(KTS-PY) - Tìm hiểu ý nghĩa khoa học của Phong thủy (Fengshui) là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Mặc dù nó đã được áp dụng trong kiến trúc, xây dựng, kể cả trang trí nội thất,… nhưng ít nhiều bị huyền bí hoá nên mất đi tính khoa học. Phong thủy là học thuyết cổ xưa của phương Đông, chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của những điều kiện thiên nhiên đến đời sống con người. Nhân Hội thảo: “Tính khoa học của phong thủy trong kiến trúc và xây dựng”, KTS-PY có cuộc trò chuyện với TS-KTS Doãn Quốc Khoa, viện Kiến trúc nhiệt đới, đại học Kiến trúc Hà Nội.
PV: Thưa ông, tầm nhìn về phong thủy nói chung, trong kiến trúc xây dựng nói riêng, có những ứng dụng gì để có thể tổ chức cuộc hội thảo này?
TS, KTS Doãn Quý Khoa: Có lẽ ít quan niệm nào trong kiến thức cổ truyền được quan tâm và phổ biến rộng rãi như Phong thủy. Sách về Phong thủy tràn ngập thị trường và trên mạng internet, cả về chủng loại và số lượng, thật giả, đúng sai. Gần chục năm trở lại đây Phong thủy được sống lại với tầm ảnh hưởng và độ phổ cập gấp nhiều lần so với thời trước. Trong xây dựng hiện nay, không ít thì nhiều, chủ động hay thụ động, đều vận dụng phong thuỷ trong xây nhà của gia đình, lăng mộ cho người quá cố. Thậm chí các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng sử dụng phong thuỷ trong xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà xưởng. Trong bối cảnh ấy, hội thảo “Tính khoa học trong Phong thủy và kiến trúc hiện đại” thật cần thiết để tìm ra được những giá trị thực của Phong thủy, để có thể kế thừa và loại bỏ những nguyên lý mang tính chủ quan, thần bí ra khỏi hoạt động xây dựng.
- Có sự tương đồng giữa Phong thủy với xu hướng phát triển kiến trúc của thế kỷ XXI, thưa ông?
- Thứ nhất, có một sự tương đồng giữa Phong thủy với xu hướng chung phát triển kiến trúc thế giới trong đó có Việt Nam. Đại hội lần thứ 20 của Hiệp hội các kiến trúc sư quốc tế (UIA) họp ngày 23 - 26/6/1999 tại Bắc Kinh đã thống nhất kiến trúc hiện đại của thế kỷ XXI phải hướng đến nền kiến trúc toàn diện, trong đó có một số nội dung liên quan đến Phong thủy như:
a) Coi liên kết giữa kiến trúc công trình, kiến trúc cảnh quan và quy hoạch đô thị là cốt lõi để tạo không gian đô thị.
b) Kiến trúc của thế kỷ XXI là kiến trúc của sự hòa hợp thay vì sự đơn điệu. Chìa khoá cho Kiến trúc - Đô thị thế kỷ XXI là sự hài hoà: Hài hoà giữa thiên nhiên - kiến trúc - con người. Sự hoà hợp thay thế sự đơn điệu, độc tôn.
c) Nghệ thuật phải vì lợi ích của môi trường xây dựng. Sáng tạo công trình kiến trúc nên chuyển từ công trình đơn lẻ sang tổng thể, sang phạm vi của quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng. Mối quan hệ thiêng liêng với thiên nhiên cần được coi là yếu tố quan trọng và phải xử lý thấu đáo.
- Ông có thể nói rõ hơn về mối liên kết giữa kiến trúc công trình, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị với cốt lõi là việc tạo không gian đô thị, thưa ông?
- Kiến trúc hiện đại sau gần 1 thế kỷ phân tách thành các chuyên ngành là kiến trúc công trình - kiến trúc quy hoạch và kiến trúc cảnh quan (thường được gọi là bộ 3 kiến trúc) đã thấy được tác hại của việc chia tách này và phải quay trở lại với tính thống nhất của tổ chức không gian từ lớn đến nhỏ, từ tổng thể đến thành phần. Đối chiếu với Phong thủy, từ ngàn xưa vẫn là tạo lập môi trường sống thống nhất cho con người, dựa trên các nguyên lý và phương pháp chung. Kết quả của Phong thủy có thể nhiều cấp độ nhưng đều đạt được sự nhất quán từ một công trình cho đến không gian tổng thể một đô thị mà tiêu biểu là “Phong thủy” của kinh thành Huế đã thể hiện và được UNESCO công nhận là di sản chung của nhân loại.
- Nguyên lý của Phong thủy trong Kiến trúc, thưa ông, là gì?
- Hầu hết các nguyên lý của Phong thủy đều hướng đến kết quả tạo ra sự hài hòa và hòa hợp thiên nhiên - kiến trúc - con người thông qua khái niệm, tiêu chí, nguyên tắc của tổ chức không gian: sự hài hòa, cân bằng ÂM DƯƠNG, mối quan hệ giữa các thành phần và phương hướng không gian tuân theo quy luật NGŨ HÀNH TƯƠNG SINH, mô hình không gian mà Phong thủy hướng đến chính là triết lý về sự hợp nhất THIÊN - ĐỊA - NHÂN. Phong thủy có một nguyên tắc tổ chức không gian chung là lấy tự nhiên làm cơ sở, dựa vào đặc điểm, điều kiện của tự nhiên để chọn địa điểm xây dựng, chọn hướng và quy mô xây dựng công trình nhằm tạo sự hài hòa và hòa nhập của công trình kiến trúc với cảnh quan tự nhiên chung. Như vậy chìa khóa của kiến trúc đã được Phong thủy phát hiện, áp dụng từ hàng nghìn năm nay.
- Ông có thể giới thiệu một công trình ở Việt Nam đã áp dụng thành công những nguyên lý của Phong thủy?
- Một ví dụ tổ chức không gian trên cả phạm vi vùng của Phong thủy là địa điểm xây dựng kinh thành Huế của Nhà Nguyễn như nhận xét của ông M’ Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO: “Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự bình đến đồi Vọng cảnh, đến phá Tam giang và phá Cầu Hai và chính như thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi". Dãy núi Bạch Mã cách Huế gần trăm km mới chính là án sơn của kinh thành Huế.
Sau một giai đoạn sùng bái công nghệ - kỹ thuật, những tưởng con người có thể sử dụng kiến trúc để chủ động tạo môi trường sống tốt nhất cho mình mà không cần quan tâm đến thiên nhiên, kiến trúc hiện đại đã phải quay trở lại nhìn nhận về “mối quan hệ thiêng liêng với với thiên nhiên” và coi mối quan hệ đó “là yếu tố quan trọng và phải xử lý thấu đáo”. Điều này càng cho thấy giá trị của Phong thủy khi coi thiên nhiên có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với cuộc sống con người, không chỉ qua tác động mang tính vật chất mà cả siêu vật chất thể hiện qua khái niệm “sinh khí”, “tử khí”. Sự tác động của thiên nhiên đối với con người không cứng nhắc mà biến đổi theo thời gian (nguyên lý “vận khí” hay “huyền không phi tinh” ...). Có thể nói nội dung cơ bản của Phong thủy chính là nhằm giải quyết mối quan hệ con người - thiên nhiên thông qua tổ chức không gian sống của mình: chọn địa điểm, phương hướng, bố cục các thành phần kiến trúc - tự nhiên sao xác lập được tương quan giữa công trình nhân tạo - tự nhiên, giữa các thành phần nhân tạo với nhau phù hợp với quy luật vận động của tự nhiên và chính con người, trong môi trường đó, cho con người vừa nhận được nhiều sinh khí vừa giảm thiểu những tác động của khí xấu không có lợi cho sức khỏe và hoạt động phát triển của mình.
- Việc áp dụng Phong thủy trong kiến trúc hiện đại như thế nào?
- Theo nguyên lý Phong thủy, khu vực xây dựng phải có sẵn (hoặc tạo được) cây cối tốt tươi không khô cằn héo úa, nguồn nước phải lưu thông không tù đọng và trong lành, đồi núi phải đầy đặn, không nham nhở trơ trụi... Nếu xem xét kỹ, đối chiếu nguyên tắc Phong thủy với các tiêu chí, yêu cầu của kiến trúc - đô thị sinh thái hiện đại có thể thấy Phong thủy và kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh là tương đồng. Sự khác biệt có lẽ chỉ ở việc sử dụng kỹ thuật - công nghệ hiện đại trong công trình hoặc đô thị sinh thái. Hay nói cho đúng bản chất của khái niệm sinh thái thì sinh thái trong Phong thủy thuần khiết và tự nhiên hơn kiến trúc hiện đại.
Như vậy giữa Phong thủy với xu hướng phát triển kiến trúc hiện đại đã gặp nhau về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các tiêu chí chung. Hy vọng một số ý kiến nêu trên có thể đóng góp với hội thảo để cùng khẳng định giá trị khoa học của Phong thủy, góp phần kế thừa trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng hiện nay nhằm phát triển kiến trúc Việt Nam bền vững và bản sắc.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dược thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode