Quy hoạch đô thị đang là vấn đề của xã hội hiện đại; nó không chỉ là mối quan tâm của những vùng phát triển mà cả ở những vùng đang phát triển. Đô thị đã được lịch sử chứng tỏ là động lực phát triển của nền kinh tế-xã hội và thực tiễn chỉ rõ là nền tảng cho công cuộc công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước. Tỉnh Phú Yên chúng ta càng cần thiết đến cơ sở vật chất của đô thị cho sự phát triển quê hương.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá cũng có những quy luật khách quan tác động, mà trước hết, đòi hỏi phải có những vị thế địa kinh tế, những yếu tố “tạo vùng”... Mặt khác, nội hàm của đô thị hoá: quy mô (dân số, diện tích), chức năng, tính chất, cấp quản lý hành chính, hình thái quy hoạch-kiến trúc, nguồn lực, đầu tư (phương thức, tốc độ)... đều có những quy luật chi phối mà các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực thi quản lý, điều hành - những chủ nhân của đô thị - cần thiết phải nắm bắt được. Đô thị phát triển đến quy mô nào là phù hợp? Tổ chức, quản lý ra sao? Bản sắc, hình thái cảnh quan, môi trường thế nào?... đều là những dấu hỏi muôn thuở đối với mọi đô thị. Đô thị lớn, lâu đời có vấn đề của đô thị lớn, lâu đời; đô thị nhỏ, trẻ có vấn đề của đô thị nhỏ, trẻ. Tất cả đều cần phải được xem xét, giải quyết nghiêm túc dưới góc độ chuyên môn cho mỗi đô thị để bảo đảm mục tiêu đô thị là cơ sở vật chất cho công nghiệp hoá-hiện đại hoá, là môi trường sống bền vững và phát triển. Đô thị trẻ ngoài lợi thế có được kinh nghiệm của các đô thị đi trước, lại có được quỹ thời gian để quản lý theo cách “dạy con từ thuở còn thơ,...”. Vấn đề là có nhận thức được, nghĩ ra được những vấn đề cần thiết của đô thị chúng ta, để định hướng giải quyết?
Với quan điểm “... đô thị của Phú Yên còn mới, nhỏ, chưa có gì phải quan tâm, đặt vấn đề to tát...”, sẽ cho những hậu quả khôn lường khó lòng khắc phục mà các đô thị đi trước đã có bài học. Không thể có được những luận cứ khoa học và sẽ không hiệu quả khi lựa chọn địa điểm cho đô thị mới nếu không có Định hướng phân bố các điểm dân cư đô thị phù hợp phân bố lực lượng sản xuất của vùng lãnh thổ hành chính; không thể có đô thị phát triển bền vững khi đồ án quy hoạch xây dựng nó, chỉ làm cho “có bản vẽ treo lên”, cho xong kế hoạch lập đồ án đã ghi vốn; không thể có “đô thị thông minh” khi chưa đạt được là “đô thị xanh”; không thể có được đô thị đầy bản sắc, có “hồn” khi đồ án quy hoạch không để tâm tới thực trạng xã hội và địa mạo mà chỉ toàn những giải pháp san ủi bằng phẳng và chia lô; không thể hình thành bộ mặt đô thị khi chỉ lựa chọn vị trí xây dựng công trình trên lô đất có sẵn theo kiểu “mỳ chén liền”; và không thể có một hệ thống tài nguyên cảnh quan kiến trúc nếu quy hoạch đô thị gặp đâu, hay đấy...
Và quy hoạch đô thị cùng nhà ở đô thị là hai vấn đề luôn song tồn, mật thiết. Đương nhiên, quy hoạch đô thị còn nhiều vấn đề: kết cấu hạ tầng, cây xanh... Song, muốn quy hoạch phát triển đô thị phải giải quyết vấn đề nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở làm điều kiện, cơ sở để quy hoạch hình thành trên thực địa, phát triển đô thị. Nhà ở là một vấn đề lớn của xã hội và của đô thị. Đã có những đánh giá cho rằng trật tự an sinh xã hội phụ thuộc một phần vào chính sách nhà ở. Nhà ở là thể loại kiến trúc có đặc trưng cá tính rõ rệt nhất vì nó là môi trường sống của gia đình-cá nhân-tế bào xã hội; nó lại tạo nên bản sắc đô thị rõ nét nhất vì chiếm đến không dưới 60% diện tích xây dựng đô thị. Giải quyết vấn đề nhà ở, nhất là nhà ở đô thị, không chỉ bảo đảm đủ mỗi gia đình một căn hộ, mà còn hướng tới mỗi căn hộ là một không gian sống, sinh hoạt gia đình với đầy đủ tiện nghi để con người sinh sống trong đó được phát triển đầy đủ, toàn diện nhân cách với các tố chất trí, thể, mỹ. Giải quyết vấn đề nhà ở đô thị còn là tạo dựng hình thái, bộ mặt diện mạo cho đô thị, trước hết là những “đơn vị ở”, những quần thể với các không gian khuôn viên, công trình dịch vụ công cộng, vườn hoa... kế thừa các kiểu thức không gian sinh hoạt cộng đồng ở thôn quê nhưng được phát triển về công năng, tiện nghi; với các kiểu loại nhà ở phong phú: biệt lập, song-tam-tứ lập, biệt thự, có vườn, liền kề lô phố, chung cư... đáp ứng đa dạng các nhu cầu, điều kiện của mỗi gia đình. Nhà ở đô thị là tài sản riêng của cư dân nhưng lại là bộ mặt thẩm mỹ chung của đô thị. Giải quyết tốt vấn đề nhà ở đô thị, về sâu xa còn là tạo nên lối sống đô thị văn minh...
Có quan điểm cho rằng, đất đai đô thị ở Phú Yên còn tha hồ rộng, tập quán đất lề quê thói, khả năng kinh tế có hạn thì việc gì phải lo đến chuyện nhà ở như các đô thị khác, cần gì phải hướng dẫn cư dân xây cất nhà ở, cứ chia lô bán đất là mau nhất (?). Cứ như vậy, cứ để tự phát như mọi thứ “tự nhiên” thì không thể nâng cấp đô thị của chúng ta được, môi trường sống không được cải thiện và cũng không thể phát triển, cũng chỉ hơn được hình thái “làng xã” bởi lưới đường ô vuông. Nhà ở đô thị không thể chỉ toàn là những dãy nhà liền kề lô phố theo kiểu “nguyên thuỷ” giản đơn nhất là chia lô; không thể chỉ do các “trọc phú” hoặc “thợ vôi” hoặc người có quyền cấp phép xây dựng, định kiểu dáng cụ thể;.vv và vv...
Đành rằng, quy hoạch và nhà ở đô thị là vấn đề lớn, khó nhưng không phải không giải quyết được, nếu chúng ta ý thức, chủ động. Phú Yên cũng là một trong những nơi có nền văn hoá lâu đời, có kinh nghiệm khẩn hoang, lập ấp, xây cất nhà cửa, lẫm đình... trên con đường mở mang, di dân của tộc Việt và các tộc anh em ít người khác. Giải quyết quy hoạch và nhà ở đô thị ở Phú Yên, phải xuất phát từ thực tế của Phú Yên trên con đường phát triển, chứ không thể theo các “phong trào”, “hội chứng”. Chúng ta rút kinh nghiệm, học tập ở các địa phương khác để vận dụng vào hoàn cảnh thực tế ở một nơi vốn có những đặc điểm văn hoá-xã hội và khí hậu riêng, chứ không máy móc, câu nệ áp dụng, ứng dụng. Điều này đòi hỏi sự nhận thức của cơ quan chức năng thẩm quyền và còn cần phải có bộ máy để thực hiện, nghiên cứu đưa các yếu tố đô thị lý thuyết, đô thị thực hành và đô thị quy chế vào thực tiễn Phú Yên.
Vấn đề quy hoạch và nhà ở đô thị ở Phú Yên, nếu chúng ta không ý thức, chủ động giải quyết toàn diện hoặc chỉ cầm chừng, gặp đâu hay đó theo “nước nổi, bèo nổi”, đương nhiên, với quy luật, nó vẫn nảy sinh và tự điều chỉnh với cơ chế “tự phát”. Điều đó, dĩ nhiên không phải là mục tiêu khi chúng ta lập ra các cơ quan có chức năng thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Kiến trúc-Quy hoạch Phú Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode