Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Vai trò của hội Kiến trúc sư VN với môi trường hoạt động Kiến trúc và sự cần thiết có Luật Hoạt động kiến trúc sư

Trần Hoài Nam
Chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh Phú Yên
(bài đăng trên tạp chí Kiến trúc số 204 - tháng Tư/2012)
Muốn nói đến vai trò của hội Kiến trúc sư Việt Nam (Trung ương và tại cơ sở), trước hết phải nói đến vai trò của danh bằng Kiến trúc sư trong xã hội. Từ trước đến nay, không lúc nào hơn như hiện tại, vị thế của danh bằng kiến trúc sư rất được xã hội tôn vinh. Mọi động thái liên quan đến quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình, dù tốt hay xấu, dù ở tầm quốc gia hay địa phương, đều được dư luận xã hội quan tâm và đặt trách nhiệm cho giới kiến trúc. Công cuộc đầu tư xây dựng đang diễn ra ở khắp đất nước, những dự án sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trung tâm Hội nghị quốc gia và nhà Quốc hội, viện Bảo tàng lịch sử quân sự, việc xây dựng quanh hồ Gươm, Quy hoạch thủ đô Hà Nội... và các sự việc khác ở khắp cả nước đã minh chứng sự nhìn nhận vai trò xã hội của giới kiến trúc. Điều đó cũng dễ hiểu. Đất nước hòa bình, ổn định, đang trong công cuộc kiến thiết xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa; kiến trúc sư có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường sống bền vững, mỹ quan..., từ những vùng đô thị và nông thôn đến những công trình công cộng và nhà ở các loại... Hiện nay, hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư không chỉ còn thuần túy trong tác nghiệp tư vấn thiết kế, mà đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội: kế hoạch-đầu tư, tài nguyên-môi trường (địa chính), quản lý đô thị, du lịch,...
Tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị liên quan đến vấn đề quy hoạch-kiến trúc và có sự tham gia của giới kiến trúc, vai trò, chức năng của kiến trúc sư và tổ chức Hội luôn được đề cao trong phát biểu của các vị có thẩm quyền quản lý Nhà nước. Theo đó, đúng ra, vai trò của hội Kiến trúc sư các cấp - một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp sáng tạo của giới kiến trúc - cũng đáng phải được tôn vinh!
Song, thực tế không hoàn toàn như vậy. Từ sự tôn vinh chung chung đến sự hiểu đúng, sử dụng đúng chức năng xã hội của kiến trúc sư còn một khoảng cách rất xa; từng lúc, từng nơi tùy thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của từng cấp quản lý Nhà nước, của mỗi quan chức có thẩm quyền và theo từng nhiệm kỳ bầu cử... Kiến nghị của hội Kiến trúc sư Việt Nam về quyền tác giả tổ chức quản lý hành nghề kiến trúc sư không được giải quyết thỏa đáng là đơn cử về sự nhìn nhận của cơ quan Nhà nước về vai trò thực tế của Hội!
Theo Điều lệ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hội Kiến trúc sư Việt Nam có nhiệm vụ: tập hợp, đoàn kết và động viên kiến trúc sư phát huy trí tuệ, tài năng; chăm lo nghiên cứu lý luận, phê bình; xây dựng đội ngũ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức; bồi dưỡng nhân tài...; đặc biệt trong đó, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và thực hiện tư vấn giám định, phản biện xã hội là hai nội dung không thể tự thân Hội muốn làm là được.
Liên quan đến trách nhiệm về lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc ở đất nước ta, có: cơ quan quản lý Nhà nước các cấp với tư cách chủ thể quản lý, hoạch định chính sách; các hội nghề nghiệp (hội Quy hoạch-Phát triển đô thị và hội Kiến trúc sư) tham gia bằng phương thức tư vấn, giám định, phản biện xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 22/ ngày 30-01-2001 về Tư vấn, giám định, phản biện xã hội của các tổ chức hội khoa học-kỹ thuật. Với quy định này, hội Kiến trúc sư những tưởng có thể tham gia quản lý Nhà nước các vấn đề liên quan đến quy hoạch-kiến trúc. Nhưng, quy định lại nêu: chỉ thực hiện khi có sự yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hay chủ dự án (?). Vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền hay chủ dự án không yêu cầu, hoặc có đề nghị nhưng không nghe theo sự tư vấn thì Hội cũng không biết làm cách nào và dư luận xã hội thì lại cứ chỉ trích “ông kiến trúc”!
Cho đến nay, hội Kiến trúc sư các cấp chỉ động viên giới kiến trúc phát huy trí tuệ, tài năng bằng lời kêu gọi tâm-đức chung chung; khi gặp trường hợp kiến trúc sư bị can thiệp, xâm phạm về quyền sáng tạo thì Hội không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho tác giả, gặp trường hợp có sản phẩm quy hoạch kiến trúc “lệch lạc” thì Hội không có quyền hạn để chế tài tác giả (!?)
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: “Định hướng quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam…” (tại Quyết định 10/ ngày 23-01-2002) và “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam…” (tại Quyết định 112/ ngày 03-9-2002). Nhưng, hầu như mọi văn bản pháp quy và động thái hoạt động quy hoạch-kiến trúc đều không lấy đó làm cơ sở pháp lý và khoa học. Các báo cáo tổng kết hàng năm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc, là những con số vô cảm về số giấy phép xây dựng được ban hành, số hecta diện tích đồ án được quy hoạch mà không hề có sự phân tích được và chưa được trong chất lượng đồ án quy hoạch-kiến trúc công trình, không hề có sự đánh giá phê bình các xu hướng sáng tác kiến trúc lành mạnh hay lệch lạc… (?) Trong khi đó, hội Kiến trúc sư các cấp cứ nhiệt tình tổ chức hội thảo, hội nghị; cứ rộng đường bàn luận “trường phái” này, khuynh hướng nọ; cứ mạnh giọng “bình-phê” các đồ án, công trình như một sự “cuồng tín nghề nghiệp”, như một “tội đồ bất đắc dĩ”... Còn, những người có trách nhiệm hoạch định chính sách quy hoạch-kiến trúc nước nhà, thẩm quyền quyết định về đồ án, công trình… họ có nghe hay không là một chuyện khác! Trong Ban Chấp hành - cơ quan lãnh đạo Hội ở các cấp - không thiếu “quan chức Nhà nước“ đương nhiệm. Tất cả đều cùng vì mục đích tạo dựng sự nghiệp kiến trúc tiên tiến, có bản sắc”…, nhưng thực tế lại luôn “đồng sàng dị mộng” (?)
Ở địa phương chúng tôi, tham mưu, quản lý Nhà nước về quy hoạch-kiến trúc lại là các chuyên môn: máy xây dựng, thủy lợi, cầu cảng... (?), quá trình thẩm định để hình thành tác phẩm kiến trúc-quy hoạch đa phần thiếu vắng bóng dáng kiến trúc sư hoặc có kiến trúc sư nhưng là để bảo đảm đủ “thành phần” (!) Trong hoạt động của mình, hội Kiến trúc sư tỉnh cố gắng vận dụng các điều luật hiện hành để góp sức tham mưu cho cơ quan Nhà nước các vấn đề liên quan đến quy hoạch-kiến trúc. Tuy nhiên, sự cố gắng đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố không có trong quyền hạn của Hội. Hội đã kêu gọi các sinh viên Kiến trúc quê Phú Yên khi ra trường hãy về quê hương hành nghề. Sau khi tốt nghiệp, các em đến “gõ cửa” một số cơ quan Nhà nước về nhân sự hoặc chuyên ngành, thì bị từ chối và bị cơ quan đó vặn: “Đến nơi nào kêu gọi về, mà xin việc” (!?). Khi tham gia trong hội đồng Tư vấn kiến trúc-quy hoạch của tỉnh, Hội đã phân tích và kiến nghị không chấp nhận giải pháp của một vài dự án quy hoạch bất hợp lý như phá bỏ di tích di sản văn hóa, phá vỡ hình thái, cơ cấu truyền thống của điểm dân cư lâu đời…v.v… nhưng không được cơ quan chuyên môn ghi nhận; đến mức Hội phải quyết liệt phối hợp với cơ quan truyền thông đưa tin đăng tải và lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo chấp nhận kiến nghị của Hội, cơ quan chuyên môn mới miễn cưỡng theo. Có những vấn đề thuộc chuyên môn mà Hội không được tham gia, nhưng khi nắm bắt được thông tin đầy đủ, mặc dù không “ai” hỏi, không “ai” yêu cầu, Hội cũng cứ “tự động” có văn bản kiến nghị điều chỉnh; nhưng, nếu không được nghe theo thì... đành chịu!
Đã đến lúc cần thiết phải có văn bản có tính hiệu lực pháp luật cao về hoạt động liên quan đến Kiến trúc - Luật Hoạt động kiến trúc sư – trong đó, điều chỉnh các vấn đề:
- Tiêu chuẩn Kiến trúc sư; điều kiện và năng lực hành nghề Kiến trúc sư;
- Nguyên tắc hành nghề KTS;
- Mối liên hệ giữa thiết kế kiến trúc-quy hoạch và quản lý quy hoạch-kiến trúc;
- Hội Kiến trúc sư - tổ chức chính trị xã hội của KTS;
- Đoàn Kiến trúc sư - tổ chức nghề nghiệp của KTS;
- Quyền tác giả và tác phẩm kiến trúc…;
- Việc tư vấn giám định, phản biện xã hội các vấn đề liên quan kiến trúc-quy hoach;
- Hệ thống quản lý Nhà nước về kiến trúc-quy hoạch;
- Hội đồng tư vấn Quy hoạch-Kiến trúc ở các cấp…
- ………………
           Hy vọng rằng, với sự hình thành, được xây dựng, thông qua và ban hành Luật Hoạt động kiến trúc sư, với những cơ chế khả thi và được pháp định, vai trò thực tế của hội KTS Việt Nam ở các cấp sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ như Điều lệ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mới có cơ hội khả thi thực sự, đóng vai trò chủ lực, góp phần cùng cộng đồng tạo dựng nền Kiến trúc Việt Nam có bản sắc tiến tiến./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode