Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Hội thảo “Vai trò của kiến trúc sư trong ĐTH ở PY”

Tiếp theo các hoạt động Đại hội Kiến trúc sư Phú Yên (tháng 7-2005) và Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam (tháng 8/2005); ngày 17-12-2005, hội Kiến trúc sư Phú Yên đã tổ chức hội thảo “Vai trò của kiến trúc sư trong công cuộc đô thị hóa  phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa ở tỉnh Phú Yên”. Tham dự Hội thảo có đại diện Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, UB Mặt trận Tổ quốc VN Tỉnh; lãnh đạo và đại diện các sở: Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư, Văn hóa-Thông tin, Tài nguyên-Môi trường…; đại diện các hội LH Khoa học-Kỹ thuật và hội Văn học-Nghệ thuật… cùng đông đảo các kiến trúc sư đang hoạt động ở tỉnh Phú Yên.
            Qua lời Đề dẫn, tham luận của các kiến trúc sư và ý kiến phát biểu của các đại biểu, đã toát lên, rõ hơn về vai trò của kiến trúc sư mà lâu nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã dẫn tới sự “quên” đi chức năng xã hội của kiến trúc sư. Các ý kiến tại Hội thảo đã nhận định tập trung:
- Đô thị hóa vừa là hệ quả, cũng vừa là điều kiện cần của quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Quy hoạch-kiến trúc là một trong những công cụ quản lý đô thị hóa. Không thể quản lý quy hoạch-kiến trúc đô thị mà lại không có vai trò của kiến trúc sư ở mọi vị trí trong guồng máy;
- Với năng lực tri thức cao, khái quát, tổng hợp về nghệ thuật và kỹ thuật, nên thực tế, kiến trúc sư còn có khả năng tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội: tư vấn sáng tác, quản lý Nhà nước, hoạt động sự nghiệp-xã hội; cụ thể, ở các ngành: xây dựng, văn hóa, kế hoạch, địa chính, chính quyền đô thị với các cương vị có thẩm quyền hoặc trợ lý, cố vấn, chuyên gia…
- Thông thường sau khi tốt nghiệp, phải trung bình 5 năm hoạt động thiết kế cho kiến trúc sư công trình, kiến trúc sư quy hoạch thì thời gian còn dài hơn mới có khả năng đảm trách chức năng chủ nhiệm, chủ trì đồ án hoặc làm quản lý Nhà nước. Phải có quy chế thi phương án kiến trúc công khai, minh bạch để các kiến trúc sư trẻ có thể tham gia thiết kế, hòa nhập nhanh với đời sống đa dạng, phong phú;
- Kiến trúc sư phải có tâm-tầm để phổ cập nâng cao dân trí và “quan trí” và để có thể là lực lượng chủ đạo cho việc xã hội hóa công tác quy hoạh-kiến trúc;
- Bản thân kiến trúc sư phải “soi gương”, tự điều chỉnh, rèn luyện, nâng cao trình độ bản lĩnh của mình để đáp ứng vai trò sứ mệnh tạo dựng không gian sống bền vững muôn đời mai sau. Mặt khác, xã hội và đặc biệt là các cấp thẩm quyền phải nhìn nhận và hành xử đúng khi quản lý quy hoạch-kiến trúc phải sử dụng đúng chức năng kiến trúc sư.
BCH hội Kiến trúc sư Phú Yên sẽ gửi bản nhận định của Hội thảo đến các cơ quan chức năng và lãnh đạo có thẩm quyền ở Tỉnh.
Hội thảo cũng được nghe báo cáo quá trình Đại hội cơ sở và kết quả Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ VII.
Hoa Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode