Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG LUẬT KIẾN TRÚC SƯ


               
HỘI    KIẾN    TRÚC       VIỆT    NAM
      23 Đinh Tiên Hoàng Hà Nội; Tel: (04) 3 9262823; Fax: (04) 3 9262823;
                                  E-mail: ktsvn@vnn.vn; Web: kienviet.net
ĐỀ ÁN XÂY DỰNG LUẬT KIẾN TRÚC SƯ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Quốc hội;
Căn cứ Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII;
Thực hiện văn bản 97/UBTVQH13 ngày 03-02-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị đề nghị xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013;
Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, nhân dân trong việc sử dụng các dịch vụ tư vấn thiết kế Kiến trúc;
Nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của giới kiến trúc sư Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nền Kiến trúc nước nhà;
Ngày 21-2-2012, hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản 18/KT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội V/v “Chuẩn bị xây dựng Luật Kiến trúc sư, thực hiện Đề án Xây dựng Luật Kiến trúc sư”.
Để làm rõ hơn một số yêu cầu như: Sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc sư; phạm vi điều chỉnh và những nội dung chính của Luật Kiến trúc sư v..v.. hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nghiên cứu hoàn chỉnh Đề án với những nội dung như sau:
I. Tên luật: Luật Kiến trúc sư; hoặc “Luật hành nghề Kiến trúc sư” hoặc “Luật Kiến trúc”.
II. Sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc sư
2.1. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước
Bất kể một quốc gia nào, từ xưa đến nay đều có một nền kiến trúc riêng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Kiến trúc luôn là sự phản ánh trung thành sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tiến bộ của khoa học và các giá trị văn hóa nghệ thuật, tinh thần của dân tộc. Chính vì vậy, sáng tạo nên một nền kiến trúc không chỉ là công việc của các kiến trúc sư, mà còn là sự nghiệp của toàn dân, do dân, vì dân và là mối quan tâm sâu sắc của Nhà nước, của các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia và toàn xã hội.
Ở nước ta, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước, Bác Hồ cũng như các nhà lãnh đạo đã rất coi trọng sự nghiệp xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, trong đó có nhiệm vụ đào tạo, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, có đủ điều kiện và năng lực tham gia xây dựng nền kiến trúc nước nhà, ngang tầm với các nền kiến trúc tiến bộ trên thế giới.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của BCH Trung ương Đảng khóa VIII “Về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI là tiền đề để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam theo đường lối chủ trương của Đảng.
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 112/2002/QĐ - TTg ngày 03/09/2002 đã xác định “Hoàn thiện cơ chế hành nghề kiến trúc sư trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chế độ Kiến trúc sư đăng ký; qui định đạo đức người đăng ký, năng lực nghề nghiệp xin đăng ký, trình tự, thủ tục đăng ký, qui định chế độ hàng nghề kiến trúc sư; cho phép kết hợp tư cách đơn vị thiết kế và tư cách cá nhân kiến trúc sư đăng ký”.
Để cụ thể hóa các chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước, Luật Kiến trúc sư là một biện pháp tốt nhất góp phần phát triển nền kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI.
2.2. Nghề thiết kế Kiến trúc là một nghề đặc thù – Kiểm soát chặt chẽ chế độ hành nghề Kiến trúc sư, trước hết là phục vụ và bảo vệ lợi ích của nhân dân và của toàn xã hội.
Nghề Kiến trúc có nhiệm vụ rất vinh quang là thiết kế chỗ ở  (ngôi nhà đô thị, khu dân cư nông thôn, các vùng lãnh thổ...), góp phần tạo lập môi trường sống tiện nghi, mỹ quan và bền vững, cũng như thỏa mãn tối đa các nhu cầu sống, làm việc, nghi ngơi, giải trí, đi lại của con người và toàn xã hội.
Tạo lập một môi trường sống chất lượng là nhiệm vụ của các Kiến trúc sư - Người có trách nhiện đưa ra các ý tưởng, giải pháp đúng, sáng tạo có sức thuyết phục các chủ đầu tư  (khách hàng) và người quản lý.
Muốn làm được điều này, các kiến trúc sư phải được đào tạo bài bản theo một lộ trình nghiêm ngặt và việc hành nghề Kiến trúc sư phải được tổ chức quản lý kiếm soát rất chặt chẽ. Có làm như vậy thì lợi ích của khách hàng và xã hội mới được bảo đảm.
Nói một cách khác, Luật Kiến trúc sư trước hết nhằm nâng cao điều kiện năng lực hành nghề của Kiến trúc sư để có thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và của toàn xã hội.
2.3. Công tác quản lý và hành nghề Kiến trúc sư ở Việt Nam còn nhiều bất cập.
Ngày 16-4-1993, Bộ trưởng bộ Xây dựng đã có Quyết định 91/BXD – DT về V/v “Ban hành Qui chế hành nghề Kiến trúc sư”, trong đó đã có qui định yêu cầu đối với việc hành nghề kiến trúc sư, việc xét, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, nghĩa vụ, quyền hạn và xử lý vi phạm trong hành nghề Kiến trúc sư.
Ngày 25-8-1993, bộ Xây dựng có Thông tư “Hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký và cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư”.
Ngày 17-4-1993, Bộ trưởng bộ Xây dựng đã có Quyết định 92/BXD/GĐ V/v “Ban hành qui chế khảo sát xây dựng, thiết kế qui hoạch xây dựng, thiết kế công trình xây dựng”.
Các văn bản trên bước đầu đã đi vào cuộc sống và có tác dụng nhất định đối với công tác quản lý Nhà nước về hành nghề KTS trong suốt giai đoạn từ năm 1993 - 2003.
Năm 2003, Luật Xây dựng đã được Quốc hội ban hành và năm 2009, Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội ban hành. Một trong ba trụ cột lớn của các Luật trên là qui định điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng và thiết kế qui hoạch đô thị. Các qui định của Quốc hội tại các Luật trên đã được Chính phủ qui định chi tiết trong Nghị định 12-02-2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định 37/2010/ND – CP ngày 07-4-2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý qui hoạch.
Việc ban hành Luật Xây dựng và các văn bản thi hành Luật của Chính phủ từ năm 2003 đến nay đã tạo bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý hành nghề xây dựng trong đó có hành nghề Kiến trúc sư của Việt Nam.
Đến nay, Nhà nước đã ban hành khoảng 50 văn bản qui định và định hướng cho công tác hành nghề Kiến trúc sư, nổi bật hơn cả là Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Qui hoạch Đô thị, Luật Sở hữu trí tuệ và các định hướng chiến lược như: Định hướng qui hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; Định hướng Qui hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020; Nghị định số 29/2007/ND – CP ngày 27-02-2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị; Nghị định số 38/2010/ND – CP ngày 07-4-2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị...
Ngày 24-01-2003, bộ Văn hóa Thông tin và bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2003/TTLT – BVHTT – BXD “Hướng dẫn về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc” để cụ thể hóa các Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 và Nghị định số 60/CP ngày 06-6-1997 thi hành Bộ Luật Dân sự của Chính phủ. Mặc dù số lượng những văn bản được ban hành có liên quan đến hành nghề KTS là đáng kể, nhưng lại thiếu cụ thể đối với nghề kiến trúc, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý với nghề mang tính đặc thù là nghề kiến trúc. Nhiều qui định còn chung chung, không phù hợp với thông lệ quốc tế và ít có tác dụng đối với việc đào tạo xây dựng đội ngũ Kiến trúc sư hành nghề chuyên nghiệp và các điều kiện để Kiến trúc sư hành nghề có thể cung cấp các dịch vụ đạt chất lượng; Ngoài ra, chưa phát huy được vai trò của Hội Kiến trúc sư trong việc tham gia phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng trong việc đào tạo lại KTS và thiết lập một tổ chức quản lý hành nghề Kiến trúc sư thống nhất đó là “Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam” (Board of Architects).
2.4. Nhu cầu và sự cần thiết phải mở cửa và hội nhập đối với thị trường tư vấn thiết kế kiến trúc nước ta.
Trên thế giới đã có nhiều nước ban hành Luật Kiến trúc sư như Pháp, Nga, Úc, New Zealand, Mailayxia, Singapore, Indonesia, Philippin và nhiều nước khác trong khối ASEAN. Phần lớn các nước ASEAN đã có Luật Kiến trúc sư theo sự cam kết của khối. Hiện nay, chỉ còn một số nước trong ASEAN chưa có Luật Kiến trúc sư gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma.
Từ năm 1958, hội Kiến trúc Việt Nam đã ra nhập hội Kiến trúc thế giới (UIA). Hiện nay Tổ chức này đã có 134 thành viên và UIA thường xuyên đã có các Hiến chương và cương lĩnh để định hướng hoạt động thiết kế kiến trúc, đào tạo kiến trúc sư, đặc biệt là hành nghề Kiến trúc. Đối với mỗi quốc gia, Hội Kiến trúc sư có nhiệm vụ cụ thể hóa những hoạt động này theo điều kiện thực tế của nước mình.
Ngoài ra, Việt Nam đã là thành viên của UNDP, các khối ASEAN, AFTA, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác. Trong lĩnh vực hành nghề Kiến trúc sư, các khuyến nghị hành nghề Kiến trúc của UIA ban hành đã được WTO đồng bảo trợ, cơ bản vận hành theo Luật Kiến trúc sư các nước. Tập quán quốc tế xem đây là cơ sở hành nghề Kiến trúc sư hợp lý nhất để phát huy giá trị nghề nghiệp Kiến trúc sư và là cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong mối quan hệ đa phương.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn về tư vấn thiết kế qui hoạch kiến trúc và xây dựng. Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam hành nghề Kiến trúc sư, nhưng không được quản lý và thực tế Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp luật để quản lý, nên hoạt động hành nghề của họ còn hạn chế, từ đó đã tạo ra sự cạnh tranh không rõ ràng, kém tác dụng, nếu không có pháp luật quản lý việc hành nghề KTS theo hướng mở cửa và hội nhập.
2.5. Luật KTS góp phần tăng cường vai trò của quản lý nhà nước đối với hành nghề KTS trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, đội ngũ KTS của Việt Nam đã lên đến 17.000 người. Với 20 cơ sở đào tạo và nhiều KTS tốt nghiệp nước ngoài trở về, lực lượng KTS sẽ ngày càng lớn hơn mỗi năm.
Lực lượng KTS đông nhưng không mạnh, một phần là do chất lượng đào tạo KTS tại nhiều cơ sở là quá kém, phần khác là do không có môi trường hành nghề phù hợp. Do đó, nước ta vẫn chưa có được những KTS có tài, có tầm làm trụ cột. Trong hoạt động hành nghề, một bộ phận KTS đã không có đạo đức nghề nghiệp. Một khi lực lượng KTS cả nước không được tập hợp thì khó có thể phát huy hết vai trò, trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ to lớn là xây dựng nền kiến trúc nước nhà mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Luật KTS được ban hành sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa ra điều kiện, năng lực của KTS, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo và đào tạo lại các KTS, triển khai đăng ký hành nghề KTS trong nước và KTS nước ngoài; Sắp xếp lại các các tổ chức hành nghề KTS, tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS, việc bảo hộ quyền tác giả đổi với tác phẩm kiến trúc và Quy chế sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc, xử lý các vi phạm hành nghề KTS và quản lý hành nghề KTS…
Để  có cơ sở đề xuất với Quốc hội về xây dựng Luật KTS, trong nhiều năm qua, hội KTS đã tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng và lấy ý kiến nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, Hội đã thu thập các tài liệu về luật KTS của cá nước như Pháp, Nga, Nhật, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Tổ chức một số chuyên gia ra nước ngoài công tác, trao đổi trực tiếp về kinh nghiệm soạn thảo và thực thi Luật hành nghề KTS với các Hội KTS và Đoàn KTS của Malaysia, Singapore. Trong thời gian qua Hội KTS đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng, Chính phủ và Quốc hội về kế hoạch xây dựng luật KTS cho Việt Nam. Những việc làm này không phải chỉ vì yêu cầu trong nước mà còn nhằm thực hiện cam kế với cộng đồng các nước ASEAN, vì lợi ích của quốc gia và toàn xã hội.
Với những lý do trên, hội KTS một lần nữa cho rằng, việc Quốc hội cho phép soạn thảo và sớm ban hành Luật KTS trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết và rất cấp bách.
III. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
3.1. Đối tượng điều chỉnh: Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặt có liên quan đến hoạt động hành nghề KTS trên lãnh thổ Việt Nam.
3.2. Phạm vi điều chỉnh: Luật ngày quy định nguyên tắc, điều kiện, năng lực, phạm vi, hình thức hành nghề; tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của KTS; tổ chức hành nghề KTS, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của KTS, quản lý hành nghề của KTS, hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài tại Việt Nam và việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, việc sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc.
IV. Quan điểm và chính sách cơ bản của Luật KTS
4.1. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về “Xây dựng nền KTS Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc”;
4.2. Hoàn thiện thể chế, pháp luật về hành nghề KTS;
4.3. Tăng cường về quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề KTS, thông qua biện pháp thành lập Đoàn KTS Việt Nam;
4.4. Nâng cao chất lượng đào tạo KTS, xây dựng đội ngũ KTS có đức, có tài, bồi dưỡng phát hiện và sử dụng có hiệu quả các KTS biệt tài làm “ trụ cột” thúc đẩy sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI;
4.5. Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và xã hội, người sử dụng các dịch vụ tư vấn thiết kế kiến trúc;
4.6. Tập hợp, đoàn kết đội ngũ KTS trong nước, nước ngoài hoạt động hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam, cùng phấn đấu vì sự nghiệp chung xây dựng nền kiến trúc nước nhà và đáp ứng tối đa nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và toàn xã hội;
4.7. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với các hội viên và hoạt động hành nghề KTS.
V. Nội dung chính của Luật Kiến trúc sư: Nội dung Luật KTS gồm 09 chương được tóm tắt như sau:
5.1. Chương I: Những quy định chung, gồm các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chức năng xã hội của KTS, các dịch vụ hợp pháp của KTS, nguyên tắc hành nghề KTS tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS, các hoạt động được khuyến khích, các hành vi bị nghiêm cấm, giải thích từ ngữ.
5.2. Chương II: Đoàn Kiến trúc sư, gồm các nội dung: thành lập đoàn Kiến trúc sư, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của đoàn KTS; Điều lệ tổ chức và hoạt động của đoàn KTS.
5.3. Chương III: Kiến trúc sư, gồm các nội dung:
- Tiêu chuẩn Kiến trúc sư; điều kiện và năng lực hành nghề Kiến trúc sư;
- Đào tạo Kiến trúc sư; người được miễn đào tạo Kiến trúc sư; tập sự hành nghề Kiến trúc sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề kiến trúc sư; miễn giảm thời gian tập sự hành nghề KTS.
- Đăng ký, cấp chứng chỉ hành nghề KTS; thu hồi chứng chỉ hành nghề KTS; cấp lại chứng chỉ hành nghề KTS, gia nhập Đoàn KTS; quyền và nghĩa vụ của KTS hành nghề hợp pháp.
5.4. Chương IV: Hành nghề KTS, gồm các nội dung: phạm vi hành nghề KTS, hành nghề của tổ chức và cá nhân (các hình thức hành nghề KTS); nhận và thực hiện nhiệm vụ của khách hàng theo hợp đồng; phí cung cấp dịch vụ tư vấn; hoạt động trợ giúp cộng đồng tình nguyện miễn phí của tổ chức hành nghề KTS và của KTS hành nghề; hoạt động tham gia phản biện của KTS.
5.5. Chương V: Hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài và của KTS nước ngoài tại Việt Nam, gồm các nội dung:
- Các tổ chức hành nghề KTS nước ngoài tại Việt Nam: điều kiện và năng lực hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài, hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài, phạm vị hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức hành nghề KTS nước ngoài tại Việt Nam.
- Hành nghề của KTS nước ngoài tại Việt Nam: điều kiện và năng lực của của KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, hình thức hành nghề của các KTS nước ngoài, phạm vi hành nghề của KTS nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
- Thủ tục cấp giấy phép đối với chi nhánh, công ty nước ngoài và KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
5.6. Chương VI: Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc và việc sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc, gồm các nội dung:
- Tác phẩm kiến trúc, quyền về tài sản của tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, quyền riêng phi tài sản của tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, quyền của tác giả đối với tác phẩm kiến trúc sáng tác theo chức trách và công vụ.
- Sửa đổi thiết kế kiến trúc, sửa đổi công trình kiến trúc.
5.7. Chương VII: Quản lý hành nghề kiến trúc sư, gồm các nội dung:
- Quản lý Nhà nước về KTS và hành nghề KTS, cơ quan quản lý Nhà nước về hành nghề KTS.
- Các tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS, nhiệm vụ quyền hạn của hội KTS Việt Nam và của hội KTS của các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Điều lệ của các hội KTS, trách nhiệm tự quản của các hội KTS đối với công tác đào tạo, đào tạo lại KTS và hành nghề KTS.
5.8. Chương VIII: Xử lý các vi phạm và giải quyết tranh chấp, gồm các nội dung: xử lý kỷ luật KTS hành nghề; khiếu nại đối với quyết định kỷ luật KTS; khiếu nại đối với quyết định, hành vi của ban lãnh đạo đoàn KTS, hội KTS…giải quyết tranh chấp.
5.9. Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm các nội dung: hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.
VI. Dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc soạn thảo luật KTS
6.1. Tổ chức soạn thảo:
Bộ Xây dựng chủ trì và thành lập ban soạn thảo với sự tham của hội KTS, bộ Tư pháp, bộ Nội vụ và các bộ, tổ chức cá nhân liên quan.
Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo sẽ tổ chức các Hội nghị tư vấn và các Hội thảo, tham gian thực địa để học tập kinh nghiệm và làm sáng tỏ những nội dung về hành nghề KTS.
6.2. Kinh phí:
- Ngân sách Nhà nước theo quy định.
- Huy động các nguồn vốn tài trợ khác từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
VII. Đánh giá tác động sơ bộ của Luật Kiến trúc
7.1. Luật KTS là một yêu cầu phải thực hiện các cam kết quốc tế, trước hết là với các nước trong khối cộng đồng ASEAN, với UIA, và WTO…
7.2. Luật KTS cần nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ, Bộ xây dựng, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, đặc biệt là sự chấp thuật của ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
7.3. Luật KTS nếu được ban hành sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của giới KTS cả nước, đặc biệt là của nhân dân và toàn xã hội, người được sử dụng các dịch vụ tư vấn đảm bảo chất lượng từ các tổ chức, cá nhân hành nghề KTS.
7.4. Luật KTS sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng đào tào KTS nước ta, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hành nghề KTS.
Trách nhiệm các Đoàn KTS, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của KTS, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề  KTS,.
7.5. Luật KTS là biện pháp lớn quan trọng, góp phần thực hiện chủ chương của Đảng, Nhà nước trong việc khắc phục những tồn tại, yếu kém của công tác hành nghề KTS và việc xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI.
VIII. Dự kiến tiến độ soạn thảo
8.1. Trình Chính phủ tháng 6/2013
8.2. Trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2013
8.3. Trình Quốc hội thông qua tháng 6/2014
IX. Kết luận và Kiến nghị
9.1. Kết luận: Luật KTS là biện pháp lớn, quan trọng góp phần thực hiện đường lối chủ chương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI. Luật KTS trước hết là để phục vụ và bảo vệ lợi ích của nhân dân và toàn xã hội, khác phục những tồn tại yếu kém của công tác hành nghề KTS nước ta trong 20 năm qua. Ngoài ra Luật KTS còn để thực hiện các cam kết với cộng đồng  ASEAN và quốc tế trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt là sự tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề KTS ở Việt Nam.
9.2.  Kiến nghị: Hội KTS VN kính đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
1. Xem xét chấp thuận chủ trương và đưa Luật KTS vào chương trình Xây dựng Luật của Quốc hội năm 2013.
2. Giao cho bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan Chính phủ, hội KTSVN và tổ chức có liên quan sớm tổ chức soạn thảo Luật KTS./.
                                                                                HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM
                                                                                                CHỦ TỊCH
                                                                        (đã ký)
                                                                                                    KTS Nguyễn Tấn Vạn

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Vai trò của hội Kiến trúc sư VN với môi trường hoạt động Kiến trúc và sự cần thiết có Luật Hoạt động kiến trúc sư

Trần Hoài Nam
Chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh Phú Yên
(bài đăng trên tạp chí Kiến trúc số 204 - tháng Tư/2012)
Muốn nói đến vai trò của hội Kiến trúc sư Việt Nam (Trung ương và tại cơ sở), trước hết phải nói đến vai trò của danh bằng Kiến trúc sư trong xã hội. Từ trước đến nay, không lúc nào hơn như hiện tại, vị thế của danh bằng kiến trúc sư rất được xã hội tôn vinh. Mọi động thái liên quan đến quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình, dù tốt hay xấu, dù ở tầm quốc gia hay địa phương, đều được dư luận xã hội quan tâm và đặt trách nhiệm cho giới kiến trúc. Công cuộc đầu tư xây dựng đang diễn ra ở khắp đất nước, những dự án sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trung tâm Hội nghị quốc gia và nhà Quốc hội, viện Bảo tàng lịch sử quân sự, việc xây dựng quanh hồ Gươm, Quy hoạch thủ đô Hà Nội... và các sự việc khác ở khắp cả nước đã minh chứng sự nhìn nhận vai trò xã hội của giới kiến trúc. Điều đó cũng dễ hiểu. Đất nước hòa bình, ổn định, đang trong công cuộc kiến thiết xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa; kiến trúc sư có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường sống bền vững, mỹ quan..., từ những vùng đô thị và nông thôn đến những công trình công cộng và nhà ở các loại... Hiện nay, hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư không chỉ còn thuần túy trong tác nghiệp tư vấn thiết kế, mà đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội: kế hoạch-đầu tư, tài nguyên-môi trường (địa chính), quản lý đô thị, du lịch,...
Tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị liên quan đến vấn đề quy hoạch-kiến trúc và có sự tham gia của giới kiến trúc, vai trò, chức năng của kiến trúc sư và tổ chức Hội luôn được đề cao trong phát biểu của các vị có thẩm quyền quản lý Nhà nước. Theo đó, đúng ra, vai trò của hội Kiến trúc sư các cấp - một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp sáng tạo của giới kiến trúc - cũng đáng phải được tôn vinh!
Song, thực tế không hoàn toàn như vậy. Từ sự tôn vinh chung chung đến sự hiểu đúng, sử dụng đúng chức năng xã hội của kiến trúc sư còn một khoảng cách rất xa; từng lúc, từng nơi tùy thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của từng cấp quản lý Nhà nước, của mỗi quan chức có thẩm quyền và theo từng nhiệm kỳ bầu cử... Kiến nghị của hội Kiến trúc sư Việt Nam về quyền tác giả tổ chức quản lý hành nghề kiến trúc sư không được giải quyết thỏa đáng là đơn cử về sự nhìn nhận của cơ quan Nhà nước về vai trò thực tế của Hội!
Theo Điều lệ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hội Kiến trúc sư Việt Nam có nhiệm vụ: tập hợp, đoàn kết và động viên kiến trúc sư phát huy trí tuệ, tài năng; chăm lo nghiên cứu lý luận, phê bình; xây dựng đội ngũ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức; bồi dưỡng nhân tài...; đặc biệt trong đó, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và thực hiện tư vấn giám định, phản biện xã hội là hai nội dung không thể tự thân Hội muốn làm là được.
Liên quan đến trách nhiệm về lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc ở đất nước ta, có: cơ quan quản lý Nhà nước các cấp với tư cách chủ thể quản lý, hoạch định chính sách; các hội nghề nghiệp (hội Quy hoạch-Phát triển đô thị và hội Kiến trúc sư) tham gia bằng phương thức tư vấn, giám định, phản biện xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 22/ ngày 30-01-2001 về Tư vấn, giám định, phản biện xã hội của các tổ chức hội khoa học-kỹ thuật. Với quy định này, hội Kiến trúc sư những tưởng có thể tham gia quản lý Nhà nước các vấn đề liên quan đến quy hoạch-kiến trúc. Nhưng, quy định lại nêu: chỉ thực hiện khi có sự yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hay chủ dự án (?). Vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền hay chủ dự án không yêu cầu, hoặc có đề nghị nhưng không nghe theo sự tư vấn thì Hội cũng không biết làm cách nào và dư luận xã hội thì lại cứ chỉ trích “ông kiến trúc”!
Cho đến nay, hội Kiến trúc sư các cấp chỉ động viên giới kiến trúc phát huy trí tuệ, tài năng bằng lời kêu gọi tâm-đức chung chung; khi gặp trường hợp kiến trúc sư bị can thiệp, xâm phạm về quyền sáng tạo thì Hội không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho tác giả, gặp trường hợp có sản phẩm quy hoạch kiến trúc “lệch lạc” thì Hội không có quyền hạn để chế tài tác giả (!?)
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: “Định hướng quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam…” (tại Quyết định 10/ ngày 23-01-2002) và “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam…” (tại Quyết định 112/ ngày 03-9-2002). Nhưng, hầu như mọi văn bản pháp quy và động thái hoạt động quy hoạch-kiến trúc đều không lấy đó làm cơ sở pháp lý và khoa học. Các báo cáo tổng kết hàng năm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc, là những con số vô cảm về số giấy phép xây dựng được ban hành, số hecta diện tích đồ án được quy hoạch mà không hề có sự phân tích được và chưa được trong chất lượng đồ án quy hoạch-kiến trúc công trình, không hề có sự đánh giá phê bình các xu hướng sáng tác kiến trúc lành mạnh hay lệch lạc… (?) Trong khi đó, hội Kiến trúc sư các cấp cứ nhiệt tình tổ chức hội thảo, hội nghị; cứ rộng đường bàn luận “trường phái” này, khuynh hướng nọ; cứ mạnh giọng “bình-phê” các đồ án, công trình như một sự “cuồng tín nghề nghiệp”, như một “tội đồ bất đắc dĩ”... Còn, những người có trách nhiệm hoạch định chính sách quy hoạch-kiến trúc nước nhà, thẩm quyền quyết định về đồ án, công trình… họ có nghe hay không là một chuyện khác! Trong Ban Chấp hành - cơ quan lãnh đạo Hội ở các cấp - không thiếu “quan chức Nhà nước“ đương nhiệm. Tất cả đều cùng vì mục đích tạo dựng sự nghiệp kiến trúc tiên tiến, có bản sắc”…, nhưng thực tế lại luôn “đồng sàng dị mộng” (?)
Ở địa phương chúng tôi, tham mưu, quản lý Nhà nước về quy hoạch-kiến trúc lại là các chuyên môn: máy xây dựng, thủy lợi, cầu cảng... (?), quá trình thẩm định để hình thành tác phẩm kiến trúc-quy hoạch đa phần thiếu vắng bóng dáng kiến trúc sư hoặc có kiến trúc sư nhưng là để bảo đảm đủ “thành phần” (!) Trong hoạt động của mình, hội Kiến trúc sư tỉnh cố gắng vận dụng các điều luật hiện hành để góp sức tham mưu cho cơ quan Nhà nước các vấn đề liên quan đến quy hoạch-kiến trúc. Tuy nhiên, sự cố gắng đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố không có trong quyền hạn của Hội. Hội đã kêu gọi các sinh viên Kiến trúc quê Phú Yên khi ra trường hãy về quê hương hành nghề. Sau khi tốt nghiệp, các em đến “gõ cửa” một số cơ quan Nhà nước về nhân sự hoặc chuyên ngành, thì bị từ chối và bị cơ quan đó vặn: “Đến nơi nào kêu gọi về, mà xin việc” (!?). Khi tham gia trong hội đồng Tư vấn kiến trúc-quy hoạch của tỉnh, Hội đã phân tích và kiến nghị không chấp nhận giải pháp của một vài dự án quy hoạch bất hợp lý như phá bỏ di tích di sản văn hóa, phá vỡ hình thái, cơ cấu truyền thống của điểm dân cư lâu đời…v.v… nhưng không được cơ quan chuyên môn ghi nhận; đến mức Hội phải quyết liệt phối hợp với cơ quan truyền thông đưa tin đăng tải và lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo chấp nhận kiến nghị của Hội, cơ quan chuyên môn mới miễn cưỡng theo. Có những vấn đề thuộc chuyên môn mà Hội không được tham gia, nhưng khi nắm bắt được thông tin đầy đủ, mặc dù không “ai” hỏi, không “ai” yêu cầu, Hội cũng cứ “tự động” có văn bản kiến nghị điều chỉnh; nhưng, nếu không được nghe theo thì... đành chịu!
Đã đến lúc cần thiết phải có văn bản có tính hiệu lực pháp luật cao về hoạt động liên quan đến Kiến trúc - Luật Hoạt động kiến trúc sư – trong đó, điều chỉnh các vấn đề:
- Tiêu chuẩn Kiến trúc sư; điều kiện và năng lực hành nghề Kiến trúc sư;
- Nguyên tắc hành nghề KTS;
- Mối liên hệ giữa thiết kế kiến trúc-quy hoạch và quản lý quy hoạch-kiến trúc;
- Hội Kiến trúc sư - tổ chức chính trị xã hội của KTS;
- Đoàn Kiến trúc sư - tổ chức nghề nghiệp của KTS;
- Quyền tác giả và tác phẩm kiến trúc…;
- Việc tư vấn giám định, phản biện xã hội các vấn đề liên quan kiến trúc-quy hoach;
- Hệ thống quản lý Nhà nước về kiến trúc-quy hoạch;
- Hội đồng tư vấn Quy hoạch-Kiến trúc ở các cấp…
- ………………
           Hy vọng rằng, với sự hình thành, được xây dựng, thông qua và ban hành Luật Hoạt động kiến trúc sư, với những cơ chế khả thi và được pháp định, vai trò thực tế của hội KTS Việt Nam ở các cấp sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ như Điều lệ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mới có cơ hội khả thi thực sự, đóng vai trò chủ lực, góp phần cùng cộng đồng tạo dựng nền Kiến trúc Việt Nam có bản sắc tiến tiến./.

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Xây nhiều cầu vượt nhẹ, Hà Nội sẽ trả giá?

Vừa thông xe 2 cầu vượt nhẹ nhận thấy có tác dụng giảm ùn tắc, lãnh đạo thành phố Hà Nội liên tiếp thúc các đơn vị liên quan khởi công một số cầu vượt nhẹ khác. Tuy nhiên, giải pháp này có thực sự là cứu cánh cho giao thông ở thủ đô?
Hàng loạt cầu vượt nhẹ lắp ghép được đồng loạt xây dựng Đầu năm 2012, sau khi triển khai hàng loạt các giải pháp chống ùn tắc giao thông nhưng tình hình ùn tắc giao thông ở thủ đô không có nhiều biến chuyển, Hà Nội đã tiến hành xây dựng các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại một số ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ. Ngày 26/4/2012, sau 3 tháng xây dựng, 2 cầu vượt nhẹ tại các ngã tư: Chùa Bộc – Thái Hà – Sơn Tây và Láng Hạ – Thái Hà- Huỳnh Thúc kháng đã chính thức được thông xe đưa vào sử dụng. Sau khi 2 cây cầu được thông xe đã thành công giúp giảm ùn tắc đáng kể tại các nút được xây cầu. Nhận thấy tác dụng của các cây cầu vượt nhẹ này, hơn một tuần sau đó, lãnh đạo UBND Hà Nội liên tiếp đề ra kế hoạch xây dựng hàng loạt các cây cầu vượt nhẹ khác tại các ngã tư thường xuyên ùn tắc. Ngày 8/5, cầu vượt nhẹ lắp ghép thứ 3 bằng thép lớn nhất Hà Nội tại nút giao đường Láng – Trần Duy Hưng được chính thức khởi công; chiều 11/5, khởi công cầu vượt nhẹ thứ 4 qua sông Tô Lịch tại ngã tư: Láng Hạ – Lê Văn Lương. Sở GTVT còn đẩy nhanh tiến độ lập dự án, phấn đấu khởi công xây dựng vào cuối tháng 6/2012 một loạt cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai – Lê Thanh Nghị… Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Hà Nội yêu câu các đơn vị liên quan sớm hoàn thành trong năm nay thêm ba cầu vượt lắp ghép. Mới nhất, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu nghiên cứu phương án cầu vượt hai tầng tại nút giao Daewoo để giải quyết xung đột giao thông. Theo quy hoạch xây dựng từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút: Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Thăng Long – Nam Đồng, Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã – Liễu Giai, đường 69 – Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế – Phạm Văn Đồng…
Cầu vượt nhẹ sẽ là “cứu cánh” hay “đại họa” cho giao thông Thủ đô? Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, việc xây dựng cầu vượt nhẹ là giải pháp tình thế trong bối cảnh ùn tắc giao thông và kinh tế khó khăn hiện nay. Giải pháp này có hiệu quả nhất định, nhưng bộc lộ tồn tại rất rõ. Dù giá thành rẻ, song vẫn hạn chế cho xe đi lại, các xe tải trọng lớn không được đi trên cầu, vẫn gây xung đột với các luồng phương tiện ở bên dưới. “Năm 2008 khi mở rộng Hà Nội, đáng lẽ phải đặt ngay vấn đề quy hoạch giao thông mới, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quy hoạch giao thông nên phải giải quyết tình thế”, TS Nghiêm cho biết. Tuy nhiên, TS Nghiêm cũng cho rằng, trong tương lai, nếu xây dựng đường trên cao, đường tàu điện trên cao thì có thể phải phá dỡ các cầu vượt, vì thế sẽ gây lãng phí. Giao thông là nội dung trong quy hoạch tổng thể không gian, phải cân nhắc giữa tầm nhìn dài hạn và trước mắt tại từng khu vực. Đừng có tư duy nhiệm kỳ, vì tầm nhìn trước mắt mà phá vỡ cảnh quan để thế hệ sau phải gánh chịu. “Trong bối cảnh hiện nay, khi chưa xây dựng được các cầu vĩnh cửu thì vẫn có thể xây cầu kết cấu thép, song song khai thác cầu là làm đúng quy hoạch giao thông. Trước khi xây dựng mỗi cầu vượt tạm thì chúng ta cần xác định thời gian sử dụng. Giải quyết tình thế chỉ ở mức độ nhất định chứ không thể dùng cái tình thế để thay thế cho cái lâu dài”, ông Phó chủ tịch hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội nói.
Còn TS Hồ Tuấn Sỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thì đặt nghi vấn, liệu Hà Nội có quá nóng vội khi dồn dập xây dựng thêm nhiều cầu vượt nhẹ khác?. Không những vậy, ông còn lo ngại, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ sẽ là một trong những nguy cơ phá vỡ kiến trúc của thành phố. “Thực tế cho thấy, do được đầu tư quá gấp, 2 cây cầu vượt nhẹ vừa khánh thành chỉ mới mang lại cho người dân Thủ đô được cảm giác giải thoát nạn ùn tắc tại 2 nút giao này. Tuy nhiên, xét ở góc độ cảnh quan kiến trúc, sẽ là quá xấu nếu nhìn ở mọi góc độ tại 2 ngã tư này”, TS Sỹ cho biết. Vị chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng này chỉ ra rằng, trước đây, Hà Nội cũng đã bố trí các cây cầu vượt tại các vị trí có đông người như trước cổng đại học Giao thông vận tải, đại học Quốc gia và bệnh viện Bạch Mai… Tuy nhiên, nếu qui hoạch thành phố Hà Nội chỉ rõ sau năm 2012 sẽ di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô, thì lúc đó các cây cầu vượt này có còn phù hợp? Tương tự như vậy, qui hoạch giao thông Hà Nội hiện tại đáp ứng cho bao nhiêu dân số? Sau 5-10 năm nữa, khi cơ cấu, qui hoạch giao thông được định hình lại, thì các cây cầu vượt nhẹ có phải tháo dỡ? TS Sỹ cho rằng, cảnh quan kiến trúc của 2 ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc và Láng – Huỳnh Thúc Kháng là hoàn toàn khác nhau, nhưng 2 cầu vượt vừa được thông xe lại được thiết kế y chang nhau (chỉ khác nhau về tổng mức đầu tư, do yếu tố địa chất, xử lý kết cấu móng). Và rồi đây, nếu cứ ‘bổn cũ soạn lại’, liệu Hà Nội có một cầu vượt nào khác với nét kiến trúc riêng không?. Rất có thể, sắp tới sẽ có cả chục cây cầu vượt giống nhau, được bố trí khắp Hà Nội, và nó sẽ là nguyên nhân phá vỡ cảnh quan, kiến trúc chung của thành phố. “Việc xây bao nhiêu cây cầu vượt nhẹ, tại các nút giao nào, cần phải được tính toán dựa trên bài toán qui hoạch giao thông tổng thể cho Thủ đô, chứ nhất quyết không thể thấy nút nào tắc, có đủ không gian là làm cầu vượt nhẹ. Không nên lặp lại bài học cũ, khi xây xong cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở… rồi đến khi có ý định xây đường vành đai 2, lại đau đầu xem có phải đập bỏ?”, Ts Sỹ nêu quan điểm.

Bao cấp + Bảo tàng = Trì trệ

Mở đầu câu chuyện, vị giáo sư lắc đầu với vẻ mặt ngán ngẩm rồi thở dài: “Vấn đề này nói mãi rồi, nói đi nói lại người ta có chịu thay đổi đâu!?”; “Việc xây một bảo tàng thì dễ vì có tiền là xong, nhưng để làm bảo tàng tốt, hay và hấp dẫn thì cực kì khó".
“Một bảo tàng xây hàng chục tỉ đồng, mở ra các cuộc trưng bày mà mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến thì liệu có đáng để cấp kinh phí hay không?”
Tại Hà Nội, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được biết đến như bảo tàng rất thành công trong việc thu hút người đến xem. PV Vietnamnet đã tìm gặp đến Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy – cựu Giám đốc bảo tàng Dân tộc học VN để có cuộc trao đổi về những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động bảo tàng hiện nay.
Bảo tàng “khổng lồ” mỗi năm chỉ có vài nghìn lượt khách thì khổng lồ để làm gì?
Hiện nay ở ta đang có một trào lưu xây những bảo tàng “khổng lồ” có diện tích rất to lớn và đồ sộ. Nhưng xây xong thì rỗng ruột vì không có đồ để bày, không có người phụ trách nghiên cứu và tổ chức những trưng bày thật hay và hấp dẫn, khách đến xem cũng không biết phải tìm xem cái gì hợp với sở thích và nhu cầu của mình.
Tư duy phải to thì mới hút được khách, to thì mới hiện đại theo tôi không hẳn đã đúng hay cùng lắm chỉ đúng một phần. Vấn đề ở đây không phải là việc xây bảo tàng to hay nhỏ mà vấn đề chính phải là chất lượng của các bảo tàng tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể của mỗi bảo tàng. Nhiều khi những bảo tàng nhỏ mà chất lượng cao thì lại rất hiệu quả.
Theo tôi, thay vì chỉ có một bảo tàng lớn mà chúng ta có một quần thể bảo tàng cỡ nhỏ mà chất lượng cao ở mỗi địa phương thì việc gắn liền bảo tàng với đời sống cộng đồng và thậm chí là thu hút khách du lịch vẫn hiệu quả mà phù hợp với trình độ của nhiều cán bộ làm bảo tàng ở địa phương.
Một ví dụ như ở nước ngoài có rất nhiều bảo tàng cỡ nhỏ như vậy, thậm chí bảo tàng chỉ là một khuôn viên và ngôi nhà cũ của người dân nhưng được biến thành một bảo tàng cỡ nhỏ, nội dung phong phú và thieeats kế trưng bày chuyên nghiệp thì vẫn rất hấp dẫn du khách. Có những nơi khách còn phải xếp hàng dài để vào xem.
Ở ta không phải là không có, ngay ở Hà Nội chúng ta có số nhà 47 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm nơi Trần Phú viết Luận cương chính trị 1930, Nhà 5D phố Hàm Long nơi thành lập một tổ chức Đảng đầu tiên… Tại sao chúng ta không biến những nơi ấy thành các bảo tàng nhỏ kể về cuộc sống Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 mà lại để nó xập xệ và không có ai đến thăm như hiện nay?
Không thể xây bảo tàng như xây siêu thị
“Phải nói một cách thẳng thắn là hiện nay chúng ta hiện nay chưa đủ sức để tự nâng tầm một bảo tàng mang tầm cỡ quốc tế, hấp dẫn được khách thăm quan trong và ngoài nước”.
Chúng ta đang rất thiếu một đội ngũ làm bảo tàng chuyên nghiệp.Tình trạng người xây dựng thì cứ xây dựng, làm xong rồi trao ngôi nhà cho người làm bảo tàng. Mà trong khi đó làm bảo tàng thì có nguyên tắc chuyên môn riêng với những thiết kế nội thất, trưng bày đặc thù rất riêng. Mà lúc đó ngôi nhà và nội thất không phù hợp với trưng bày bảo tàng thì phá không được, vừa xây xong vì không ai quyết toán, thế là đành chịu.
Câu chuyện Bảo tàng Phú Yên mới khánh thành gần đây là một ví dụ điển hình. Hàng loạt lỗi nghiệm trọng như giữa bảo tàng lại xây một thang cuốn như trong siêu thị, làm thế, theo suy nghĩ của tôi, sẽ phá hết toàn bộ lịch trình đi thăm một bảo tàng, ở đó chưa làm trưng bày đã làm toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn chùm hay đèn “mắt trâu”, chưa biết nội thất trưng bày như thế nào nhưng anh xây dựng đã cho ốp gỗ toàn bộ trần nhà . Đây thực sự là những lỗi rất ấu trĩ và không thể chấp nhận được.

Hàng loạt lỗi nghiêm trọng trong việc xây dựng một bảo tàng quy chuẩn ở Bảo tàng Phú Yên mới khánh thành gần đây - Ảnh: Văn Minh
Vấn đề con người cũng là một thách thức trong các bảo tàng hiện nay, hiện nay, để có bảo tàng tốt, chúng ta phải  thuê các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ khi làm trưng bày và nội thất bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ VN, Bảo tàng Đắk Lắk… Nhưng không phải cứ có chuyên gia, cứ có tiền là xong, chuyên gia không thể làm một mình, họcũng cần có một đối tác có trình độ chuyên môn cao để cùng phối hợp nghiên cứu, tổ chức trưng bày thể hiện được mong muốn, ý tưởng của mỗi bảo tàng. .
Với tình trạng đang xây thêm hàng loạt các bảo tàng lớn sắp tới các bảo tàng “khổng lồ” sẽ cần lắm những người có trình độ cao. Đừng để đến lúc xây xong như Bảo tàng Hà Nội gần 3 năm nay mà vẫn chưa có trưng bày. “Chậm nhưng tốt.Thà chưa vội mở  cửa bảo tàng ngay mà  gửi những kíp cán bộ chuyên môn  đi học bảo tàng học cao học, nghiên cứu sinh hay đơn thuần tu nghiệp một thời gian ngắn ở nước ngoài để trở về có đủ sức làm việc, sáng tạo còn hơn là cứ để tình trạng làm bảo tàng thiếu sinh khí, thiếu hấp dẫn như vậy xảy ra”.
Bao cấp đang làm trì trệ cả một hệ thống bảo tàng!
Chúng ta cần phải loại bỏ ngay tư duy “bao cấp” khi cấp nguồn kinh phí cho các bảo tàng như hiện nay. Không thể cứ tiếp diễn việc cứ cấp tiền cho bảo tàng làm những triểm lãm kiểu kỉ niệm các ngày lễ lớn mà giới làm bảo tàng còn gọi là triển lãm “cúng cụ” như hiện nay.
Những triển lãm như vậy hiện nay hầu hết đều được tổ chức và trưng bày ở tầm rất thấp. Thấp vì họ chỉ cần chuẩn bị trong vòng 1 đến 2 tháng, ít sự đầu tư chất xám, thì làm sao mà có được những trưng bày hấp dẫn.
Chưa kể đến việc đánh giá các triển lãm kiểu này thường ít dựa vào sự hấp dẫn khách qua số lượng người đến xem mà phần lớn chỉ dựa trên việc lãnh đạo cấp nào đến cắt băng khánh thành.

Bảo tàng Phú Yên chào mừng đại biểu về dự Lễ Khánh thành rồi đến ngày 16/3/2012 chính thức mở cửa phục vụ cho người dân, rồi thì đóng cửa… Ảnh: Văn Minh
Cần phải có cơ chế để nơi nào làm trưng bày chất lượng không tốt, khách không đến thăm thì sẽ phải xem xét lại vấn đề cấp kinh phí cho bảo tàng; bảo tàng có thể sẽ không được cấp tiếp kinh phí để làm trưng bày. Nếu có những quy định như thế tự khắc các bảo tàng sẽ phải làm đầu tư trí tuệ và công sức để tự cứu lấy mình bằng những trưng bày hấp dẫn có tính sáng tạo chứ không phải cứ ngồi đấy mà đợi cấp tiền làm những trưng bày tương tự tiếp theo.
Nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động nghiên cứu và trưng bày  có thể lập hẳn một quỹ riêng của nhà nước như các quỹ khoa học quốc gia và có hội đồng thẩm định. Nếu muốn được cấp tiền nghiên cứu và trưng bày phải trình dự án lên hội đồng xét duyệt xem có phù hợp, có tính mới và hiệu quả hay không. Thậm chí là còn phải đấu thầu thành các dự án để kích thích các bảo tàng hoạt động có hiệu quả chứ không phải chỉ cấp kinh phí theo nhiệm vụ.
Một bảo tàng mở ra các cuộc trưng bày mà mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến thì liệu có đáng để cấp kinh phí hay không?
Tuyên truyền trong bảo tàng nên hay không?
Bảo tàng nào cũng có nhiệm vụ phục vụ chính trị, nhưng phục vụ chính trị một cách quá giản đơn, quá thô thiển hay nói cách khác là phục vụ chính trị bằng cách tuyên truyền – nói một chiều trong bảo tàng là điều không còn phù hợp với thực tế, trình độ dân trí bây giờ nữa.
Trưng bày hướng đến sự gợi mở, bằng cách để cho người xem tự nhận thức ra được vấn đề, thông điệp cần chuyển tải tới người xem thì nó mới hay được.
Ví dụ như chuyện làm trưng bày với đề tài “từ Đại hội đến Đại hội”. Nếu cứ trưng bày các văn kiện và các bức ảnh các Đại hội ra thì liệu có nhiều người xem? Nếu như cùng đề tài ấy chúng ta trưng bày dưới góc độ nhỏ hơn về mỗi bước tiến về nhận thức ví dụ vấn đề đảng viên làm kinh tế ở mỗi Đại hội hay là sự thay đổi và mở rộng dân chủ trong  Quốc hội, như những cuộc thảo luận để tiến tới Quốc hội  có quyền chất vấn chính phủ rồi các cuộc họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp….
Đó là sự thay đổi nhận thức của Đảng và người xem khi đến xem sẽ hiểu được điều đó và đó sẽ là một trưng bày tuyệt vời để bảo tàng phục vụ chính trị một cách hiệu quả nhất, sẽ cuốn hút người đến xem hơn rất nhiều.
“Bảo tàng phục vụ chính trị cần phải đi vào lòng người, không thể làm một cách đơn giản và thô thiên là điều không còn phù hợp với thực tế và trình độ dân trí hiện nay”. – GS.TS Nguyễn Văn Huy, cựu Giám đốc bảo tàng Dân tộc học – người có công lao lớn với một Bảo tàng có tiếng vang hiệu quả, thiết thực và nghệ thuật, kể cả về mặt thiết kế, thi công và khai thác.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Vật liệu xanh

KtsPY Một trong những điều kiện của kiến trúc xanh, là công trình đó phải được xây dựng bởi những vật liệu sạch thân thiện với môi trường, không tạo ra CO2 làm ô nhiễm bầu không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng như gạch không nung chẳng hạn. Thế nhưng, ở nước ta, sử dụng gạch đất nung để xây dựng nhà cửa đã có từ hàng nghìn năm nay và trở thành thứ vật liệu truyền thống.
Vừa qua, tại hội nghị triển khai chương trình Phát triển vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung do bộ Xây dựng tổ chức, một báo cáo đã cho thấy, sản lượng gạch nung dùng trong xây dựng hiện nay vẫn rất lớn, khoảng hơn 21 tỷ viên/năm, trong đó, gạch sản xuất bằng lò nung thủ công chiếm tới 40%. Còn gạch không nung vẫn chưa được thị trường chấp nhận, sử dụng rộng rãi. Cũng theo báo cáo, hai năm qua, sản lượng gạch không nung chỉ đạt 4,2 tỷ viên (2,1 tỷ/năm), nhưng đã tiết kiệm được 6,15 triệu m3 đất, giảm thải vào khí quyển hơn 2,4 triệu tấn CO2, đó là chưa kể một lượng rất lớn than, củi dùng để nung gạch. Cái lợi của vật liệu không nung đã thấy rõ, nhưng tại sao nó mới chỉ chiếm một tỷ lệ quá khiêm tốn bằng 1/10 so với vật liệu truyền thống? Đó là: giá thành sản xuất gạch không nung còn cao, nguyên liệu còn thiếu, chưa đáp ứng đủ cho công nghệ sản xuất và một điều quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá trong cộng đồng về những tính năng ưu việt của vật liệu không nung còn thiếu hiệu quả, đồng thời nhận thức của các chủ đầu tư chậm đổi mới, bảo thủ. Tại những dự án có vốn đầu tư lớn như các khu đô thị mới, các khách sạn, trung tâm thương mại… hầu hết đều sử dụng gạch nung để xây dựng. Những công trình sử dụng gạch không nung  mới chỉ như những điểm sáng hiếm hoi…
Chúng ta đang sống trong thời kỳ khoa học công nghệ - trong đó có vật liệu xây dựng - tiến nhanh như vũ bão. Hàng trăm vật liệu mới được sử dụng trong xây dựng hiện đại. Chúng ta có viện Vật liệu xây dựng, viện Khoa học công nghệ xây dựng với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ không thua kém các nước trong khu vực cùng một đội ngũ rất đông các nhà khoa học giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, kỹ sư nhưng chừng ấy dường như vẫn chưa đủ để vật liệu không nung chiếm ưu thế trên thị trường. Nước ta là nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mỗi năm, chúng ta có hàng trăm triệu tấn rơm rạ bỏ phí không được tái chế sử dụng, ngoài một lượng không lớn dùng cho chăn nuôi, làm phân bón…Trong khi đó ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… người ta đã dùng rơm rạ làm nguyên liệu để sản xuất ra những tấm lợp, vách tường, đồ dùng nội thất dùng trong xây dựng nhà cửa. Vậy ở ta thì sao? Đây là điều rất đáng suy nghĩ.
Nước ta vẫn còn nghèo. Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Vì thế, xây dựng một nền Kiến trúc Xanh với những vật liệu thân thiện môi trường như gạch không nung, phải là một hướng đi có tính chiến lược lâu dài và bền vững. Và đó cũng là xu thế phát triển của nhân loại trong thế kỷ XXI.
KTS Phạm Thanh Tùng