Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Phong thủy trong kiến trúc hiện đại

(KTS-PY) - Tìm hiểu ý nghĩa khoa học của Phong thủy (Fengshui) là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Mặc dù nó đã được áp dụng trong kiến trúc, xây dựng, kể cả trang trí nội thất,… nhưng ít nhiều bị huyền bí hoá nên mất đi tính khoa học. Phong thủy là học thuyết cổ xưa của phương Đông, chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của những điều kiện thiên nhiên đến đời sống con người. Nhân Hội thảo: “Tính khoa học của phong thủy trong kiến trúc và xây dựng”, KTS-PY có cuộc trò chuyện với TS-KTS Doãn Quốc Khoa, viện Kiến trúc nhiệt đới, đại học Kiến trúc Hà Nội.
PV: Thưa ông, tầm nhìn về phong thủy nói chung, trong kiến trúc xây dựng nói riêng, có những ứng dụng gì để có thể tổ chức cuộc hội thảo này?
TS, KTS Doãn Quý Khoa: Có lẽ ít quan niệm nào trong kiến thức cổ truyền được quan tâm và phổ biến rộng rãi như Phong thủy. Sách về Phong thủy tràn ngập thị trường và trên mạng internet, cả về chủng loại và số lượng, thật giả, đúng sai. Gần chục năm trở lại đây Phong thủy được sống lại với tầm ảnh hưởng và độ phổ cập gấp nhiều lần so với thời trước. Trong xây dựng hiện nay, không ít thì nhiều, chủ động hay thụ động, đều vận dụng phong thuỷ trong xây nhà của gia đình, lăng mộ cho người quá cố. Thậm chí các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng sử dụng phong thuỷ trong xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà xưởng. Trong bối cảnh ấy, hội thảo “Tính khoa học trong Phong thủy và kiến trúc hiện đại” thật cần thiết để tìm ra được những giá trị thực của Phong thủy, để có thể kế thừa và loại bỏ những nguyên lý mang tính chủ quan, thần bí ra khỏi hoạt động xây dựng.
- Có sự tương đồng giữa Phong thủy với xu hướng phát triển kiến trúc của thế kỷ XXI, thưa ông?
- Thứ nhất, có một sự tương đồng giữa Phong thủy với xu hướng chung phát triển kiến trúc thế giới trong đó có Việt Nam. Đại hội lần thứ 20 của Hiệp hội các kiến trúc sư quốc tế (UIA) họp ngày 23 - 26/6/1999 tại Bắc Kinh đã thống nhất kiến trúc hiện đại của thế kỷ XXI phải hướng đến nền kiến trúc toàn diện, trong đó có một số nội dung liên quan đến Phong thủy như: 
a) Coi liên kết giữa kiến trúc công trình, kiến trúc cảnh quan và quy hoạch đô thị là cốt lõi để  tạo không gian đô thị.
b) Kiến trúc của thế kỷ XXI là kiến trúc của sự hòa hợp thay vì sự đơn điệu. Chìa khoá cho Kiến trúc - Đô thị thế kỷ XXI là sự hài hoà: Hài hoà giữa thiên nhiên - kiến trúc - con người. Sự hoà hợp thay thế sự đơn điệu, độc tôn. 
c) Nghệ thuật phải vì lợi ích của môi trường xây dựng. Sáng tạo công trình kiến trúc nên chuyển từ công trình đơn lẻ sang tổng thể, sang phạm vi của quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng. Mối quan hệ thiêng liêng với thiên nhiên cần được coi là yếu tố quan trọng và phải xử lý thấu đáo.
- Ông có thể nói rõ hơn về mối liên kết giữa kiến trúc công trình, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị với cốt lõi là việc tạo không gian đô thị, thưa ông?
- Kiến trúc hiện đại sau gần 1 thế kỷ phân tách thành các chuyên ngành là kiến trúc công trình - kiến trúc quy hoạch và kiến trúc cảnh quan (thường được gọi là bộ 3 kiến trúc) đã thấy được tác hại của việc chia tách này và phải quay trở lại với tính thống nhất của tổ chức không gian từ lớn đến nhỏ, từ tổng thể đến thành phần. Đối chiếu với Phong thủy, từ ngàn xưa vẫn là tạo lập môi trường sống thống nhất cho con người, dựa trên các nguyên lý và phương pháp chung. Kết quả của Phong thủy có thể nhiều cấp độ nhưng đều đạt được sự nhất quán từ một công trình cho đến không gian tổng thể một đô thị mà tiêu biểu là “Phong thủy” của kinh thành Huế đã thể hiện và được UNESCO công nhận là di sản chung của nhân loại.
- Nguyên lý của Phong thủy trong Kiến trúc, thưa ông, là gì?
- Hầu hết các nguyên lý của Phong thủy đều hướng đến kết quả tạo ra sự hài hòa và hòa hợp thiên nhiên - kiến trúc - con người thông qua khái niệm, tiêu chí, nguyên tắc của tổ chức không gian: sự hài hòa, cân bằng ÂM DƯƠNG, mối quan hệ giữa các thành phần và phương hướng không gian tuân theo quy luật NGŨ HÀNH TƯƠNG SINH, mô hình không gian mà Phong thủy hướng đến chính là triết lý về sự hợp nhất THIÊN - ĐỊA - NHÂN.  Phong thủy có một nguyên tắc tổ chức không gian chung là lấy tự nhiên làm cơ sở, dựa vào đặc điểm, điều kiện của tự nhiên để chọn địa điểm xây dựng, chọn hướng và quy mô xây dựng công trình nhằm tạo sự hài hòa và hòa nhập của công trình kiến trúc với cảnh quan tự nhiên chung. Như vậy chìa khóa của kiến trúc đã được Phong thủy phát hiện, áp dụng từ hàng nghìn năm nay.
- Ông có thể giới thiệu một công trình ở Việt Nam đã áp dụng thành công những nguyên lý của Phong thủy? 
- Một ví dụ tổ chức không gian trên cả phạm vi vùng của Phong thủy là địa điểm xây dựng kinh thành Huế của Nhà Nguyễn như nhận xét của ông M’ Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO: “Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự bình đến đồi Vọng cảnh, đến phá Tam giang và phá Cầu Hai và chính như thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi". Dãy núi Bạch Mã cách Huế gần trăm km mới chính là án sơn của kinh thành Huế.
Sau một giai đoạn sùng bái công nghệ - kỹ thuật, những tưởng con người có thể sử dụng kiến trúc để chủ động tạo môi trường sống tốt nhất cho mình mà không cần quan tâm đến thiên nhiên, kiến trúc hiện đại đã phải quay trở lại nhìn nhận về “mối quan hệ thiêng liêng với với thiên nhiên” và coi mối quan hệ đó “là yếu tố quan trọng và phải xử lý thấu đáo”. Điều này càng cho thấy giá trị của Phong thủy khi coi thiên nhiên có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với cuộc sống con người, không chỉ qua tác động mang tính vật chất mà cả siêu vật chất thể hiện qua khái niệm “sinh khí”, “tử khí”. Sự tác động của thiên nhiên đối với con người không cứng nhắc mà biến đổi theo thời gian (nguyên lý “vận khí” hay “huyền không phi tinh” ...). Có thể nói nội dung cơ bản của Phong thủy chính là nhằm giải quyết mối quan hệ con người - thiên nhiên thông qua tổ chức không gian sống của mình: chọn địa điểm, phương hướng, bố cục các thành phần kiến trúc - tự nhiên sao xác lập được tương quan giữa công trình nhân tạo - tự nhiên, giữa các thành phần nhân tạo với nhau phù hợp với quy luật vận động của tự nhiên và chính con người, trong môi trường đó, cho con người vừa nhận được nhiều sinh khí vừa giảm thiểu những tác động của khí xấu không có lợi cho sức khỏe và hoạt động phát triển của mình. 
- Việc áp dụng Phong thủy trong kiến trúc hiện đại như thế nào?
- Theo nguyên lý Phong thủy, khu vực xây dựng phải có sẵn (hoặc tạo được) cây cối tốt tươi không khô cằn héo úa, nguồn nước phải lưu thông không tù đọng và trong lành, đồi núi phải đầy đặn, không nham nhở trơ trụi... Nếu xem xét kỹ, đối chiếu nguyên tắc Phong thủy với các tiêu chí, yêu cầu của kiến trúc - đô thị sinh thái hiện đại có thể thấy Phong thủy và kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh là tương đồng. Sự khác biệt có lẽ chỉ ở việc sử dụng kỹ thuật - công nghệ hiện đại trong công trình hoặc đô thị sinh thái. Hay nói cho đúng bản chất của khái niệm sinh thái thì sinh thái trong Phong thủy thuần khiết và tự nhiên hơn kiến trúc hiện đại.    
Như vậy giữa Phong thủy với xu hướng phát triển kiến trúc hiện đại đã gặp nhau về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các tiêu chí chung. Hy vọng một số ý kiến nêu trên có thể đóng góp với hội thảo để cùng khẳng định giá trị khoa học của Phong thủy, góp phần kế thừa trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng hiện nay nhằm phát triển kiến trúc Việt Nam bền vững và bản sắc.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dược thực hiện

Cách sử dụng webblog Kiến trúc sư Phú Yên

Các bạn thân mến,
Cảm ơn các bạn đã truy cập vào webblog Kiến trúc sư Phú Yên - Tiếng nói và Diễn đàn của các Kiến trúc sư Phú Yên. Rất mong các bạn thường xuyên truy cập - đọc, cộng tác, góp ý cho Kiến trúc sư Phú Yên và giới thiệu cho nhiều người cùng truy cập - đọc…
1. Để truy cập - đọc webblog này, bạn có các cách:
- Hoặc, trên trang Google, bạn đánh (typing) một trong các chữ: ktspy hoặc kiến trúc sư Phú Yên, rồi enter ();
- Hoặc, trên thanh địa chỉ của trang Internet Explorer của máy tính (computer), dán địa chỉ:
http://ktspy.blogspot.com, rồi enter ();
- Hoặc, sao chép (copy) dòng chữ: <kiến trúc sư Phú Yên>, dán (patse) vô 1 trang word-document của mình và lưu lại (save), khi cần truy cập thì mở trang word-document đó ra, và Ctrl + click vào dòng chữ đó...
2. Để gửi bài, ảnh, nhắn tin, góp ý cho webblog này, bạn cũng có các cách:
- Hoặc dùng e-mail gửi bài, tin tức, tin nhắn, hình ảnh đến địa chỉ: ktsphuyen@gmail.com;
- Hoặc, phía dưới, cuối mỗi bài viết, đều có mục NHẬN XÉT (ký hiệu hình cây bút), bạn click vô ký hiệu đó, sẽ xuất hiện hộp Nhận xét, và bạn thao tác theo đó…
Lưu ý: Khi gửi bài viết, nhận xét… bạn phải dùng font chữ Unicode, đánh có dấu kiểu Telex.
Một lần nữa, <KTS-PY> xin trân trọng cảm ơn các bạn.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Một quyết định hành chính có tính nhân văn

Sau khi UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định 1279/ ngày 09-7-2009 V/v “Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/2.000, Đồ án QHCT xây dựng Khu dân cư Ninh Tịnh III, (Tp.Tuy Hòa)”, ngày 21-8-2009, UBND Tp.Tuy Hòa phối hợp sở Xây dựng, đã tổ chức hội nghị Công bố đồ án quy hoạch được duyệt. Tại Hội nghị, nhân dân sở tại vùng quy hoạch có ý kiến: Vùng quy hoạch, có tên truyền thống lâu đời là (thôn) Liên Trì (chứ không phải Ninh Tịnh III), đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại tên Đồ án cho phù hợp địa danh truyền thống và các vấn hệ liên quan tên gọi khu dân cư này. Theo đó, ngày 14-9-2009, UBND tỉnh Phú Yên đã có Quyết định 1698/, thực hiện kiến nghị chính đáng này của nhân dân (xem Quyết định kèm dưới).
Thiết nghĩ - qua sự việc tưởng chừng nhỏ - có mấy vấn đề:
- Đơn vị và người thiết kế chớ coi thường, phải hết sức chú trọng yếu tố nhân văn xã hội, chú ý giữ gìn tính truyền thống, bản sắc; trong đó có địa danh;
- Sau khi tiếp nhận kiến nghị hợp lý của nhân dân, chính quyền phải xem xét điều chỉnh, khắc phục, sửa sai ngay, không quan niệm chuyện lớn-nhỏ…
Sự việc trên, không nhỏ chút nào!
----------------------------------------------------------
UỶ BAN NHÂN DÂN                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
   TỈNH PHÚ YÊN                                   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

       --------------                                         ---------------------------------

Số:  1698 /QĐ-UBND                                                   Tuy Hoà, ngày 14  tháng 9  năm 2009
                                                      QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH PHÚ YÊN

                                               V/v Đổi tên Đồ án QH Chi tiết xây dựng 1/2.000

từ “Khu dân cư Ninh Tịnh III” sang thành “Khu dân cư Liên Trì”
                                                          UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật “Tổ chức UBND và HĐND”, năm 2003;
Trên cơ sở Quyết định 1279/ ngày 09-7-2009 của UBND Tỉnh V/v “Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/2.000 Đồ án QHCT xây dựng Khu dân cư Ninh Tịnh III, (Tp.Tuy Hòa)”;
Tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tại hội nghị Công bố đồ án (ngày 21-8-2009); đáp ứng quan điểm nhân văn, gìn giữ địa danh truyền thống, phù hợp đặc điểm địa lý điểm dân cư;
Xét đề nghị của UBND Tp.Tuy Hòa và sở Xây dựng (tại văn bản 773/  ngày 10-9-2009),
                                                                        QUYẾT ĐỊNH:
ĐIỀU 1. Nay, đổi tên Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/2.000 nêu trong Quyết định 1279/ ngày 09-7-2009 của UBND Tỉnh, từ “Khu dân cư Ninh Tịnh III” sang thành “Khu dân cư Liên Trì”.
ĐIỀU 2. Tên gọi mới “Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/2.000 Khu dân cư Liên Trì” sẽ được sử dụng cho mọi hoạt động và giao dịch có liên quan đến Đồ án đã được phê duyệt bởi Quyết định 1279/ ngày 09-7-2009 của UBND Tỉnh.
Các nội dung khác trong Quyết định 1279/ ngày 09-7-2009 của UBND Tỉnh được giữ nguyên, không thay đổi.
ĐIỀU 3. Các ông: Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường; Chủ tịch UBND Tp.Tuy Hòa; Chủ tịch UBND phường Chín; Chủ tịch UBND xã Bình Kiến; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành.
Quyết định này có hiệu lực, kể từ ngày ký.
                                                                                                                       TM.UBND TỈNH PHÚ YÊN
Nơi nhận:                                                                                                                  CHỦ TỊCH

- CT, các PCT UBND Tỉnh;                                                                                       (đã ký)

- Như Điều 3;                                                                                                        Phạm Ngọc Chi

- Lưu VT+PH.012 (09b).
------------------------------------------------------------
Cũng qua việc này, nên chăng, khi tách phường Chín ra làm 2 phường, cần lấy lại tên cũ (của thôn gốc) là: phường Phước Hậu và phường Ninh Tịnh.
Những cái địa danh tưởng như “vô bổ”, nhưng thực chất, nó chứa đựng đậm đặc “hồn quê hương” trong đó./.

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Tập trung nguồn lực xây dựng đô thị Tuy Hòa loại II

Chiều 16-3-2012, đồng chí Phạm Đình Cự, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo TP Tuy Hòa về kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I và triển khai công tác trong thời gian đến, đồng thời giải quyết những kiến nghị của thành phố. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hiệp, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Võ Minh Thức, Bí thư Thành ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND Tp. Tuy Hòa Trần Hiền báo cáo: Trong quý I/2012, hoạt động thương mại - dịch vụ của thành phố giữ mức tăng trưởng khá, các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN hoạt động ổn định, đạt trên 160,5 tỉ đồng, tăng 23,1%. Thành phố đã hoàn thành công tác lập Đề án phân loại đô thị và xây dựng chương trình phát triển đô thị để xây dựng Tp.Tuy Hòa lên đô thị loại II. Tổ chức tốt lễ giao, nhận quân năm 2012, đạt 100% chỉ tiêu. Tổng thu ngân sách 41,2 tỉ đồng, đạt 12,9% kế hoạch.
Trong thời gian đến, UBND Tp. Tuy Hòa tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, thực hiện tốt chuyển đổi mô hình quản lý chợ giai đoạn 2012-2015; đẩy mạnh công tác thu ngân sách, phấn đấu thu vượt kế hoạch đề ra; thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tập trung chỉ đạo bốn xã Bình Ngọc, Bình Kiến, Hòa Kiến và An Phú triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Hoàn tất thủ tục đầu tư, lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công các công trình trong Đề án lên đô thị loại 2 của thành phố; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự ghi nhận những kết quả mà Tp.Tuy Hòa đạt được trong thời gian qua và chỉ đạo thành phố cần tập trung nguồn lực xây dựng thành phố thành đô thị loại II vào năm 2013. Giải quyết tốt công tác đơn thư khiếu nại của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Về những kiến nghị của thành phố, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan lập phương án giải quyết các vướng mắc, trình UBND tỉnh xem xét. Đồng thời đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến cụ thể về những kiến nghị về đầu tư xây dựng của các dự án trên địa bàn. Cụ thể, đối với dự án Công viên Vạn Kiếp, UBND tỉnh đồng ý với chủ trương cho lập lại dự án theo lộ trình cụ thể, thực hiện theo 3 giai đoạn, trong năm 2012 phải hoàn thành san lấp mặt bằng; dự án đường Nguyễn Hữu Thọ giao UBND thành phố phối hợp sở KH-ĐT lập dự án mở rộng, nối với đường Nguyễn Tất Thành; dự án đường Lý Thường Kiệt cần rà soát lại các đối tượng trong diện giải tỏa, chuẩn bị quỹ đất để đền bù…

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Cảnh báo về "cơn say bệnh vốn FDI"

Có lẽ đọc xong 2 bài này, ta cũng chợt thấy rằng, "cũng là căn bệnh của ta"...

Tỉnh táo trước những “cơn say” hút vốn FDI
(VEF.VN) - Vì ham thành tích, nhiều địa địa phương đã bỏ qua mong muốn có được những FDI công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Thậm chí, có biểu hiện say mê với những dự án lớn, chiếm đất, gây ô nhiễm.
FDI ham tài nguyên rẻ Việt Nam
Theo Bộ trưởng bộ Kế hoạch-Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, thừa nhận, các địa phương đã thu hút dự án một cách ít có chọn lọc, nhất là giai đoạn đầu nên đã không tránh khỏi những doanh nghiệp FDI không có công nghệ tốt, tiêu tốn nguyên liệu, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao. Một số ít doanh nghiệp FDI vẫn chưa đảm bảo được xử lý chất thải, ảnh hưởng đến môi trường. Còn mong muốn thu hút FDI công nghệ cao, chất lượng cao chưa đạt mục đích đặt ra.
Ông Bùi Quách Tuyến, Thứ trưởng bộ Tài nguyên-Môi trường thẳng thắn nêu rõ: "Rất nhiều dự án FDI đều giống nhau ở một điểm quan trọng đó là hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường... tất cả đều với chi phí quá thấp".
Ông Tuyến cảnh báo: "Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao.
Thực tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp FDI đã cho nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc "dưới chuẩn", cũ kỹ, lạc hậu vào Việt Nam. Chưa kể, có không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên, mà bài học về Vedan là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, đó là vụ Cty Tung Kuang xả thải ra môi trường, rồi phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Phú Thọ) đã phát hiện Cty TNHH một thành viên PangRim Neotex với hành vi tương tự. Gần đây, Cty Xi măng Chinfon (Hải Phòng) cũng đã bị người dân phong tỏa do "đầu độc" môi trường bằng khói bụi,...
Nguyên nhân nằm chính ở chúng ta. Theo vị thứ trưởng này, các tiêu chuẩn về môi trường của chúng ta quá thấp và đây chính là điểm hấp dẫn FDI.
25 năm: chỉ có 5% FDI công nghệ cao?
Định lượng cảm nhận dường như bi quan của ông Tuyến về FDI, một cuộc khảo sát của VCCI và USAID/VNCI gần đây đã cho hiện rõ bức tranh thu hút FDI rất đáng lo ngại.
Hiện nay, 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Tính trung bình trên cả nước, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tham gia vào sản xuất công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin và truyền thông, khoảng 5% khác tham gia các dịch vụ khoa học, kỹ thuật, 3,5% tham gia ngành bảo hiểm, tài chính có kỹ năng quản lý hiện đại, lao động trình độ cao.
Về thu hút FDI trong lĩnh vực môi trường, theo báo cáo mới đây nhất này 20/2  năm nay của Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải tính từ năm 1988 tới nay mới chỉ có 28 dự án trong tổng số 13.530 dự án FDI đầu tư vào nước ta hiện đang còn hiệu lực, chỉ chiếm 0,2%. Tổng vốn đầu tư đăng ký của 28 dự án này là 710.084.540 USD trong tổng số 199.703.267.764 USD tổng vốn đầu tư của tất cả các dự án tại Việt Nam, chiếm 0,36%.
Năm 2009, chúng ta có 5 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký là 8.700.000 USD; năm 2011 có 3 doanh nghiệp FDI đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 323.210.000 USD. Và hai tháng đầu năm 2012 có 1 doanh nghiệp FDI đầu tư với số vốn đăng ký là 200.000 USD.
Quyền từ chối FDI bất lợi
Theo Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, thực trạng đáng buồn là, nhiều địa phương, ban Quản lý KCN, KKT chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, do vậy phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, không bảo đảm lợi ích dân tộc trong việc thu hút FDI.
Giải pháp nâng cao chất lượng dòng vốn FDI không nên nằm quá nhiều ở những hệ thống ưu đãi tài chính hiện nay. Ví dụ như, ưu đãi thuế đang có tác dụng như một lực hút FDI nhưng không đồng đều đối với các nhà đầu tư và các vùng lãnh thổ.  Nhà đầu tư là doanh nghiệp vừa và nhỏ coi trọng ưu đãi thuế, trong khi nhà đầu tư lớn với chiến lược dài hạn đòi hỏi phải có môi trường pháp lý minh bạch, công khai và ổn định, cơ sở hạ tầng kỷ thuật tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ưu đãi này có thể có tác động tích cực ở những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng không thực sự hấp dẫn đầu tư vào các tỉnh miền núi mà cơ sở hạ tầng kém phát triển.
Theo TS Mại, hoạt động mời chào FDI hiện vẫn còn thụ động. Đáng lẽ, các địa phương cần phải phát huy vai trò chủ động để có quyền lựa chọn. Đơn cử như, nếu dự án phù hợp với quy hoạch phát triển, ý đồ của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương cần cân nhắc xem nên chọn nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước.
Nếu chưa có quy hoạch, chưa có ý đồ, khi có nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý muốn thực hiện dự án thì cần nghiên cứu tính khả thi của dự án kể cả lựa chọn địa điểm đầu tư, thị trường, các ưu đãi trước khi ra quyết định. Bước thứ ba, khi đã quyết định chọn nhà đầu tư nước ngoài thì nên ưu tiên cho doanh nghiệp đến từ nước nào để có được công nghệ hiện đại, thúc đẩy R&D, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
"Trên thực tế, các địa phương còn lạm dụng ưu đãi cho FDI đến mức tôi biết có địa phương, giao đất cho nhà đầu tư thu rất thấp, đến mức phải vay của nhà đầu tư để trả tiền thuê đất cho nông dân", ông Mại nói.
"Ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư, và lựa chọn cách thức ưu đãi, kể cả phi tài chính để đủ hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư cạnh tranh với các quốc gia xung quanh", TS Nguyễn Mại khuyến cáo.

"Bệnh FDI”
TNO - Không phải bây giờ, "mảng tối" như chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi kiếm lợi nhuận rồi "rút"... của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được đưa ra. Nhiều năm trước, hiện tượng này đã được cảnh báo nhưng vẫn ngày một tăng.
Một phần quan trọng của các hậu quả trên xuất phát từ bệnh thành tích của chúng ta trong việc thu hút vốn FDI.
Vốn năm nay cao hơn năm trước; dự án "khủng"; sự xuất hiện của những thương hiệu nổi tiếng thế giới... luôn được coi là niềm tự hào trong thu hút vốn FDI của VN nói chung và các tỉnh, thành nói riêng. Còn nhớ một thời gian dài, để cạnh tranh thu hút vốn FDI, các tỉnh, thành lao vào cuộc chạy đua mức ưu đãi. Tỉnh này miễn tiền thuê đất 10 năm thì tỉnh kế bên nâng lên 20 năm; thành phố A miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm thì thành phố B phải miễn gấp đôi. Quá "say" với việc kêu gọi vốn FDI, nên danh mục và mức ưu đãi của nhiều tỉnh, thành giống hệt nhau bất chấp lợi thế của mỗi nơi mỗi khác. Không chỉ các tỉnh, đây cũng là tâm lý của chúng ta ngay tại thời điểm hiện tại. Dù đã khẳng định sẽ chuyển hướng thu hút FDI về "chất", thay vì "lượng" mấy năm trở về đây nhưng mỗi khi vốn FDI sụt giảm, chúng ta vẫn tìm mọi lý do để biện hộ. Tâm lý thu hút FDI bằng mọi giá đã khiến khâu thẩm định năng lực, mục tiêu thực sự của nhà đầu tư bị xem nhẹ, thậm chí xuê xoa. Dẫn đến một loạt các hệ lụy nhức nhối như chuyển lãi thành lỗ; gây tác hại đến môi trường; cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước; tận dụng hết ưu đãi rồi bỏ chạy...
Mảng tối đằng sau dòng vốn FDI đã rõ, nhưng hạn chế lại không hề đơn giản. Bởi như phân tích trên, ở đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật (năng lực thẩm định, trình độ quản lý, giám sát...) mà còn cả về vấn đề tâm lý, bệnh thành tích... Nên để "siết" lại, để chọn lọc vốn FDI theo đúng định hướng của Chính phủ, phải có sự thay đổi thật sự trong chính tư duy, nhận thức của chúng ta về vấn đề này.
Ngân sách bị thất thu, người tiêu dùng bị thiệt hại, doanh nghiệp trong nước bị chèn ép trong một cuộc cạnh tranh không cân sức... Đã đến lúc cần "tĩnh" lại để "cân đối" giữa "mảng tối" và "mảng sáng" của dòng vốn FDI, thực hiện nghiêm túc việc chọn lọc vốn FDI. Việc "siết" đầu vào có thể khiến số lượng và giá trị vốn FDI giảm nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ cao, chất lượng tăng. Quan trọng hơn là bảo vệ người tiêu dùng nội địa và tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần doanh nghiệp trong cùng một sân chơi.

KKT Nam PY: Tạo hấp dẫn thu hút nhà đầu tư

Mời bạn đọc lại bài báo này (đăng thứ Hai, 22-03-2010, 13:00 (GMT+7):

Khu kinh tế Nam Phú Yên: Tạo hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 22/2010 ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Phước Cường, Trưởng ban Quản lý KKT Phú Yên xung quanh công tác xây dựng, thu hút đầu tư vào KTT. Đồng chí cho biết: 
- "Quy chế hoạt động của KKT Nam Phú Yên" đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ tháng 4/2008 bằng Quyết định 54/2008. Quyết định 22/2010 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2010 chỉ là sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Lý do điều chỉnh là bởi Quyết định 54 ra đời trước Nghị định 29 của Chính phủ "Về quản lý, đầu tư phát triển, thu hút vốn, xúc tiến đầu tư... cho các khu công nghiệp, KKT". Vì thế, "Quy chế hoạt động KKT Nam Phú Yên" ban hành theo Quyết định 22/ là nhằm phù hợp với hệ thống văn bản hiện hành, sát với Nghị định 29. Đây là hành lang pháp lý để BQL KKT Phú Yên tổ chức thực hiện việc đầu tư, phát triển tại các KCN và KKT theo quy hoạch chung phát triển KKT Nam Phú Yên đã được Chính phủ phê duyệt.
* Đến nay BQL đã triển khai những phần việc gì trong KTT Nam Phú Yên, thưa đồng chí?
Từ tháng 10/2009 đến nay, BQL KKT Phú Yên đã thực hiện việc kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu chức năng của khu công nghiệp (KCN) lọc hóa dầu Hòa Tâm, KCN đa ngành, KCN công nghệ cao, khu phi thuế quan… Đến thời điểm này đã có một nhà đầu tư với 5 liên danh trong và ngoài nước lập hồ sơ xin đăng ký đầu tư vào KCN lọc hóa dầu. Một nhà đầu tư đã tiếp cận thông tin và lập hồ sơ đăng ký đầu tư trục lộ giao thông chính nối từ KCN công nghệ cao lên Tây Nguyên (quốc lộ 29) - là cửa ngõ lên Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia; trục đường nối KCN công nghệ cao với khu phi thuế quan; đầu tư xây dựng đường sắt lên Tây Nguyên. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang thẩm định hồ sơ. Các khu chức năng còn lại cũng đã có một số nhà đầu tư tìm hiểu. Ngoài ra, BQL KKT Phú Yên cũng đã trình UBND tỉnh xin chủ trương lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 đối với 5 khu chức năng, gồm: KCN công nghệ cao, KCN đa ngành, khu phi thuế quan, khu dân cư, khu đô thị. Nếu được UBND thông qua, công việc này sẽ tiến hành ngay trong năm nay để làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư có thêm phương án lựa chọn hoặc là đầu tư toàn khu hoặc tùy theo năng lực có thể đăng ký đầu tư ở từng tiểu khu.
BQL KKT Phú Yên đã phối hợp sở Kế hoạch - Đầu tư, sở Xây dựng Phú Yên cho phép Cty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam (Galileo) đầu tư xây dựng Thành phố sáng tạo ở khu đô thị Nam Tuy Hòa. Chúng tôi cũng đang hoàn chỉnh khu tái định cư Phú Lạc giai đoạn một; lập dự án nâng cấp tuyến giao thông đoạn từ quốc lộ 1A vào cảng hàng không Tuy Hòa; lập xong báo cáo kinh tế kỹ thuật tuyến đường tránh cầu Bi từ Cây Bảng đến ngã ba Phú Hiệp vào KCN Hòa Hiệp và hiện đang chờ thẩm định; phối hợp UBND huyện Đông Hòa và Ban chỉ đạo giải phóng đền bù tỉnh sớm hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng, mục tiêu đến năm 2011 KCN Lọc hóa dầu Hòa Tâm có thể khởi công.
* Đồng chí có thể cho biết công tác xây dựng, thu hút đầu tư được triển khai như thế nào trong thời gian tới?
- BQL KTT Nam Phú Yên đã và đang tiếp tục hoàn thiện website của ban tại địa chỉ
http://www.kktphuyen.gov.vn. Qua đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tìm hiểu thông tin một cách chi tiết, đầy đủ về các KCN, KKT Nam Tuy Hòa, những thông tin về ưu đãi thu hút đầu tư… Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác cải cách hành chính, bộ phận một của, một cửa liên thông theo hệ thống quản lý ISO 9001:2008. Bên cạnh đó, BQL KKT cũng thường xuyên tổ chức các đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở địa phương có các KCN, KKT phát triển trong nước để có sự điều chỉnh cho phù hợp với địa phương. Một phần việc mang tính đột phá trong năm 2010, đó là sẽ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, dự kiến trong năm cũng sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư vào KKT Nam Phú Yên.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TRẦN QUỚI thực hiện

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Bế giảng “Ứng dụng phong thủy trong QH và KT”

(Kienviet.net)  - Tiếp nối thành công khóa học A1 tổ chức ngày 9 tháng 9 năm 2011, viện Quy hoạch-Kiến trúc đô thị đã khai giảng chương trình A2 khóa học “Ứng dụng phong thủy trong quy hoạch và kiến trúc” ngày 9 tháng 12 năm 2011.
Đáp ứng nhu cầu của đông đảo các kiến trúc sư, kỹ sư và các bạn quan tâm đến khoa học Phong thủy, khóa học A2 diễn ra trên cơ sở phát huy những ưu điểm của khóa trước và tăng thời lượng bài tập thực hành nhằm giúp các học viên nhanh chóng tiếp thu kiến thức và ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn.
Trong lễ khai giảng, PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi điểm lại những nét nổi bật của khóa học A1, đọc quyết định mở khóa đào tạo “Ứng dụng phong thủy trong quy hoạch và kiến trúc” chương trình A2 và giới thiệu đội ngũ giảng viên, chuyên gia của khóa A2 gồm:
- TS.KTS Doãn Quốc Khoa – viện Quy hoạch-Kiến trúc đô thị
- Ths Nguyễn Mạnh Linh – NCS, Giảng viên, Hôi phó hội Kinh dịch TG
- Ông Doãn Phú – Trưởng tiểu ban Phong thủy – TT Nghiên cứu tiềm năng con người (TTNCTNCN)
- Ông Nghiêm Thanh – tiểu ban Phong thủy – TTNGTNCN
- TS.KTS Phạm Việt Anh – Giảng viên ĐH Kiến trúc HN, tiểu ban Phongthủy – TTNCTNCN
- Ông Nguyễn Huy Quang – tiểu ban Phong thủy – TTNCTNCN
Tham gia khóa học A2 có 45 học viên trong đó có những những nhà quản lý như Tổng giám đốc Cty Sacidelta – bà Nguyễn Thị Việt, Phó giám đốc Cty Cubic – Ông Trần Vũ Lâm, Giám đốc Thư viện đại học Xây dựng – Ths Hồ Quốc Khánh và đông đảo kiến trúc sư, kỹ sư đến từ các Cty Tư vấn và thiết kế đầu tư xây dựng (bộ Quốc phòng), Cty CP Tư vấn thiết kế V.Team …
Mười buổi học không phải là thời gian dài nhưng đã đem lại cho học viên những  kiến thức cơ bản và chính thống nhất về phong thủy. Lớp học diễn ra trong không khí cởi mở bởi những trao đổi và tranh luận thẳng thắn giữa học viên và giảng viên. Trong bài thực hành, các học viên được chia làm 6 nhóm, tiến hành thực địa tại tòa nhà chung cư số 310 Minh Khai, Hà Nội. Các giảng viên đã giảng giải trực tiếp tại hiện trường, giải đáp các thắc mắc của học viên.
Buổi khảo sát thực địa đã đem lại sự hào hứng, say mê cho học viên bởi những khám phá thú vị và những ứng dụng linh hoạt phong thủy vào quy hoạch và kiến trúc.
Sau buổi thực hành, mỗi nhóm trình bày tại lớp bài làm của mình với sự góp ý của các giảng viên và học viên khác.
Kết thúc khóa học, các học viên được nghe hai bài giảng chuyên đề do thầy Doãn Phú và thầy Nguyễn Mạnh Linh trình bày. Các bài giảng chuyên đề trên nhấn mạnh tầm quan trọng của phong thủy kinh doanh và xây dựng nghĩa trang trong các đô thị trên thế giới.
Khóa học kết thúc tưng bừng với 95% học viên được cấp chứng chỉ. Các học viên đều có chung cảm xúc tiếc nuối khi kết thúc khóa học và rất mong muốn được tham gia chương trình B và C.

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Nhận diện Kiến trúc Xanh của riêng Việt Nam

            Như tin đã đưa, mới đây, hội KTS Việt Nam đã phát động cuộc tuyển chọn công trình kiến trúc xanh. Hội dự kiến trao giải và triển lãm các công trình được giải vào dịp kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/04. Thông tin này khiến không ít người thắc mắc là từ lúc phát động đến khi tuyển chọn và trao giải, thời gian ngắn, liệu Hội có tìm được các công trình kiến trúc xanh đích thực?
Kiến trúc xanh là sử dụng nhiều cây xanh?
Về vấn đề này, Chủ tịch hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết: “Tiêu chí kiến trúc xanh của Hội không lệ vào công nghệ nên sẽ không mất thời gian đi đo đạc 6 tháng như ở nước ngoài. Hội đồng tuyển chọn cần sự cung cấp số liệu chính xác của công trình tham dự tuyển chọn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là tinh thần hướng về thiên nhiên của công trình”.
Theo tiêu chí do hội KTS Việt Nam công bố, kiến trúc xanh là công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong công trình có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc.
Ông Vạn phân tích thêm: Nhiều người hiểu lầm kiến trúc xanh là sử dụng nhiều cây xanh. Có một số người cho rằng kiến trúc xanh là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu. Nhưng không phải. Những nước nghèo cũng có thể phát triển kiến trúc xanh, làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường. Nhiều nước trên thế giới có hội đồng kiến trúc xanh riêng với những tiêu chí khác nhau. Việt Nam nghiên cứu tiêu chí kiến trúc xanh trong hoàn cảnh của mình. Nhiều nước đưa ra những tiêu chí về công nghệ cao, sử dụng những phương tiện đắt tiền trong việc hạn chế tiêu thụ năng lượng, sử dụng hợp lý hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sinh hoạt… Nhưng nếu chỉ lấy yếu tố công nghệ làm trọng thì ở ta, chính quyền và người dân chưa đủ sức. Bởi thế, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống và tinh thần hướng về thiên nhiên.
Kiến trúc xanh không xa vời
Trước đó, trong Chương trình Gặp gỡ mùa thu 2011, hội KTS Việt Nam cũng từng đã chủ trì hội thảo “Hướng tới nền kiến trúc xanh Việt Nam”. Tại diễn đàn này, các chuyên gia đã chia sẻ quan điểm về công trình kiến trúc xanh.
Theo KTS Nguyễn Hoàng Hà (Gia Lai): “Chúng ta đừng quá lo lắng về khái niệm ngôi nhà xanh và đừng cho nó là điều xa vời thực tế, nhất là với điều kiện kinh tế còn khó khăn hiện nay. Đừng nghĩ ngôi nhà xanh chỉ là những ngôi biệt thự mượt mà, sang trọng với hồ bơi ngoài trời nằm giữa khuôn viên cây cảnh. Cũng đừng nghĩ kiến trúc xanh chỉ là những căn nhà khép kín đầy đủ tiện nghi với kỹ thuật hiện đại, dùng toàn năng lượng tự nhiên, hoặc ngôi nhà xanh phải nằm giữa rừng cây, không có bất cứ thiết bị sử dụng năng lượng nhân tạo nào. Thực ra khái niệm kiến trúc xanh (green building) cũng rất gần với khái niệm kiến trúc sinh thái (ecological architecture) hay kiến trúc môi trường (environmental architecture), nói gọn là công trình kiến trúc được làm ra sao cho ít ảnh hưởng nhất đến môi trường và dựa vào môi trường, dựa vào thiên nhiên để hòa nhập với thiên nhiên một cách tối ưu. Thiên nhiên có ánh sáng, gió, nước, không khí, cây xanh… Tại sao ta không tận dụng và khai thác chúng một cách tối đa vào kiến trúc? Mức độ khai thác cái sẵn có của thiên nhiên này có thể đánh giá mức độ “xanh” của kiến trúc”.
KTS Nguyễn Hoàng Hà khẳng định: “Với điều kiện ở Tây Nguyên, rõ ràng việc xây dựng kiến trúc xanh có vẻ khả thi hơn những địa phương khác. Vấn đề khó chỉ còn là nhận thức của các chủ đầu tư, chủ nhà và nhất là các KTS. Kiến trúc xanh mang đến cái lợi trực tiếp cho chủ nhân (tiết kiệm điện, sức khỏe tốt hơn, giảm chi phí y tế, giảm chi phí duy tu sửa chữa nhà, giảm chất thải, giảm ô nhiễm môi trường…). Chúng ta đang mong muốn tạo ra những ngôi nhà thụ động (passive house), sử dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên, thông thoáng và điều hòa hoàn toàn bằng khí hậu tự nhiên. Để tạo ra những ngôi nhà thụ động, chúng ta phải biết khai thác những “thế mạnh” và giảm thiểu những tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết bằng các giải pháp kiến trúc. Theo tôi, kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là giải pháp kiến trúc xanh”.
KTS Nguyễn Hoàng Hà nhận định: “Tây Nguyên có khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành. Các đô thị ở Tây Nguyên chưa bao giờ có nạn kẹt xe hay tắc đường. Diện tích đất bình quân cho mỗi gia đình hàng trăm mét vuông. Vùng ngoại ô hay tại các buôn làng trong đô thị thì có thể lên đến hàng ngàn mét vuông. Đây chính là điều kiện thuận lợi để xây dựng những ngôi nhà xanh, những đô thị xanh cho vùng đất cao nguyên”.
Với quan điểm “chúng ta đang ở kỷ nguyên của kiến trúc xanh”, bên cạnh hệ thống tiêu chí đánh giá, KTS Nguyễn Minh Sơn (ĐH Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ:“Kiến trúc xanh được sinh ra không chỉ bởi sự chống trả những biến đổi bất thường của thiên tai bão lũ, những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra mà còn bởi sự tìm kiếm, rượt đuổi bất tận về chất lượng và tiện nghi cuộc sống. Nếu thành công thì sự phát triển kiến trúc xanh sẽ mang lại lợi ích to lớn, toàn diện về kinh tế – xã hội’‘.
Hiện nay các công trình xây dựng trên thế giới chiếm khoảng 35% việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu và cũng phát thải khoảng 37% khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, việc thiết kế, thi công và vận hành các công trình xanh có tác dụng vô cùng lớn trong việc sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và xa hơn nữa là giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Công trình xanh chính là giải pháp thích hợp để phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.

Bảo tàng Đăk Lăk

            Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk tọa lạc tại số 12 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2011, theo thiết kế của KTS Nguyễn Tiến Thuận, Cty Kiến trúc HAAI (trường đại học Kiến trúc Hà Nội), là bảo tàng lớn nhất khu vực Tây Nguyên với chiều dài 130m, rộng 60m và diện tích sàn 9.000m2
Qua hình ảnh một vài góc công trình, người trong nghề có thể nhận ra những giải pháp "chắc tay", khai thác đường nét tinh tế, hiện đại mà có bản sắc của nơi "nó" cư ngụ…
Bảo tàng Đăk Lăk là một công trình có kiến trúc độc đáo mô phỏng ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê kết hợp với nét kiến trúc hiện đại. Không gian trưng bày trong bảo tàng được chia làm ba phần: đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử với 1.000 hiện vật, ảnh tư liệu và video.
Đa dạng sinh học – màu xanh lá cây: có diện tích khoảng 300m2, với hơn 200 hiện vật và hình ảnh, cùng những thông tin phong phú, nhằm giới thiệu về xứ sở cao nguyên Đăk Lăk. Những tiêu bản động vật được thiết kế và đặt trong tủ kính có hình ảnh rừng, càng tăng thêm tính sống động của các loài.
Văn hóa học dân tộc – màu nâu đỏ: diện tích trên 700m2. Hơn 450 hiện vật, phần trưng bày này sử dụng tới 27 bài viết các loại, 122 ảnh và 12 phim video, góc trưng bày về các dụng cụ săn voi.
Bảo tàng Đăk Lăk cũng là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam sử dụng bốn ngôn ngữ trưng bày gồm: Anh, Pháp, Việt và tiếng bản địa Êđê. Ngoài ra, các hiện vật còn được thể hiện thêm bằng chính ngôn ngữ của dân tộc là chủ nhân của chúng.
             Bảo tàng Đăk Lăk là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước, góp phần cung cấp và gìn giữ các kiến thức, sự hiểu biết phong phú về tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nền văn hóa đa dân tộc, giàu bản sắc cũng như về lịch sử lâu đời và vẻ vang của Đăk Lăk.