KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch hội KTS Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4 được tổ chức kỷ niệm trên phạm vi cả nước. Đây là một sự kiện văn hóa chính trị rất có ý nghĩa không chỉ đối với giới kiến trúc sư (KTS) mà với cả toàn xã hội.
Tháng 4 năm 1948, trong khi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đang diễn ra khốc liệt, nhưng để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp số KTS Việt Nam được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm việc phân tán tại nhiều nơi ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc, để thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam. Ngày 27-4, tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, một nhóm KTS tiêu biểu như: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Chân… đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam, tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn. Người viết:
“Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy việc kiến trúc là việc rất quan hệ.
Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tinh thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới.
Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền.”
Thư của Bác chứa đựng tư tưởng lớn, mang tính chiến lược định hướng cho sự nghiệp phát triển kiến trúc của dân tộc. Người khẳng định vai trò quan trọng của Kiến trúc, của KTS và tổ chức nghề nghiệp của KTS trong đời sống xã hội: “ Việc kiến trúc là việc rất quan hệ”. Kiến trúc là văn hóa. Kiến trúc còn mang tính nhân văn, tính xã hội và tính thời đại. Kiến trúc gắn bó với cuộc sống và hạnh phúc của mỗi gia đình. Kiến trúc đi cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì thế, công việc kiến trúc là công việc của toàn dân, của xã hội mà KTS là chủ thể sáng tạo. Bác dạy, kiến trúc phải luôn bám sát thực tế của cuộc sống nhưng cũng phải biết hướng tới tương lai, hiện đại và “ đúng với tinh thần đời sống mới”. Là lãnh tụ kính yêu của dân tộc, suốt đời mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, vì thế Bác đã căn dặn KTS phải luôn hướng về người nghèo ở nông thôn, người thu nhập thấp, để tạo ra “ những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền” . Những lời dạy bảo của Bác dù cách đây đã 63 năm, nhưng vẫn mãi là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho chúng ta trong sáng tạo và phát triển kiến trúc hôm nay.
Những năm đầu của thế kỷ trước, nước ta chưa có KTS. Trong kháng chiến, đội ngũ KTS mới có khoảng 50 người được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương vào thập niên 30. Cách mạng Tháng 8 thành công, họ trở thành những KTS đầu tiên của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Bác coi đây là vốn quý của cách mạng, là lực lượng quan trọng rất cần cho công cuộc kiến thiết đất nước. Sự ra đời Đoàn KTS Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược của Bác Hồ vĩ đại.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”, dù trong những năm tháng cực kỳ gian khổ và thiếu thốn, các KTS vẫn sáng tạo nên những công trình phục vụ kháng chiến như trụ sở UBHC, nhà thông tin, khu nhà họp Đại hội Đảng, nhà ở… bằng các vật liệu đơn sơ như tre, nứa, lá. Những công trình kiến trúc giản dị ấy chính là những viên gạch đầu tiên của nền nghệ thuật kiến trúc cách mạng. Và các tác giả của nó, thế hệ KTS đầu tiên, đã trở thành nồng cốt trong quá trình xây dựng và trưởng thành của đội ngũ KTS nước nhà.
Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ xây dựng và phát triển theo hướng CNH-HĐH. Diện mạo của Tổ quốc không ngừng thay đổi, đặc biệt là trong những năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Từ những khu công nghiệp, khu nhà ở lắp ghép với tiện nghi tối thiểu, xây dựng theo phương châm tiết kiệm, bền vững, đẹp trong điều kiện có thể của những năm 60-80, đến nay có biết bao công trình kiến trúc, các khu đô thị mới được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, vật liệu hiện đại. Đô thị được mở rộng và phát triển, tạo nên một hệ thống trải đều từ Bắc xuống Nam, từ miền núi đến vùng biển đảo. Kiến trúc di sản văn hóa được quan tâm tu bổ và bảo tồn, tôn tạo. Kiến trúc nông thôn đổi mới theo hướng tiện nghi và hiện đại.
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, đội ngũ KTS Việt Nam cũng đã trưởng thành về lượng và chất. Từ 50 KTS đầu tiên được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến nay lực lượng KTS cả nước đã lên tới hơn 15.000 người. Từ Đoàn KTS Việt Nam thành lập năm 1948 với 8 KTS nòng cốt, sau 63 năm hoạt động, Hội KTS Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lớn mạnh, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy với trên 4.000 KTS hội viên. Tất cả đã và đang miệt mài lao động, sáng tạo nên nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đất nước. Hàng trăm KTS được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia; nhiều KTS, sinh viên kiến trúc đã đạt giải thưởng Kiến trúc quốc tế. Có thể tự hào rằng, chưa khi nào vị thế của kiến trúc, của KTS và của Hội KTS Việt Nam trong sự nghiệp CNH-HĐH và xây dựng đất nước được xã hội khẳng định và tôn vinh như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì kiến trúc Việt Nam, KTS Việt Nam đang phải đứng trước những yếu kém và thử thách. Quy hoạch, kiến trúc đô thị-nông thôn chưa phát huy được vai trò xã hội, chưa hướng sự ưu tiên về đông đảo tầng lớp nhân dân lao động, nhất là nông dân và người nghèo đô thị. Tư duy và phương pháp lập quy hoạch còn chậm đổi mới, công tác nghiên cứu, thực thi và quản lý điều hành còn nhiều bất cập. Các công trình văn hóa, phúc lợi, nhà ở xã hội chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên, nhiều không gian văn hóa di sản bị xâm lấn và hủy hoại. Nhìn diện mạo kiến trúc nước nhà hôm nay không khó nhận ra rằng, chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít thành công về sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc phát triển chung chung mờ nhạt, thiếu bản sắc, tính hiện đại không triệt để, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Đối với các xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như: Kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng… cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược.
Đội ngũ KTS hôm nay tuy đông, hơn 15.000 người, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đã tạo nên bức tranh thừa và thiếu giả tạo về nhu cầu đào tạo và sử dụng KTS. Những năm qua, đã xuất hiện một số KTS tài năng, có phong cách trong sáng tác, tạo nên thương hiệu, đang dần tụ hội những điều kiện để cạnh tranh quốc tế. Nhưng số lượng này chưa nhiều. Đặc biệt là không có các KTS đầu đàn và các bậc thầy, đây là điều đáng lo ngại trong phát triển nghệ thuật kiến trúc nước nhà trong thời kỳ mới. Môi trường hành nghề của KTS trong nền kinh tế thị trường còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, về quyền tác giả, về chế độ thiết kế phí, về quy chế xét chọn và thẩm định dự án…
Thực tế cho thấy, không có môi trường hành nghề tốt, thì không có sáng tạo, không có cạnh tranh lành mạnh, không có tác giả, tác phẩm kiến trúc tốt. Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức do toàn cầu hóa gây ra, đó là nguy cơ bị quốc tế hóa kiến trúc bản địa, nhưng lại lúng túng trong bản địa hóa kiến trúc quốc tế; trì trệ chậm đổi mới trong trong tư duy sáng tác và tiếp cận cái mới… cùng nguy cơ hiểm họa do biến đổi khí hậu trái đất đã và đang gây ra cho Việt Nam và các nước trên thế giới. Tất cả những yếu kém và thách thức nói trên đòi hỏi những nỗ lực và đổi mới không ngừng từ cơ quan lập chính sách và quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng, đào tạo, đến môi trường hành nghề, năng lực sáng tạo của mỗi KTS cùng trách nhiệm của xã hội, của cộng đồng và của Hội KTS Việt Nam.
Ngày Kiến trúc Việt Nam là ngày hội của toàn dân, của cộng đồng, của các nhà quản lý kiến trúc-quy hoạch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng… những người đã và đang sát cánh cùng KTS để tạo nên nhiều tác phẩm kiến trúc tốt, có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam cũng là dịp để xã hội tôn vinh các tài năng kiến trúc, đồng thời khuyến khích và động viên các KTS, đặc biệt là KTS trẻ, để họ sáng tạo nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại những lời dạy của Bác Hồ kính yêu, càng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo và quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với sự nghiệp kiến trúc, với giới KTS và Hội KTS Việt Nam, cũng như nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình trước xã hội, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng phấn đấu trong lao động sáng tạo, trong hoạt động nghề nghiệp để đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, góp phần “ Xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” và nền kiến trúc Việt Nam: Xanh-Hiện đại và Bản sắc trong thế kỷ 21./.
tiếp bài của KTS Đoàn Đức Thành
Cách mạng Tháng Tám như một luồng gió mới đến với giới kiến trúc sư, nhiều người tham gia giành chính quyền và giữ các cương vị quan trọng trong các cấp chính quyền ở các tỉnh thành: KTS Huỳnh Tấn Phát, Uỷ viên uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; KTS Nguyễn Văn Ninh, Uỷ viên uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Viên nay là tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Lạng Sơn; KTS Dương Hy Chấn, Phó chủ tịch uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bắc Ninh; KTS Hoàng Như Tiếp, KTS Phạm Khắc Hệ, Uỷ viên uỷ ban Kháng chiến Hành chính các tỉnh Phúc Yên, Hải Dương, KTS Nguyễn Ngọc Chân dẫn đầu đoàn biểu tình ở Đà Lạt,, vv…Một số kiến trúc sư lần lượt tham gia tòng quân làm anh bộ đội Cụ Hồ, trực tiếp cầm súng ra chiến trường chống ngoại xâm, như Đỗ Hữu Dư (Hoàng Linh), Phạm Khắc Hệ (Phạm Hoàng) và KTS Nguyễn Nghi.
Nhà nước ta đã chủ trương tổ chức các giới nghề để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mùa Thu năm 1946, tại nhà Khai Trí Tiến Đức bên hồ Hoàn Kiếm, mấy chục kiến trúc sư đã họp bàn việc chuẩn bị Điều lệ, chương trình hoạt động và lễ ra mắt Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, đồng thời xuất bản tạp chí “Kiến thiết”, “Trước kia dưới thời Pháp thuộc muốn lập một tổ chức ái hữu của những anh em kiến trúc sư cũng không thể làm nổi, vì khi mà nghệ thuật kiến trúc bị coi rẻ như một món hàng bán lấy lãi, vì giữa những anh em kiến trúc sư tuy là đồng nghiệp nhưng hoạt động ở các ngành khác nhau, người mở phòng riêng, người làm công chức, người chủ trương đi sâu về nghệ thuật thường có sự va chạm và chống đối nhau về quyền lợi. Sau Cách mạng tập hợp nhau được trong một hội nghị chuẩn bị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam giữa hoàn cảnh phức tạp và chia rẽ như thế, nói được với nhau những nhiệm vụ chung phải gánh vác, đó là những cố gắng đầu tiên của chúng ta” (1). Công việc đang tiến triển khẩn trương thì thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội.
Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, “Anh em kiến trúc sư chúng ta do lòng yêu nước và trí căm thù quân cướp nước, tin tưởng vững chắc vào tiền đồ của dân tộc, đã rời bỏ cuộc sống thành thị mà hăng hái tham gia cuộc kháng chiến của toàn dân. Anh em chúng ta đã tự nguyện bất kỳ công tác gì, người ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô, người ra vùng tự do phục vụ trong quân đội, tham gia chính quyền địa phương, làm công tác tuyên truyền, công tác tản cư di cư. Trong khi ấy ở miền Nam một số anh em kiến trúc sư cũng rời bỏ đô thị, tham gia công tác kháng chiến,…” (1).
Năm 1948, công cuộc kháng chiến được hơn một năm. Ở Việt Bắc, quân ta chiến thắng giòn giã trên các mặt trận Đoan Hùng, Sông Lô, Sông Thao, Phủ Thông, Đèo Giàng, Bông Lau, Bố Củng, Lũng Phầy,vv… Ngày ấy dưới khẩu hiệu kháng chiến kiến quốc, các văn nghệ sĩ phấn khởi, tìm mọi cách liên lạc, móc nối lại với nhau, đoàn kết một lòng, tất cả cho kháng chiến, tất cả cho dân tộc. Khí thế Cách mạng lan toả khắp nơi. Các liên khu dấy lên phong trào hưởng ứng cuộc thi “Việt Bắc kháng chiến” do Tạp chí “Văn nghệ” phát động, chuẩn bị Đại hội Tập, tổ chức triển lãm tác phẩm sáng tác phục vụ kháng chiến,vv…
Chính phủ chủ trương tổ chức đại hội thành lập các hội: Văn hoá Việt Nam, Văn nghệ Việt Nam và các đoàn: Kiến trúc sư, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu.
Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam có vinh dự được tổ chức hội nghị thành lập đầu tiên tại Việt Bắc.
Ngay sau Tết Mậu Tý một tháng, vào trung tuần tháng ba năm 1948, dưới nắng chiều bên đồi cọ ở Ấm Thượng – Phú Thọ, hoạ sĩ Tô Ngọc Vân với cương vị Uỷ viên BCH lâm thời Hội Văn nghệ Việt Nam (được bầu tại cuộc họp trù bị lần thứ nhất ngày 03-10-1947 ở Đại Từ – Thái Nguyên ) đã cùng các kiến trúc sư ở liên khu X: Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Nghi, Võ Đức Diên bàn về hội nghị Kiến trúc sư toàn quốc, thảo luận về Đại hội Tập, về hoạt động nghề,… Cùng dự còn có Thao Trường (2) phóng viên tạp chí “Văn nghệ” (xem bài” Các văn nghệ sĩ với cuộc thi Việt Bắc Kháng chiến” của Thao Trường, tạp chí” Văn nghệ” số 2 tháng 4&5 -1948 ).
Ở liên khu I, KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Hoàng Như Tiếp cùng tản cư ở Phúc Yên. KTS Nguyễn Cao Luyện có mối giao lưu rộng trong giới văn hoá, ông dành nhiều thời gian và tâm sức gặp gỡ, tiếp xúc với giới khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục và văn học, nghệ thuật để tổ chức hội nghị Văn hoá Việt Nam. KTS Hoàng Như Tiếp quan tâm nhiều đến giới nghề, ông thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo bộ Giao thông-Công chính, tiền thân của bộ Xây dựng ngày nay để bàn về hoạt động của giới nghề. Ở liên khu III, KTS Trần Hữu Tiềm liên lạc thường xuyên với Bộ trưởng Trần Đăng Khoa và được biết Bác Hồ chỉ thị trong hoàn cảnh nào cũng phải tập hợp anh em kiến trúc sư tổ chức thành một đoàn thể vững mạnh để đóng góp cho kháng chiến và sau khi kháng chiến thắng lợi. KTS Trần Hữu Tiềm đã tìm mọi cách để liên lạc được với hơn một chục kiến trúc sư đang sống rải rác khắp nơi: Nguyễn Ngọc Chân và Đoàn Văn Minh ở liên khu IV, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp và Phạm Quang Bình ở liên khu I, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Nghi , Võ Đức Diên, Ngô Huy Quỳnh ở liên khu X.
Theo lời kể của KTS Tạ Mỹ Duật với tôi năm 1985 thì đến ngày 6-4-1948, khi BCH lâm thời hội Văn nghệ Việt Nam triệu tập tại Việt Bắc lần thứ hai, giới kiến trúc sư được biết tin chính thức ngày giờ và địa điểm triệu tập Hội nghị đoàn Kiến trúc sư Việt Nam. Do thời gian triệu tập gấp nên không liên lạc được với kiến trúc sư quân đội, kiến trúc ở miền Nam và kiến trúc sư vùng tạm chiếm. KTS Nguyễn Văn Ninh bận việc tiễu phỉ ở Lạng Sơn nên báo báo trước là không đến dự được, KTS Ngô Huy Quỳnh sau đợt oanh tạc của máy bay ” Bê vanh cát” đã rời nhà đi nơi khác, không ai biết ở đâu, KTS Nguyễn Nghi hăng hái trong mọi hoạt động, nhưng bị ốm năng nên không dự được.
Ngày họp đã được ấn định. Đi đường vất vả nhất là ba kiến trúc sư ở Liên khu IV, Liên khu III. Các ông phải đi bộ mấy trăm cây số, vừa đi vừa hỏi thăm đường, tránh vòng vây địch, nhiều hôm ngày nghỉ, đêm đi vì phải qua vùng tề. Ban ngày hướng về dãy núi Tam Đảo mà đi, ban đêm cứ nhằm hướng sao Bắc Đẩu mà thẳng tiến. Cũng may những ngày đi đường trời nắng ráo, đêm có sao và trăng mọc khuya.
Sáng ngày 21-4-1948, ba kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Ngọc Chân, Đoàn Văn Minh vừa đặt chân đến làng Thản Sơn thì đã thấy ông Vũ Thế Lĩnh, Chánh văn phòng Bộ Giao thông-Công chính đến tiền trạm từ hôm trước. Đây là một làng sơn cước, cây cối um tùm, đồi san sát như bát úp, nhà dân thưa thớt, không cách xa chân núi Tam Đảo là bao. Ngày ấy làng Thản Sơn ở thuộc xã Chiến Thắng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Lập Thạch vừa bị tàn quân Pháp thua trận ở Việt Bắc rút về qua đây, chúng đốt phá nhà cửa tan hoang. Đó đây ở Thản Sơn vẫn còn trơ những mảng tường, gốc cây loang lổ hằn những vết đạn thù, những cột nhà cháy xém, những đống tro tàn trên những nền nhà trống không (theo cuốn ”Lịch sử hoạt động cách mạng của nhân dân xã Liễn Sơn”).
Theo KTS Nguyễn Ngọc Chân kể chuyện với tôi thì chiều ngày 22-4, KTS Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp đến nơi. Mờ sáng hôm sau KTS Tạ Mỹ Duật và Võ Đức Diên đã có mặt. Ai cũng hỏi thăm KTS Nguyễn Nghi sao không đến? Thật là tiếc, một người nhiệt tình sốt sắng với Hội nghị là thế mà trước ngày họp thì bị ngã nước, sốt rét liên miên, không sao đi được. KTS Diên khoe: “Cả đêm qua được ngồi tựa mạn thuyền dọc dòng sông Thao ngắm trăng rõ sướng, không gì vui bằng”.(theo bài ” Hai sườn Tam Đảo” của Đoàn Phú Tứ đăng trong tạp chí” Văn nghệ” , số 3, tháng 6&7-1948, thì thời gian hạ tuần tháng 4-1948 dưới chân núi Tam Đảo ban ngày trời nắng, đêm có trăng sao, phù hợp với lời kể của KTS Nguyễn Ngọc Chân, KTS Nguyễn Cao Luyện và lời miêu tả của KTS Võ Đức Diên. Tuy nhiên trong bài” Nhớ ngày đầu thành lập” của KTS Nguyễn Ngọc Chân đăng trong tạp chí” Kiến trúc” nhân kỷ niệm 40 năm thành lập- Nguyễn Ngọc Chân kể, Đoàn Đức Thành chấp bút- có tình tiết ” Anh Khoa quyết định thời gian họp hội nghị Kiến trúc sư vào trung tuần tháng 4 năm 1948″, sau này tra lịch thế kỷ XX thì tôi thấy rằng thời gian này thuộc đầu tháng 3 âm lịch nên trăng non, trong khi lại miêu tả thời gian họp trăng sáng vằng vặc, có thể ông nhầm lẫn giưã âm lịch và dương lịch).
Chiều 23-4, Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, Thứ trưởng Lê Dung, Vụ trưởng Hoàn và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đến nơi. Người cuối cùng là KTS Phạm Quang Bình, đang ốm dở, người nhà đưa đến.Đêm hôm ấy, dưới ánh trăng rằm tháng ba năm Mậu Tý, chủ nhà trải mấy tấm chiếu ra chiếc sân rộng, trên có nồi nước chè xanh , rổ sắn luộc với mấy chiếc điếu cày, chủ và khách có dịp chuyện trò, hàn huyên tới khuya.
Sáng ngày 24-4-1948, khai mạc Hội nghị Kiến trúc sư toàn quốc. Đến dự với tám kiến trúc sư có lãnh đạo Bộ Giao thông Công chính, đại diện Ban Chấp hành lâm thời Hội Văn nghệ Việt Nam và chính quyền địa phương. Sau lễ chào cờ, Hội nghị đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ KTS Huỳnh Tấn Phát đã bị giặc bắt và ám hại ở Nam Bộ (5). Bộ trưởng Trần Đăng Khoa đọc diễn văn khai mạc và đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị Kiến trúc sư. Trong mấy ngày làm việc, các kiến trúc sư đã thảo luận và nghiên cứu lời dạy của Bác trong thư gửi giới nghề. Coi đó là ngọn đuốc soi đường cho kiến trúc sư vươn lên phục vụ đất nước. Các kiến trúc sư thảo luận tài liệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh và bàn kỹ về khẩu hiệu: “Khoa học hoá, Đại chúng hoá, Dân tộc hoá”. Đồng thời thảo luận kế hoạch và chương trình làm việc của các phòng kiến trúc ở các liên khu vừa được Bộ thành lập.
Các phòng kiến trúc phụ trách hai việc chính là:
- Nghiên cứu và thiết lập kiến trúc để kiến thiết thôn quê và thành thị.
- Tìm phương hướng để thực hiện dần dần công cuộc cải thiện đời sống nhân dân, về phương diện kiến trúc trong khắp thôn quê.
Sáng ngày 27-4-1948, Hội nghị chính thức thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam. Ra mắt BCH đầu tiên gồm ba kiến trúc sư, Tổng Thư ký: Hoàng Như Tiếp (liên khu I), Phó Tổng Thư ký: Trần Hữu Tiềm (liên khu III), Uỷ viên: Tạ Mỹ Duật (liên khu X).
Sau ngày hoà bình lập lại, ở miền Bắc, 16 kiến trúc sư từ chiến khu trở về tiếp quản Nha Kiến trúc của chế độ cũ ở Hà Nội. Trong Thành chỉ còn lại 4 kiến trúc sư: Nguyễn Xuân Phương, Đoàn Ngọ, Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Ngọc Diệm. Với 20 kiến trúc sư đã đoàn kết một lòng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.
Theo lời kể của KTS Nguyễn Cao Luyện năm 1984, thì đầu năm 1957 một số kiến trúc sư có bàn về tổ chức Hội nghị Kiến trúc sư lần thứ II, KTS Nguyễn Cao Luyện đề xuất họp vào ngày 26, 27-4-1957, đúng ngày sinh nhật tròn 9 năm sau Hội nghị Thản Sơn, đây là ý kiến hay, được đồng tình và thực hiện.
Một nguồn đáng tin cậy nữa là trong Thư viện Quốc gia còn lưu trữ tạp chí “Văn nghệ”, số 3, tháng 6&7 năm 1948, phần ” Tin văn hoá” có một đoạn như sau:
“Chính phủ đã đặt ở nhiều Liên khu những phòng Kiến trúc do sự cộng tác của đoàn Kiến trúc sư Việt Nam.
Bộ Giao thông-Công chính cùng hội nghị Kiến trúc sư toàn quốc họp những ngày 21, 27 tháng 4 năm 1948, đã thảo luận kế hoạch và chương trình làm việc.
Các phòng kiến trúc ấy phụ trách những việc sau này:
1. Nghiên cứu và thiết lập những đề án kiến trúc để kiến thiết thôn quê và thành thị.
2. Tìm phương kế để thực hiện dần công cuộc cải thiện đời sống nhân dân,về phương diện kiến trúc trong khắp thôn quê”.
Những tư liệu trên đây là đáng tin cậy để khẳng định ngày 27-4-1948 là ngày thành lập đoàn Kiến trúc sư Việt Nam tức hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay, lấy ngày này là ngày truyền thống của hội Kiến trúc sư Việt Nam là phù hợp./.
—————————
(1) Báo cáo 10 năm hoạt động tại hội nghị Kiến trúc sư toàn quốc lần thứ II
(1) Báo cáo 10 năm hoạt động tại hội nghị Kiến trúc sư toàn quốc lần thứ II
(2) Bút danh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode