích 800m2, nhưng phần diện tích mái chỉ chiếm 350m2. Điều đáng nói ở đây, là phong cách kiến trúc, đã thỏa mãn phần nào một số tiêu chí về Kiến trúc Xanh VN. Toàn bộ công trình của quán đều được cấu tạo bằng gỗ dừa…, mà trong xây dựng người ta gọi là lam; đó chính là lý do đặt tên quán: Lamcafé.
KTS Phú Yên xin giới thiệu vài góc nhìn của Lamcafé NhaTrang, với tâm tưởng gửi gắm điều mong ước đến các KTS Phú Yên về một nhận thức trong quan điểm và phương pháp sáng tác Kiến trúc: vị Nhân sinh-Môi trường và Thời đại.
Những hình ảnh này được ghi lại khi Lamcafé NhaTrang mới khai trương được khoảng 5 - 6 tháng, với thời hạn thuê đất 10 năm.




Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Trụ sở không chỉ là trụ sở

“Với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng Bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, bộ Giao thông vận tải ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ năm 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng); trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng Bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng” - thông tin ngắn gọn này đang khiến dư luận xôn xao, không chỉ bởi những con số ngàn tỉ chóng mặt, nhất là khi kinh tế đang khó khăn, mà còn là tác giả của đề án nâng cấp trụ sở kia - bộ Giao thông vận tải - cũng đồng thời là tác giả của hàng loạt đề án thu phí, tăng phí…
Câu chuyện xây trụ sở của các cơ quan công quyền ở nước ta là một câu chuyện dài nhiều tập.
Mặc dù không muốn, nhưng khi nghe kế hoạch xây trụ sở ngàn tỉ của bộ GTVT cũng chợt nhớ tới những trường học miền núi gió lùa bốn phía, nắng thì mặt trời xuyên tận mặt, đêm ngắm được trăng sao. Mặc dù không muốn, nhưng khi đi vào trụ sở của quận nhỏ ở thủ đô mà có tới... 70 chiếc máy lạnh chĩa 70 cục nóng phả hơi hầm hập ra xung quanh, hàng rào thép lạnh lùng kín bưng, bỗng nhớ tới một bệnh viện cũng ngay trong quận ấy 30 năm chưa được nâng cấp, mùa mưa về là nước lụt lênh láng sàn phòng bệnh, sản phụ nằm trên giường nơm nớp lo rớt con xuống nước. 
 Mặc dù không muốn, nhưng không thể không so sánh trụ sở của một bộ lo việc đi lại của đất nước 80 triệu dân mà chỉ riêng hạng mục xây dựng cơ bản trong vòng ba năm đã lên đến gần 10.000 tỉ đồng, với những chiếc lán tạm bợ của những công nhân làm đường, quanh năm bán mặt cho mặt đường, bán lưng cho mưa nắng, cặm cụi vác đá vá đường sau mỗi cơn mưa lũ, mỗi trận sạt lở mà đồng lương chẳng đủ nuôi bản thân chứ chưa dám mơ nuôi cả gia đình.Không liên tưởng sao được khi không chỉ trụ sở (tương lai) của bộ GTVT, mà suốt từ Bắc chí Nam mọc lên những cơ quan chính quyền hàng tỉnh, hàng huyện với những tòa ngang dãy dọc thênh thang, kiến trúc xấu xí, thô kệch và quan trọng nhất là nó khiến người dân cảm thấy xa lạ mỗi khi có việc phải bước chân vào.


Còn nhớ khoảng đầu những năm 2000, khi hội Kiến trúc sư VN quyết định trao Giải nhất của Giải thưởng Kiến trúc VN hằng năm cho đồ án “Trụ sở UBND quận 10, TP.HCM” - một kiến trúc nhỏ bé, giản dị, không thiên về chiều cao, sự hoành tráng và những vật liệu đắt tiền thời thượng, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (Chủ tịch hội Kiến trúc sư VN khi đó) đã nhận xét: “Đó là một công trình dạng trụ sở chính quyền hiếm hoi khiến người dân không e dè sợ hãi mỗi khi có việc liên quan đến thủ tục hành chính... Nó tạo cho người dân cảm giác vào đó như vào nhà của mình”. Và ông nói thêm: “Hãy nhìn xem ở các nước nhà giàu, người ta sử dụng tiền để xây “cơ quan công quyền” như thế nào. Nước Anh không chỉ nổi tiếng với nền quân chủ lâu đời và các phát minh làm thay đổi thế giới, họ còn nổi tiếng vì có một trụ sở chính quyền giản dị nhất thế giới. Ngôi nhà số 10 phố Downing, nơi ở và làm việc của các đời thủ tướng từ hơn 100 năm nay, vẫn chỉ là một ngôi nhà nhỏ ba tầng màu sẫm, với cánh cửa chỉ vừa hai người đi. Không ai dám nói vì tòa nhà làm việc của thủ tướng nhỏ mà nó không đẹp và nước Anh kém hùng mạnh”.
Vâng, giá mà khi quy hoạch và duyệt đề án các trụ sở ngàn tỉ, những người có trách nhiệm nhìn qua tòa nhà số 10 lừng danh, hay đơn giản họ ý thức được trụ sở không chỉ là trụ sở, đó là tòa nhà của dân, để làm sao dân có cảm giác vào đó như vào nhà mình.
Thu Hà// TTCN

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam năm 2012

Kiến Phú – Tối 21-4-2012, tại triễn lãm VietArc 2012, hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam lần đầu tiên cho 11 công trình và cụm công trình kiến trúc. Các đơn vị đạt giải được nhận Cúp “Kiến trúc Xanh Việt Nam” “Bằng công trình Kiến trúc xanh Việt Nam”.
Các công trình đạt giải, gồm:
1. M.House (Thiên An, Huế) – Cty CP TVTK tổng hợp Huế;
2. Bamboo Wing (khu du lịch Đại Lải Flamingo, Vĩnh HueesCP – Cty TNHH Võ Trọng Nghĩa – TP.HCM;
3. Trường THCS Phan Chu Trinh (Dĩ An, Bình Dương) – Cty TNHH Võ Trọng Nghĩa – TP.HCM;
4. Lam café (Nha Trang) – Cty TNHH Tư vấn thế kỷ 21 (A21 Studio) – TP.HCM;
5. Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng I-resort (Nha Trang) – Cty TNHH Tư vấn thiết kế 21 (A21 Studio) – TP.HCM;
6. Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình) – Cty CP Kiến trúc Quốc Tế 1+1>2 – Hà Nội;
7. Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) – Cty CP ĐT-PHĐT Việt Hưng;
8. Khu nghỉ mátAna Mandara Villas (Đà Lạt) – Cty CP Phát triển Tân An – Đà Lạt;
9. Khách sạn du lịch Eo Xoài (Phú Quốc) – KTS Dương Hồng Hiến – TP.HCM;
10. Khu nhà ở thấp tầng Palm Garden (Việt Hưng, Hà Nội) – Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị HUD – Hà Nội;
11. Khu đô thị sinh thái Vincom (Long Biên, Hà Nội)  - Cty TNHH Kiến trúc ACT Việt Nam.
Như vậy, trong khuôn khổ Giải thưởng Kiến trúc Xanh năm 2012,11 công trình đạt giải; trong đó, 2 đơn vị tư vấn đạt 2 Giải thưởng: Cty TNHH Võ Trọng Nghĩa – TP.HCM và Cty TNHH Tư vấn thế kỷ 21 (A21 Studio) – TP.HCM.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Thi tuyển chọn phương án kiến trúc mẫu trụ sở các chi nhánh Agribank

(Kiến Phú) Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo phát động Cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc mẫu trụ sở các chi nhánh ngân hàng Agribank. Cuộc thi do Agribank tổ chức dưới tư vấn tổ chức của hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Mục đích: Nhằm thu hút trí tuệ của các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có năng lực trong  nghiên cứu đề xuất phương án kiến trúc tốt nhất, có tính khả thi cao để áp dụng xây dựng các trụ sở Agribank. Thông qua cuộc thi, Agribank sẽ mời đơn vị tư vấn có phương án dự thi được chọn, thực hiện bước lập dự án thiết kế Mẫu để trình duyệt và áp dụng xây dựng Trụ sở các chi nhánh trên cả nước.
Hình thức thi tuyển: là cuộc thi phương án kiến trúc với hình thức thi tuyển không hạn chế.Giải thưởng và quyền lợi:
- Mỗi bộ hồ sơ dự thi khi nộp bài thi đúng thời hạn theo qui chế được hỗ trợ khoản tiền =  5.000.000 đ (năm triệu đồng);
- Phương án thiết kế cho 01 loại công trình trụ sở chi nhánh được trao 01 bộ giải thưởng (01giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 02 giải khuyến khích);
a. Giải thưởng:
* Phương án thiết kế trụ sở chi nhánh cấp I, loại 1 (Tổng số 4 giải =150 000.000 (một trăm năm mươi triệu), chia ra:
+ 01 Giải nhất               = 80.000.000 đ (tám mươi triệu đồng);
+ 01 Giải nhì                 = 40.000.000 đ  (bốn mươi triệu đồng);
+ 01 Giải ba                  = 20.000.000 đ  (hai mươi triệu đồng);
+ 02 Giải khuyến khích =   5.000.000 đ (năm triệu đồng).
* Phương án thiết kế trụ sở chi nhánh cấp I, loại 2: (Tổng số 4 giải =126 000.000 (một trăm hai mươi sáu triệu), chia ra :
+ 01 Giải nhất               = 70.000.000 đ (bẩy mươi triệu đồng);
+ 01 Giải nhì                 = 35.000.000 đ  (ba mươi lăm triệu đồng);
+ 01 Giải ba                  = 15.000.000 đ  (mười lăm triệu đồng);
+ 02 Giải khuyến khích =   3.000.000 đ (ba triệu đồng).
* Phương án thiết kế trụ sở chi nhánh cấp II, loại 3: (Tổng số 4 giải = 89 000.000 (tám mươi chín triệu), chia ra :
+ 01 Giải nhất               = 50.000.000 đ (năm mươi triệu đồng);
+ 01 Giải nhì                 = 25.000.000 đ (hai mươi lăm triệu đồng);
+ 01 Giải ba                  = 10.000.000 đ   (mười triệu đồng);
+ 02 Giải khuyến khích =   2.000.000 đ (hai triệu đồng).
* Phương án thiết kế Trụ sở Phòng giao dịch: (Tổng số 4 giải = 69.000.000 (sáu mươi chín triệu), chia ra :
+ 01 Giải nhất               = 40.000.000 đ (bốn mươi triệu đồng);
+ 01 Giải nhì                 = 20.000.000 đ (hai mươi triệu đồng);
+ 01 Giải ba                  =   7.000.000 đ   (bẩy triệu đồng);
+ 02 Giải khuyến khích =   1.000.000 đ (một triệu đồng).
b. Quyền lợi: Đơn vị có phương án đoạt giải cuộc thi sẽ được chủ đầu tư mời thương thảo hợp đồng để thực hiện các bước tiếp theo của Dự án.
Cơ quan tư vấn tổ chức cuộc thi: Viện Nghiên cứu Kiến trúc (hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Đại chỉ: số 23, Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, ViệtNam.
Tel: 04 3826 2179// Fax: 04 3936 4611
Liên hệ trực tiếp: KTS Lê Văn Thiêm // ĐT: 0904 313 386
Để tham dự cuộc thi vui lòng download:
Lưu ý: Quy chế và Nhiệm vụ thiết kế cuộc thi chưa được ban hành chính thức. Đơn vị, cá nhân có nguyện vọng tham gia tham khảo và tiến hành làm thủ tục đăng ký dự thi./.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra theo chiều rộng

Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để đô thị hóa đúng đắn. Nếu thất bại trong đô thị hóa, chúng ta cũng sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Đó là lời Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tháng 11-2009 đã được Báo cáo đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) 2012 trích để minh chứng cho tầm quan trọng của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam. TTCT đã trao đổi với ông Dean Cira, Chuyên gia trưởng về đô thị của ngân hàng Thế giới (WB)
- Ông Dean Cira: Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên của đô thị hóa và chuyển dần sang giai đoạn giữa. Tỉ lệ dân đô thị trên toàn quốc tăng 3,4%/năm với 34% dân số Việt Nam sống ở đô thị. Khoảng 20-30 năm nữa, một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị.
Tốc độ tăng dân số khá nhanh, đặc biệt là ở hai khu vực đô thị hóa lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn mới trong sử dụng đất. Chi phí giao dịch và vận chuyển ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM còn rất cao...
Chuyển hướng nhập cư sẽ không hiệu quả
* Ông nói rất nhiều về Hà Nội và TP.HCM. Nhưng có nhiều ý kiến ở Việt Nam cho rằng nên "nắn ngược" dòng chảy di cư, làm sao để đưa người dân đã di cư ra thành phố quay lại quê mình. Ông là người không tán thành biện pháp này. Vì sao?
- Một số người cho rằng các thành phố như Hà Nội và TP.HCM đang trở nên quá lớn nên không quản lý được, cần hạn chế dòng di cư và có chính sách phát triển cân bằng trên cả nước. Tôi không tán thành điều đó. Người dân đang tràn ra các thành phố ở Việt Nam không phải vì họ bị đẩy ra đó, mà vì họ bị hấp dẫn bởi những cơ hội kiếm sống chủ yếu có ở trong và xung quanh Hà Nội, TP.HCM - nơi có triển vọng tìm được việc làm cho cả khu vực chính thức và không chính thức.
Đánh giá đô thị hóa Việt Nam nhấn mạnh việc hai thành phố này đóng vai trò lấn át là động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ là một điều tích cực mà chính sự phát triển kinh tế tích tụ ở những vùng đô thị như hai thành phố đó còn có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế nói chung của cả nước. Những nước đang hoặc đã trải qua quá trình đô thị hóa ban đầu này đều như vậy và việc phân tán đầu tư ra ngoài hai khu vực này nhằm chuyển hướng nhập cư có vẻ không hiệu quả lắm.
Lịch sử đã chứng minh tất cả các nước phải quản lý được sự tăng trưởng nhanh chóng ở các thành phố khi họ vẫn còn ở mức thu nhập thấp và các thể chế mới đang hình thành; còn việc chuyển đổi theo địa lý như một số người mong muốn sẽ chỉ có khả năng hoàn tất khi thu nhập đạt mức 3.500 USD/người/năm. Bởi vậy, thay vì cố gắng đảo ngược xu thế này, tôi nghĩ các nhà làm chính sách nên chuẩn bị đón nhận và đầu tư cho nó, bao gồm việc đầu tư vào vốn con người (ví dụ như giáo dục) để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra suôn sẻ thông qua khả năng di chuyển của lao động.
* Quan ngại của ông về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là gì?
- Dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. So với thủ đô Seoul của Hàn Quốc chẳng hạn, dân số ở Hà Nội (hơn 6,5 triệu người) đang sống trên diện tích lớn gấp bốn lần dân Seoul (hơn 10,5 triệu người). Tức là Hà Nội chưa sử dụng tối ưu hóa đất đai.
Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính nằm ở Hà Nội. Như vậy, về khía cạnh bền vững tài chính, điều đó gây ra chi phí khổng lồ cho người nộp thuế.
Về quản lý hành chính, tôi nghĩ rằng việc phân loại thành phố như hiện nay tạo ra nhiều động lực méo mó: một thành phố được tăng hạng (về xếp loại đô thị - PV) sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn nhưng hiện có nhiều đô thị mới mọc lên rất xa thành phố, nơi không tập trung nhiều nhu cầu thật sự của dân chúng. Mối nguy hiểm của những đô thị mới này là chúng ngốn nhiều tiền của để xây dựng và kết nối với các đô thị có sẵn. Tôi cho rằng nên tập trung cải thiện các trung tâm đô thị sẵn có trước khi mở rộng đô thị.
Thay đổi thói quen còn Quan trọng hơn thay đổi điều luật
* Như báo cáo đã đề cập, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học từ các nước trong khu vực. Theo ông, Việt Nam nên rút kinh nghiệm gì từ trận lụt kỷ lục hồi năm ngoái ở Bangkok, khi Bangkok cũng trở nên quá lớn và người ta chỉ có thể quan tâm chống lũ ở vùng trung tâm?
- Đây là vấn đề quan trọng cho Việt Nam vì phần lớn dân số sống ở hai khu vực đồng bằng châu thổ hay dọc theo bờ biển dài, thấp và dễ bị bão. Ngoài ra, với sự gia tăng dân số thành thị và tăng trưởng kinh tế thì ngày càng có nhiều người cũng như nhiều tài sản kinh tế đứng trước rủi ro lụt lội nếu như không có các biện pháp kiểm soát lũ lụt hợp lý.
WB gợi ý cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý lũ lụt đô thị, có nghĩa không chỉ thực hiện các biện pháp cơ cấu như phòng lũ, xây kênh thoát nước, duy trì các vùng đất ngập nước tự nhiên, mà còn phải thực hiện các biện pháp phi cơ cấu để tiến hành được các biện pháp cơ cấu nói trên. Lấy ví dụ như Philippines có các hệ thống cảnh báo sớm và quản lý khẩn cấp rất tốt, giúp giảm thiệt hại về người và của ở những vùng lũ lụt đô thị.
Các biện pháp có thể kể tên là tránh lũ bằng quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý. Điều này các thành phố Việt Nam làm chưa tốt lắm vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dường như đang diễn ra nhanh hơn cả tốc độ tăng dân số đòi hỏi. Và vì mở rộng nhanh chóng ra ngoài các thành phố lớn nên nhiều khu ngập nước tự nhiên thường bị sử dụng cho các nhu cầu phát triển. Ở TP.HCM chẳng hạn, các điểm nóng về ngập lụt có vẻ như đang di dời xa từ trung tâm ra các đô thị mở rộng ngoại ô.
Đạo luật lụt của Đức và quy định về quy hoạch ở Anh và Xứ Wales là những ví dụ quốc tế rất tốt về việc tránh ngập lụt nhờ quy hoạch và kiểm soát tốt việc sử dụng đất. WB vừa xuất bản cuốn sách hướng dẫn về quản lý tổng hợp rủi ro ngập cho thế kỷ 21, giúp các nhà hoạch định chính sách có những lời khuyên thực tế để giảm thiểu rủi ro liên quan đến ngập lụt ở đô thị.
* Một cán bộ của viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn (bộ Xây dựng) cho rằng tư duy quy hoạch đô thị của Việt Nam từ 50 năm nay vẫn chưa thay đổi được một phần vì nền tảng pháp lý cho lĩnh vực này chậm thay đổi. Quan điểm của ông về điều này thế nào?
- Tôi không nhìn nhận như vậy. Trên thực tế, Luật quy hoạch đô thị Việt Nam đã có hiệu lực từ tháng 1-2010. Vấn đề là nhiều năm nay các chuyên gia quốc tế đã nói rằng hệ thống quy hoạch ở Việt Nam quá nặng về "từ trên xuống", tản mác giữa các thể chế liên quan và quá chú trọng vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh. Ví dụ: quy hoạch chiến lược, quy hoạch đất đai, quy hoạch không gian, các kế hoạch cơ sở hạ tầng thường không được kết hợp với nhau và đôi khi còn không tương thích nhau. Thay đổi những thói quen như vậy có lẽ còn quan trọng hơn thay đổi các điều luật.
Nhưng đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Tại một vài thành phố ở Đông Nam Á, việc cung cấp nhà ở chạy quá nhanh so với cơ sở hạ tầng giao thông, dẫn đến kết quả là có nhà giá tương đối thấp nhưng khó đi lại (như Bangkok và Jakarta), hay những nơi khác như Mumbai, Delhi thì các chính sách hạn chế cung cấp đất đai và nhà ở để ngăn phát triển đất đai không đi quá xa so với cơ sở hạ tầng lại dẫn đến giá nhà đắt đỏ, tiêu thụ nhà ở thấp và tính cơ động kém.
Bắc Kinh cũng là một ví dụ thú vị khác về sự thất bại trong dự đoán chuyển đổi phương tiện giao thông chủ yếu từ xe đạp thành ôtô, nên bị tắc nghẽn nghiêm trọng, dẫn đến hạn chế khả năng di chuyển của lực lượng lao động.
Hai vấn đề chủ yếu về quy hoạch mà Hà Nội và TP.HCM sẽ phải đối mặt là khả năng cơ động giảm xuống và chi phí nhà ở gia tăng. Làm thế nào để duy trì sự cơ động của lực lượng lao động ở một thành phố mà thu nhập tăng nhanh, mật độ dân cao và không gian đường sá quá nhỏ cho xe cá nhân sẽ là thách thức cơ bản.
Ngoài ra còn có thách thức làm sao đảm bảo được hỗn hợp đang có giữa nhà ở chi phí thấp và nhà ở phân khúc thị trường cao. Hong Kong và Singapore có thể là hai ví dụ tuyệt vời trong khu vực để Việt Nam xem xét việc hợp nhất các khía cạnh nhà ở, đất đai và giao thông trong quá trình quy hoạch, nhất là Singapore - nơi dùng quy hoạch nhà ở làm dẫn dắt cho quá trình quy hoạch đô thị nói chung.
* Xin cảm ơn ông.
Hương Giang thực hiện
“Năng lực chính quyền chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa”
Sự phát triển của thị trường bất động sản có vẻ vượt qua sự phát triển của đô thị hóa, đặc biệt thị trường thứ cấp (chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành đất ở) diễn ra quá mạnh, đáng ra phải đi sau đô thị hóa nhưng việc chuyển đổi đất trong một số trường hợp đi trước cả quy hoạch.
Tương tự, quá trình công nghiệp hóa, nhất là sự phát triển của các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế còn nhiều điểm đi trước quá trình đô thị hóa. Nhiều khu hình thành thu hút lực lượng lớn lao động, dẫn tới quá trình đô thị hóa tự phát xung quanh mà không kèm theo sự nâng cấp của chính quyền địa phương - vẫn là chính quyền nông thôn, ngân sách nông thôn.
Vấn đề đô thị nảy sinh hằng ngày nhưng chính quyền địa phương không được trang bị nguồn lực tài chính, con người... để xử lý.
Ông ĐINH TRỌNG THẮNG (Phó trưởng ban Nghiên cứu chính sách đầu tư - viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)


Đô thị hóa ngốn nhiều tiền
19/04/2012 3:09
Đó là đánh giá của ông Dean Cira, Chuyên gia trưởng về đô thị của Ngân hàng Thế giới (WB), trong buổi công bố báo cáo “Đánh giá đô thị hóa tại Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM ngày 18.4.
Nguyên nhân là do các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì chiều sâu. Như vậy, nhà nước sẽ phải đầu tư rất nhiều cho hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối với các đô thị hiện hữu. Bên cạnh đó, việc sử dụng tài nguyên đất bị lãng phí, điển hình như Hà Nội đã trở thành một trong những TP lớn nhất thế giới. Ông Dean Cira cho rằng nên tập trung nguồn lực cải thiện các trung tâm đô thị sẵn có trước khi mở rộng đô thị.
Tại Việt Nam, đô thị hóa củng cố mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế nhưng nó cũng mang lại nhiều nhức nhối như chất lượng không khí thấp, tắc nghẽn giao thông và giá đất tăng ngoài khả năng chi trả của người dân. Ông Dean Cira kêu gọi: “Các nhà quy hoạch cần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị để nâng cao chất lượng sống và cung cấp thêm nhiều lựa chọn giao thông cho người dân”.
Để giảm tải cho khu vực nội đô ở các TP lớn như Hà Nội hay TP.HCM, các chuyên gia cho rằng nên hạn chế mở rộng phần lõi trung tâm, đẩy nhanh phát triển hệ thống metro. Xây dựng các khu đô thị dọc các tuyến metro nhằm khai thác hiệu quả vốn đầu tư cho hệ thống này. Bên cạnh đó, cần quy hoạch và xây dựng các khu đô thị, thành phố vệ tinh để giãn dân.

KTS Lê Hiệp và đài Tưởng niệm Núi Nhạn

            Kiến trúc sư Lê Hiệp – tác giả đài Tưởng niệm Núi Nhạn (ở tỉnh Phú Yên), cũng là tác giả đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập-Tự do của Tổ quốc (ở quảng trường Ba Đình) mang lại cho ông vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc... Trong khuôn khổ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên giai đoạn 2006 – 2010, ông được trân trọng trao Tặng thưởng vì có tác phẩm để đời, đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Phú Yên.
Đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên đặt trên Núi Nhạn, nguyên được xây dựng từ năm 1983, với tên đài Tưởng niệm liệt sĩ Bắc Phú Khánh, do nhóm tác giả KTS Tô Định chủ trì cùng các họa sĩ điêu khắc thực hiện; chủ đầu tư là UBND Tx.Tuy Hòa. Phương án kiến trúc khi đó, có mặt chính hướng Tây-Nam; theo phương mặt bằng, ước lệ hình con chim nhạn tung cánh về đồng bằng Tuy Hòa, trên nền khuôn viên hình ngôi sao năm cánh; khối công trình 2 tầng; tầng trên mái là trụ đài, cao 30m; tựa lưng vào trụ đài là cụm tượng điêu khắc: người mẹ giương bó đuốc, bên phải mẹ là anh bộ đội cầm súng xông lên, bên trái mẹ là bé trai cầm cuốn sách; khối tổng thể theo phương đứng chưa thể hiện rõ hình tượng gì; tầng dưới mái làm nơi trưng bày hiện vật… Năm 1986, khi thi công lên đến sàn mái và một phần trụ đài, thì xảy ra sự cố, xuất hiện các vết nứt ở hai cánh mái sảnh chính (phía Tây-Nam). Việc xử lý sự cố kéo dài, rồi ngừng hẳn khi tách tỉnh Phú Khánh. Năm 1989, sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên, do phải tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, nên tỉnh cũng chưa có chủ trương ngay về xử lý công trình dở dang.
Đến năm 1995, khi nhu cầu xã hội đã “cần bánh mỳ và cần có cả hoa”, tỉnh Phú Yên chủ trương xây dựng lại Đài với tên gọi mới: đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên, thường gọi là đài Tưởng niệm (trên) Núi Nhạn… Nhưng, với phương châm như là điều kiện, đặt ra: phương án mới phải trên cơ sở khắc phục sự cố, sử dụng lại toàn bộ khối công trình xây dựng dở dang và có được hình tượng nghệ thuật phù hợp tình hình mới. Công trình được giao cho sở Văn hóa-Thông tin (lúc đó) làm chủ đầu tư. Quá trình chuẩn bị đầu tư, nhiều lần tổ chức thi, tuyển chọn phương án, với đối tượng mời tham gia là các kiến trúc sư, họa sĩ, những người thiết kế trong cả nước. Năm 1997, phương án của KTS Lê Hiệp được hội đồng Xét tuyển, lựa chọn. Trong khoảng 8 - 9 phương án dự thi, chỉ duy nhất phương án của ông có giải pháp dùng ngôn ngữ kiến trúc để diễn tả hình tượng, là nét mới so với ý niệm “cũ” (cứ tượng đài thì nhất thiết phải có “tượng”!), được Hội đồng và đồng nghiệp đánh giá có ý tưởng độc đáo.
Trước khi tham dự cuộc thi, KTS Lê Hiệp chưa một lần dừng chân ở Phú Yên. Khi có thông tin cuộc thi, ông mới hiểu sơ lược theo tài liệu hướng dẫn; rồi ông tìm thêm tài liệu để hiểu sâu hơn về văn hóa - lịch sử vùng đất Phú Yên, về núi - tháp Nhạn. Ông nhận thức sâu sắc việc khai thác phông văn hóa tạo nền cho cảm xúc sáng tạo, thổi hồn vào tác phẩm. Ông từng giãi bày: “Mỗi vùng đất đều có những dấu hiệu văn hóa bản địa; để chắt lọc được tính bản sắc đặc trưng, người sáng tác phải có thái độ trân trọng tìm hiểu vùng đất đó. Hình tượng nghệ thuật của công trình kiến trúc phải mang bản sắc nơi đặt nó…”. Ông quan niệm, không có thứ nghệ thuật vô cảm và không chấp nhận tồn tại loại công trình mẫu đặt ở đâu cũng được, nhất là thể loại công trình văn hóa.
Nghiên cứu tài liệu cuộc thi, ông nhận ra “Đây là một việc khó, nếu không nói là cực khó. Công trình làm mới hoàn toàn, thì cái khó trong tìm “tứ”, thể hiện hình tượng là một nhẽ. Đằng này, phải khắc phục sự cố, sử dụng lại khối công trình dở dang và có được hình tượng nghệ thuật mới, phù hợp, rồi tự thân công trình cũng có chức năng sử dụng cộng đồng, phải nghiên cứu tổ chức dây chuyền hoạt động hợp lý, đặc biệt là cho nghi lễ…”. Phương án sơ phác ban đầu của ông, cũng có hướng chính là Tây-Nam như công trình cũ. Khi ông Vũ Văn Thoại (nguyên Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Phú Yên, lúc đó là Giám đốc sở Văn hóa-Thông tin) đưa lên núi Nhạn thực địa, ông chợt phát hiện ra 3 bất ổn nếu Đài có mặt chính hướng Tây-Nam: 1) Không có sự “đối thoại”, thậm chí là “đấu lưng” với tháp Nhạn (một di tích kiến trúc cổ, trông ra hướng Đông); 2) Khi tiến hành nghi lễ với Đài, quan khách và dân chúng lại đi từ phía sau Đài, theo bên hông mới ra được mặt tiền; 3) Du khách viếng thăm núi Nhạn, thì “bị chiêm ngưỡng” phía hậu Đài. Ông quyết định thay đổi hướng mặt chính: lấy hướng Đông-Bắc và mọi việc trở nên ổn thỏa: vẫn tôn trọng phương châm đặt ra (khắc phục sự cố, sử dụng lại khối công trình dở dang) bằng cách không tập trung tải trọng ở vị trí hai cánh mái sảnh chính (phía Tây-Nam), tạo nên sự tiếp nối đến tương lai [cùng nhìn về một hướng Đông] của 2 “thế hệ-thời đại” [tháp Nhạn-quá khứ và Đài-hiện tại, mới], việc tiến hành nghi lễ cùng sự chiêm ngưỡng của du khách đều thuận; những yếu tố về chất liệu, ánh sáng thiên nhiên, màu… cũng theo đó được giải tỏa. Nhưng, ý tưởng đổi hướng chính đó, lúc ban đầu, không dễ dàng được đồng thuận.
Ý tưởng Con chim nhạn ở công trình cũ chưa thành công do thể hiện ở phương mặt bằng. Ông trăn trở, tìm ra được “cái tứ” hình tượng thể hiện ở phương đứng: Đàn chim nhạn [những người con Phú Yên] bay ra [vươn lên] biển cả [không gian, thời đại mới] trên cơ sở phát triển “tứ” cũ (một con chim nhạn). Tuy vậy, ông vẫn khiêm nhường: “Tôi đâu có đề xuất nào mới mẻ hơn? Vẫn là Chim nhạn…”.
Một sự tuyệt vời, khi đài Núi Nhạn hoàn thành, nhiều người “phát hiện”, tự cảm thụ hình tượng bằng nhiều hình ảnh khác, tùy góc độ, cự ly, thời gian quan sát: là Rừng cờ, Ngọn lửa, Ngọn sóng, là Cánh buồm… Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật thẩm mỹ, tính đa nghĩa trong nghệ thuật, nhất là loại hình nghệ thuật tạo hình, biểu hiện như kiến trúc. Người sáng tác thường tích hợp nhiều vốn sống, lưu giữ và gửi gắm vào tác phẩm khi cảm xúc thăng hoa. Nhưng để truyền đạt được vốn cảm xúc đó tới cộng đồng thì không dễ dàng. Và đây là khía cạnh thành công lớn của ông: Làm cho tác phẩm kiến trúc của mình nói được.
“Tứ” là vậy, nhưng, không thể mô tả thực đàn chim theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”, phương cách đó không phải là ngôn từ nghệ thuật kiến trúc, giải pháp kỹ thuật cũng bất khả thi. Ông lại trăn trở tìm giải pháp thể hiện “cái tứ” bằng ngôn ngữ kiến trúc. Chiêm ngưỡng các công trình của ông đã hoàn thành và chiếm đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc, người ta nhận ra được “bút pháp” của ông, rất riêng. Chuyện thú vị, khi đài Núi Nhạn hoàn thành, vì có vị trí xây dựng ngay trên đường thiên lý Bắc Nam, nên rất dễ quan sát; một người bạn của ông đi qua thành phố Tuy Hòa, tình cờ thấy đài Núi Nhạn, liền bấm điện thoại hỏi ngay: “Hình như ông có làm một cái gì trên một quả núi ở Tuy Hòa thì phải?”... Trên các trục đường chính hướng tâm về thành phố Tuy Hòa, người ta đều chiêm ngưỡng được bóng dáng (profile) Đài rất ấn tượng.
Phương án của ông được chọn lựa, mới chỉ là ý đồ phác thảo ở mặt phẳng (trên bản vẽ), ông tiếp tục dựng mô hình (bằng thạch cao, bằng gỗ…) thể hiện ý tưởng ở không gian ba chiều, rồi chụp hình, dựng video clip 3D; không ai “bắt” ông làm, chế độ thì không có khoản này, chi phí lúc đó cũng không nhỏ; nhưng, ông vẫn làm, để thuyết phục hơn chủ đầu tư và cấp thẩm duyệt; cũng là làm cơ sở cho tính khả thi khi khai triển thiết kế kỹ thuật - thi công.Vấn đề sử dụng tầng dưới, ở công trình cũ, khi đó kết hợp trưng bày ở vùng Bắc Phú Khánh các hiện vật của cuộc kháng chiến cứu nước (vì Bảo tàng tỉnh đặt ở Nha Trang, thủ phủ Phú Khánh cũ). Nay, đã tái lập tỉnh, có Bảo tàng tỉnh rồi, việc sử dụng tầng dưới trưng bày là không còn thích hợp. Ông đề xuất lập trụ bia (tứ giác), bố trí trụ bia đăng đối theo trục chịu lực công trình, chiều cao bia và kích thước chữ phải tính để dễ tra tìm, đọc; ghi tên các liệt sĩ theo quê quán; trụ bia phân theo cấp huyện, mặt trụ bia phân theo cấp xã (với đơn vị hành chính tại thời điểm thi công); các liệt sĩ quê quán ở nơi khác, đặc biệt tỉnh Hải Dương kết nghĩa, được lập trụ bia riêng. Hiệu quả khi công trình hoàn thành, nội thất tầng dưới rất thuận lợi cho người thăm viếng, không gian hết sức trang nghiêm, ấm cúng.
Do khả năng ngân sách, mãi đến năm 2004, công trình mới được tỉnh quyết định xây dựng, rồi thực thi và hoàn thành vào tháng 5/2007. Do đặc thù công trình “không mẫu mực” này, bản vẽ không thể thể hiện hết mọi chi tiết và không ai có thể thực hiện giám sát quyền tác giả thay ông, nên ông thường xuyên phải “bay vô” công trường, hướng dẫn chủ đầu tư và nhà thầu, trong khi khoản chi phí giám sát tác giả hết sức nhỏ nhoi.Quá trình xây dựng đài Núi Nhạn, ông vinh hạnh 2 lần được cụ Sáu Dân chia sẻ, động viên ngay tại công trường, bởi ông có mối “lương duyên” với cụ Sáu. Trước năm 1992, cụ Sáu chưa hề biết ông. Khi phương án đài Bắc Sơn của ông (đạt giải Nhì cuộc thi) được Thủ tướng chọn để xây dựng, rồi quá trình xây dựng đài Bắc Sơn, ông được trở thành bạn vong niên và tâm giao với cụ Sáu.
Trong giới nghề, ông được tôn là “kiến trúc sư của tượng đài”. Có người phát hiện ra điều lý thú này: các nguyên thủ quốc gia quốc tế, đến Việt Nam, đều nghiêm trang khi quốc ca Việt Nam – nguyên là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao - vang lên. Giờ đây, trong nghi lễ Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia quốc tế cũng đều kính cấn trước đài Bắc Sơn – tác phẩm của kiến trúc sư Lê Hiệp.Kể từ khi ông tiếp cận, “thai nghén” đến khi “sinh ra” đứa con sáng tạo - đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên - mất 10 năm trời (1997 - 2007), dài hơn mọi công trình khác của ông. Công lao, sự cần cù, sáng tạo… của ông đã được đền bù: năm 2008, đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên đạt giải Ba-Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc; năm 2011, ông được tỉnh Phú Yên trao Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên, giai đoạn 2006 – 2010. Cũng lại một sự thú vị, trùng hợp tình cờ: trong số các văn nghệ nhân được trao Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên đợt này, có 3 người con (Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Lê Hiệp) của quê hương Thanh Hóa, cố hương của Phù nghĩa hầu-Quận công Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần, Thành hoàng của Phú Yên.
Cách trên 400 năm, Lương Công Chánh có công lao khai phá, mở mang bờ cõi, KTS Lê Hiệp có công làm công trình dở dang thành tác phẩm nghệ thuật để đời, đều ở trên miền đất Phú Yên../.
viết ngày 15-10-2011;
nhằm ngày 19-9-Tân Mão, ngày kỵ của Phù Nghĩa hầu, Quận công Lương Văn Chánh.

KTS Lê Hiệp, sinh ngày 28-3-1942 tại Thanh Hóa; hiện cư trú tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1966. Giai đoạn 1967 - 1994, ông là giảng viên đại học Kiến trúc Hà Nội; giai đoạn 1994 - 2002, ông vừa hành nghề tại Cty Thiết kế (thuộc sở Nhà đất Hà Nội), vừa thỉnh giảng ở một số trường đại học; hiện nay, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia hành nghề tại Cty Tư vấn kiến trúc (thuộc hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Các công trình tiêu biểu:
* Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập-Tự do của Tổ quốc (đài Tưởng niệm Bắc Sơn, trên quảng trường Ba Đình) Hà Nội; đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế năm 1992; được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lựa chọn làm phương án xây dựng; khánh thành ngày 7-5-1994;
* Đài Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang; năm 1995; đạt giải Nhất - Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 1996;
* Nhà bia Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh; năm 1996.
* Đài Tưởng niệm liệt sĩ thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; năm 1997; đạt giải Khuyến khích - Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 1998; * Đài Tưởng niệm liệt sĩ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; 1999 – 2001;* Tượng đài Chiến thắng Điện biên Phủ (tham gia phần Kiến trúc); 2003 – 2004;
* Đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên (đài Tưởng niệm trên Núi Nhạn); 1997 – 2007; đạt giải Ba - Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 2008;
* Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ công an Hà Nội; năm 2010;* Đài Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh; (hiện đang thiết kế).
Các Giải thưởng đã được trao:
* Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001;
* Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc, các năm: 1996, 1998, 2008;
* Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2006 - 2010;