Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Cóp nhặt... chuyện nghề quy hoạch kiến trúc

bài của Khánh Nguyên - phóng viên tạp san Quy hoạch- Kiến trúc Phú Yên
Cũng như bao nghề khác, làm nghề quy hoạch-kiến trúc cũng có những chuyện không “chính tắc”. Xin cóp nhặt để cùng chiêm nghiệm.
- Vào những năm của thập kỷ 80 ở thế kỷ trước, yêu cầu quy hoạch xây dựng được đặt ra bức xúc. Một bậc cây cao bóng cả của “làng quy hoạch” đúc kết thành quả quy hoạch đô thị của những năm chiến tranh và bao cấp, rằng: sau một thời gian vừa làm quy hoạch, vừa học, vừa tìm tòi, các nội dung, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chỉ đạt khoảng 30-40%, đạt cao hơn cả là dân số, sau đó là tổng diện tích đất đai, về hướng phát triển không gian thì có nơi được, có nơi phải điều chỉnh nhiều lần, về các chỉ tiêu tiện nghi kết cấu hạ tầng, nhà ở... đạt rất thấp, có “chỉ tiêu” không đặt ra nhưng lại vượt mức là xây dựng cơi nới, lấn chiếm trái phép... Ấy thế mà lóm nghe đâu được con số 30-40% đó, người làm quy hoạch lại đặt ra chỉ tiêu cứ như là nguyên lý, rằng phấn đấu để làm sao khi nghiên cứu lập đồ án quy hoạch đạt được(?). Nếu thế, với kinh nghiệm và công nghệ tương đương thì “nó” sẽ có thể chỉ còn đạt 9-16%!
- Để nghiên cứu lập các đồ án khác nhau-có nghĩa là phải giải quyết các vấn đề mục tiêu khác nhau, người ta đặt ra các đầu bài, gọi là “nhiệm vụ thiết kế”. Thế mà quá nhiều đồ án lại có chung chỉ một “đề bài”, với cái gọi là “đề cương nghiên cứu” rất sơ lược, có lẽ chỉ khác nhau về địa danh, quy mô và mức kinh phí. Các “đề bài” đó lại chẳng phải do các thầy có chuyên môn, kinh nghiệm chấp bút, thẩm định... Từ đó, các đô thị, khu dân cư, thôn xóm được mọc lên ở các nơi nhưng đều được “quy đồng” về cùng một kiểu thức, dáng dấp, chẳng tìm thấy được cái gì gọi là bản sắc cả?  
- Có đồ án, dự án quy hoạch-kiến trúc, khi trình bày để thông qua, tác giả, chủ đầu tư, cả cơ quan thẩm định, cứ kêu lên rằng: đồ án, dự án này, đã được nghiên cứu (3-4-5-6-7-...) phương án, đã họp rất nhiều lần với rất nhiều thành phần, thông qua đi thôi. Quả là có thế thật! Nhưng có điều, chả ai kêu lên hộ rằng: Nghiên cứu chưa “tới”, họp nhiều lần mà chưa tập trung “ra vấn đề”, lại đẻ thêm vấn đề mới...! Và rồi, chỉ nhờ cái sự “nhiều lần” đó, mà đồ án, dự án được thông qua để... chẳng bao lâu sau, điều chỉnh, bổ sung... về cơ bản!
            - Tính nhất quán, chính xác là những yêu cầu bắt buộc của mọi lĩnh vực khoa học. Quy hoạch-Kiến trúc cũng là một ngành khoa học. Thế nhưng nhiều sản phẩm đồ án, dự án quy hoạch-kiến trúc lại sai lệch đến khó hiểu: sai lệch giữa ý tưởng bằng lời trình bày và bản vẽ thể hiện, giữa bản vẽ này với bản vẽ khác, giữa thuyết minh với bản vẽ..., thậm chí sai lệch cả bản vẽ hiện trạng và thực địa, giữa trình bày của tác giả với thuyết trình của người thẩm định?
- Tư vấn cho cấp thẩm quyền về các sản phẩm đồ án, dự án quy hoạch-kiến trúc phải là người có chuyên môn sâu, phải công tâm. Rất tiếc, lại có rất ít những người “đọc” được bản vẽ. Có cả những ý kiến của tầm cỡ “chuyên gia”, đánh giá một phương án quy hoạch-kiến trúc S nào đó là “không đáng quan tâm”(?); nhưng rồi chính phương án đó lại được Hội đồng chấm điểm cao nhất. Cũng vậy, thay vì phải phân tích, đánh giá, đặt yêu cầu làm rõ những vấn đề còn bất cập trong hồ sơ, thì đằng này lại hầu hết là thuyết trình, biện minh giùm tác giả, nhiều khi lại “bảo hoàng hơn vua”?
- Một ước lệ hành chính là sau 5 năm một lần, sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng. Nhưng, điều đó chỉ nhằm bảo đảm cho đồ án, dự án quy hoạch xây dựng được cập nhật phù hợp với chu niên kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chứ không phải là chỉ cần đạt mức độ chính xác trong phạm vi thời gian 5 năm. Mặc dù, “quy hoạch là công tác có mở đầu nhưng không có kết thúc”, nhưng mới bắt đầu nghiên cứu đồ án, dự án mà đã tâm niệm để 5 năm sau điều chỉnh, bổ sung, thì làm sao đạt hiệu quả, khả thi? Đồ án, dự án quy hoạch xây dựng phải sớm lắm là 5 năm mới hé lộ “thước vàng, khuôn ngọc”, nên càng dự báo chính xác, càng thuyết phục, bền vững.  
- Người ta vẫn tự trào rằng, các nhà quy hoạch là những “nhà không tưởng” (mượn khái niệm “chủ nghĩa Xã hội không tưởng” trong triết học) và các bản vẽ quy hoạch như là những tác phẩm hội hoạ theo trường phái lập thể. Bởi lẽ, những năm trước đây, giữa ý tưởng thiết kế và khả năng đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh là một khoảng cách lớn, chưa kể là có những “ý tưởng” vượt xa năng lực kinh tế-kỹ thuật đương thời. Lại nữa, bản vẽ quy hoạch thường được sử dụng khá nhiều mầu sắc với những hình học khác nhau, và nếu không được học chuyên môn, bài bản thì chẳng thể hình dung ra nó là cái chi chi, y như một bức tranh của Pi-cát-xô!
- Những năm qua, bà con ta nghe, nói nhiều hai từ quy hoạch và cũng rất lo sợ khi nó liên quan đến tính an cư của mình, bởi các giải pháp trong các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng kiểu tư duy “mỳ chén liền” làm cho từ quy hoạch bị gần như đồng nghĩa với các từ: giải toả-phân lô. Gần đây, một thuật ngữ mới được phát sinh: “công nghệ thiết kế”. Sự ra đời của nó, nói đến một yêu cầu phải được ý thức, nhìn nhận một cách nghiêm túc và khoa học: phải đổi mới tư duy, công nghệ thiết kế cho phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
- Điều sơ đẳng nhất mà người kiến trúc sư phải nhận thức là tạo ra một sản phẩm Quy hoạch hay Công trình đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho Con Người. Vậy mà, nhiều sản phẩm được đưa ra lại chỉ là những con số, công thức vô cảm, những khối, hình học câu nệ, nhưng lô thửa máy móc, mà không một chút ý tưởng không gian đa chiều, chả có một tẻo teo “hồn quê, cảnh phố”. Nguyên lý và quy phạm quy định phòng học phải lấy ánh sáng hướng Bắc-Nam; vậy mà, cứ khăng khăng “dứt khoát” lấy ánh sáng hướng Đông-Tây; để khi sử dụng, thầy trò phải chịu cái nắng, nóng gắt mùa Hạ, tối, gió rét lạnh mùa Đông, chịu không được thì dán giấy báo?... cổng trường thì mở trực diện ra các con đường lớn, cả quốc lộ?     
- Quy hoạch làm nền tảng, cơ sở cho Công trình, ví như một bản tổng phổ cho dàn nhạc giao hưởng trong âm nhạc; từ chủ đề, giai điệu, tiết tấu... cần tới nhạc cụ, nhạc công, lại phải không thể thiếu nhạc trưởng. Mà nhạc trưởng, nhạc công thì phải biết nhạc(?), và cũng không thể không chuyên nghiệp mà lại được biên chế trong dàn nhạc. Điều tưởng là chân lý nhưng không phải đã đúng trong thực tế!
Và, chưa hết...
Thế mới biết, “bếp núc” của nghề quy hoạch-kiến trúc cũng đa sự chẳng kém gì chính bản thân “nó”!
tháng Tư-2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode