Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

KHAI THÁC BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG

không gian dân cư ven thành phố Tuy Hòa
bài của Hoa Anh
Đô thị hóa ở tỉnh Phú Yên đang phát triển nhanh, nhưng phần nhiều chưa kiểm soát được. Có khi, vì chính những động thái quên mất bản sắc truyền thống của không gian dân cư ở ven đô thị làm cho giải pháp quy hoạch xây dựng máy móc, chiết trung, thậm chí cưỡng bức... trở thành “động lực” xấu cho đô thị hóa tự phát.
Trong hai Dự án: Quy hoạch xây dựng tổng thể Tp.Tuy HòaQuy hoạch phát triển du lịch vùng đô thị Tuy Hòa, thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc) được định hướng là làng hoa và thôn Phước Hậu (nay thuộc phường Chín) được định hướng là làng sinh vật cảnh. Nếu được đầu tư thực sự theo định hướng trên, thì Tp.Tuy Hòa trở nên bản sắc nhờ sự đặc thù, độc đáo của hai không gian truyền thống đó. Thế nhưng, nếu không có những giải pháp khả thi thì quy hoạch chỉ là trên giấy, thậm chí còn gây tác hại khôn lường.
Không gian đô thị nói chung, về mặt diên cách, gồm: không gian đô thị hiện có, vốn lộn xộn, tự phát; không gian đô thị mới, thường được nghiên cứu theo “lý thuyết cơ cấu” bài bản vốn hay bị “treo” do không đồng bộ hoặc không khả thi về đầu tư hoặc bị “quy đồng mẫu mã” làm cho đô thị nào cũng giống đô thị nào, đô thị miền biển cũng giống đô thị miền núi, cấp lỵ cũng giống thị tứ…; và không gian dân cư ven đô thịbài viết này đề cập, vốn rất bản sắc nếu được khai thác tính truyền thống sẵn có khi chỉnh trang, tiện nghi hóa hạ tầng, nhưng lại thường bị đô thị hóa “cưỡng bức”.

Không gian dân cư truyền thống

Truyền thống về tính cộng đồng của người Việt thể hiện ở những quan hệ: làng xóm, họ tộc, gia tộc…, ở nhiều phương diện: quan hệ tình cảm huyết tộc, quan hệ trong sản xuất, buôn bán và trong mọi mặt sinh hoạt... Trong làng xóm truyền thống, tính cộng đồng thể hiện trong bố cục mặt bằng kiến trúc khuôn viên chòm xóm, phù hợp đặc điểm sinh hoạt. Không gian dân cư truyền thống gồm không gian làng xómkhông gian khuôn viên-nhà ở, bao giờ cũng là không gian mở. Không gian làng xóm thường hình thành tự phát, có hình thể tự nhiên, đường đi to nhỏ, ngoằn ngoèo... Đành rằng “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”, nhưng do nhiều yếu tố, mỗi căn nhà xoay đủ hướng, tạo nên sự “gần nhà, xa ngõ”; nhưng khuôn viên mỗi nhà thì vẫn được phân định rõ bằng rào, xây gạch hoặc cây xanh. Thông thường, nhà của mỗi thành viên từng thế hệ họ tộc ở quây quần, tụ họp do được chia đất khi tách hộ “ra ở riêng”, hình thành thức “tam đại đồng viên”. Khuôn viên nhà này tiếp giáp khuôn viên nhà kia, tiếp nối nhau bởi lũy tre, vườn cây trái... í ới gọi nhau buổi cày cấy. Không gian khuôn viên-nhà ở truyền thống ở miền Nam Trung bộ, phổ biến là nhà trệt, ba hoặc năm gian, hai chái. Phía trước nhà là hiên rộng, được ngăn cách với sân bằng những tấm “dại” che nắng-mưa. Hiên - sân - vườn đều là những khoảng không gian nửa riêng, nửa chung, là những không gian mang tính cộng đồng cao, là gạch nối mỗi cộng đồng gia đình với thiên nhiên và cộng đồng xóm giềng. Hiên là không gian chuyển tiếp giữa trong nhà và ngoài trời, sinh hoạt cho bữa ăn gia đình, vào ngày hanh nắng. Sân là không gian kết nối ngôi nhà và vườn tược, ngày mùa thì phơi thóc lúa, khi có việc hệ trọng thì che bắc rạp cho bà con chòm xóm đến tham dự. Đây là không gian cho tình cảm cộng đồng gia tộc nảy nở, của những chiều chiều và đêm trăng thanh, gió mát... Vườn là không gian tiếp nối xóm giềng và là nguồn thu nhập kinh tế nhà nông đáng kể.
Tính cộng đồng - và kết quả tất yếu là sự cộng cảm giữa các thế hệ - là một trong những đặc tính quý báu của dân tộc, giúp cho mỗi cá nhân có thể hoàn thiện nhân cách, tự tin vượt qua những khó khăn của cuộc sống được bắt nguồn như thế, từ những không gian truyền thống: hiên, sân, vườn…
Sự biến đổi không gian dân cư từ ven đô trở thành phố thị
Không gian dân cư ven đô không gian dân cư truyền thống nhưng có vị trí ven các đô thị, tuy có bị tác động của đô thị hóa tự phát nhưng diện mạo, hình thái cảnh quan mang đậm đặc điểm thôn quê. Nó có đặc điểm chung là những đơn vị dân cư nông thôn lâu đời, có quan hệ họ tộc, phong tục, tập quán rất rõ nét; nhiều nơi có truyền thống lịch sử, văn hiến... Nghề nghiệp dân cư chính vẫn là nông nghiệp, một số ít có vị trí ở chợ thì kinh doanh dịch vụ nhỏ. Do sự tăng dân số tự nhiên và chịu tác động ảnh hưởng của sự đô thị hóa tự phát, dân cư xây dựng nhà ở làm tăng mật độ cư trú với rất nhiều kiểu thức nhưng đa số vẫn là kiểu kiến trúc thôn quê gắn với khuôn viên định hình lâu đời.
Do nhu cầu dự trữ không gian phát triển lãnh thổ đô thị và tạo vùng cung cấp rau xanh, hoa lá cho đô thị, một số không gian dân cư ven đô được quy hoạch là vanh đai đô thị và quá trình thời gian được chuyển thành điểm dân cư nội thị. Như ở Phú Yên ta, một phần diện tích các thôn Phước Hậu, Ninh Tịnh, Liên Trì của Bình Kiến đã được chuyển thành phường Chín, thành phố Tuy Hòa. Một mai kia, phường nội thị cũng sẽ phát triển thêm ra các thôn Phú Vang (xã Bình Kiến), lên Minh Đức (xã Hòa Kiến), vào Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc)… một số thôn của xã An Thạch được đưa vào thị trấn Chí Thạnh, một số thôn ngoại vi được đưa vào nội thị trấn La Hai... và một số nơi trong tỉnh đang được nghiên cứu lập Đồ án quy hoạch xây dựng theo mô thức đô thị như Hòa Định Đông, Phú Thứ, Hòa Vinh…
Nhiều năm qua, tin lan truyền việc sẽ biến đổi một số không gian dân cư ven đô - gọi là xã-thôn - thành điểm dân cư phố thị – gọi là phường, thị trấn - đã làm cho đời sống xã hội ở những nơi đây náo nhiệt lên. Cơn sốt đất ở đô thị chưa “hạ nhiệt” thì vùng ven đô lại bị chèo kéo theo, “nóng” lên. Dân đô thị làm ăn phát đạt, giàu có muốn tránh nơi phố thị ồn ào, bụi bặm thường kiếm mua đất thật rộng, xây biệt thự với khuôn viên thoáng đãng. Người dân quê ven đô lâu nay sống thuần nông, vốn nghèo khó dai dẳng, nay muốn “đổi đời” bèn chia lô, bán đất và xây nhà lô-mặt tiền! Diện mạo không gian dân cư truyền thống ven đô trở nên nhuôm nham, nhếch nhác, lai căng... Người viết đã mục thị ở thôn Phước Hậu, một ngôi từ đường ba gian hai chái truyền thống với khuôn viên rợp bóng tre xanh, bị đập bỏ, chặt trụi tre, rồi thì chia lô bán và xây một nhà từ đường mới với kiểu lô-ống, mặt tiền ốp gạch ceramic bóng loáng, cửa sắt kéo (?)
Tìm hiểu, mới ra nhẽ… Chính quyền cho lập quy hoạch xây dựng thôn Phước Hậu. Nơi đây là điểm dân cư lâu đời, quan hệ họ tộc rõ nét, có nhiều sự kiện lịch sử lớn của tỉnh Phú Yên diễn ra. Nghề nghiệp dân cư chính là nông nghiệp và trồng hoa, chăm sóc cây cảnh; địa hình chênh lệch lớn về cao độ, địa mạo chủ yếu là nền đất cát, diện mạo hình thái cảnh quan nhà cửa mang đậm đặc điểm kiểu thôn quê, có khuôn viên định hình, ổn định. Vậy mà, giải pháp quy hoạch xây dựng ở đây lại là san ủi bằng phẳng toàn bộ mặt bằng thôn, dùng mạng lưới giao thông ô cờ để phân lô, định lượng lại diện tích đất cho mỗi hộ, tạo nhà ống... (?). Được biết, hội Kiến trúc sư Tỉnh đã lên tiếng, rằng: giải pháp quy hoạch trên “sẽ dẫn đến việc không khả thi về giải toả, phóng tuyến mới, về quản lý xây dựng, về khả năng đầu tư; làm xáo trộn diện mạo, khó hình thành, hoàn chỉnh cảnh quan; gây tâm lý bất an trong dân cư về giải toả, điều chỉnh khuôn viên”. Nhưng, không một “ai” trả lời và Đồ án vẫn được tồn tại (?!) để rồi “treo” và tạo thêm khoảng trống định hướng quy hoạch-kiến trúc và đặc biệt tạo ra những “chấn động tâm lý” cho người dân sở tại mơ về một cuộc đổi đời nhờ “chia lô-bán đất”. Làng hoa Ngọc Lãng, cũng đang tương tự tình trạng tự phát đô thị hóa, người dân tự quy hoạch, chia lô… Có thể, nhiều nơi khác trong Tỉnh đang được nghiên cứu lập Đồ án quy hoạch xây dựng theo mô thức đô thị, cũng như vậy ?
Đi tìm giải pháp cho không gian dân cư ven đô
Ngày nay, tính cộng đồng truyền thống dường như đang phải đối mặt với nhiều thử thách, mức độ cộng cảm giữa các thế hệ xã hội trong tầng lớp thị dân đang ngày càng trở nên mong manh và bộ mặt đô thị mới đã chưa được ngăn nắp, thẩm mỹ thì cảnh quan không gian ven đô lại bị phá vỡ nét truyền thống, lai căng. Những người được quy định trách nhiệm, nhưng lại thiếu nó, thường đổ cho cơ chế thị trường, v.v... Nhưng, không có mấy người biết rằng, đôi khi sai lầm lại bắt đầu từ chính sự lựa chọn giải pháp quy hoạch-kiến trúc.
“Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có mục tiêu là “Nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, hiện đại, có bản sắc; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá kiến trúc truyền thống và bản sắc dân tộc của kiến trúc nước nhà; đổi mới môi trường văn hoá kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng”. Đặc biệt, đối với các làng xã có liên quan, ảnh hưởng với cơ cấu quy hoạch chung đô thị (tức là không gian dân cư truyền thống vị trí ở ven các đô thị), Định hướng chỉ rõ: “Phát triển kiến trúc phải được dựa trên sự tham gia của dân cư và cộng đồng; lưu ý giữ lại những di sản kiến trúc, thiên nhiên của làng xã; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hoá kết cấu hạ tầng”. Tất cả những định hướng quan trọng đó, do không biết hay cố tình bỏ qua, không được “ai” áp dụng vào quá trình lập, thẩm duyệt ở Đồ án quy hoạch xây dựng Phước Hậu và các không gian truyền thống khác ven Tp.Tuy Hòa và các đô thị khác trong tỉnh.
Bản chất của quy hoạch-kiến trúc là phản ánh rõ nét đặc điểm kinh tế-xã hội của thời đại tạo ra sản phẩm và chúng ta cũng không đi theo khuynh hướng lệch lạc “hoài cố”. Nhưng, để tạo ra được những sản phẩm quy hoạch-kiến trúc có bản sắc của mỗi vùng văn hóa, phù hợp với truyền thống gắn bó cộng đồng, tại sao người ta lại không hề biết đến truyền thống gắn bó cộng đồng và những kinh nghiệm trong lập ấp, cất nhà của cha ông ? và “Định hướng Kiến trúc Việt Nam…” kia, há chăng chỉ để dành cho người dân chứ không phải cho các nhà quy hoạch-kiến trúc hay quản lý đô thị ?
Sự phát triển của kiến trúc đô thị là tất yếu. Việc lựa chọn các tiện ích hiện đại chất lượng cao trong sinh hoạt cũng là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, phải có một cách nhìn theo chiều nhân văn. Các Dự án Quy hoạch xây dựng tổng thể Tp.Tuy Hòa và Quy hoạch phát triển du lịch vùng đô thị Tuy Hòa đã định hướng cho một tầm nhìn, để tạo dựng một không gian bền vững, hiện đại, có bản sắc… Nhưng có khi, vì chính những động thái quên mất bản sắc truyền thống của không gian dân cư ở ven đô thị làm cho giải pháp quy hoạch xây dựng máy móc, chiết trung, thậm chí cưỡng bức... trở thành “động lực” xấu cho đô thị hóa tự phát.
 Chúng ta luôn cần một không gian có tính cộng đồng và sự cộng cảm. Nên nhớ rằng, không gian dân cư không chỉ phải vừa thuận lợi cho cư trú mà phải vừa cả tạo cảm xúc, lại có khả năng liên kết không phải chỉ giữa các thành viên gia đình mà còn phải cả cộng đồng xóm giềng. Và đừng quên, trách nhiệm của các nhà quy hoạch-kiến trúc, các nhà quản lý đô thị hoạch định cho tương lai, không chỉ phải bảo tồn di sản bản sắc cho hôm nay, mà phải còn cho muôn đời sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode