bài của Trần Hoài Nam (*)
Ngay từ ngày đầu mới thành lập (năm 1992), hội Kiến trúc sư Phú Yên đã tham gia hoạt động trong các tổ chức Hội đồng có chức năng tư vấn của Tỉnh: Đầu tư-xây dựng cơ bản, Quy hoạch-Kiến trúc, Nghệ thuật, Giải thưởng Kiến trúc, Giám khảo lựa chọn phương án Kiến trúc công trình... song song bên cạnh nhiệm vụ tổ chức trao đổi học thuật, động viên các kiến trúc sư trong công tác hành nghề sứ mệnh.
Các Hội đồng trên hoạt động với chức năng tư vấn cho cấp có thẩm quyền (chủ yếu là UBND Tỉnh) xem xét, quyết định các vấn đề tương ứng. Tại các phiên làm việc của các Hội đồng đó, thành viên hội Kiến trúc sư Phú Yên cùng các thành viên khác, trình bày ý kiến, nêu: các thông tin, kiến thức chuyên môn, so sánh, cân nhắc, đánh giá các phương án, giải pháp được đề cập, tỏ thái độ, đề xuất, kiến nghị quan điểm của mình để Chủ tịch Hội đồng tập hợp, trình cơ quan, cấp thẩm quyền xem xét.
Nhìn lại quá trình hoạt động tham gia các tổ chức trên, hội Kiến trúc sư Phú Yên có thể tự hào về tinh thần trách nhiệm, thái độ minh bạch; bằng hết khả năng chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, trung thực khoa học; triệt để, chặt chẽ về lý thuyết, học thuật, uyển chuyển, mềm dẻo trong triển khai, hành động trước các vấn đề quan trọng liên quan đến kiến trúc xây dựng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều ý kiến của hội Kiến trúc sư Phú Yên đã được cơ quan chuyên môn và cấp thẩm quyền ghi nhận, lựa chọn và thời gian, thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn của các ý kiến đó.
Đối chiếu với nội dung hoạt động tư vấn, phản biện được quy định trong Quyết định 22/ ngày 30-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ, thực chất của việc tham gia hoạt động trong các Hội đồng đó, là hoạt động có tính tư vấn, phản biện xã hội trong một tập thể chuyên môn rộng. Có thể nói, hội Kiến trúc sư Phú Yên là một tổ chức đoàn thể xã hội nghề nghiệp ở tỉnh Phú Yên, đầu tiên và liên tục đến nay, tham gia hoạt động tư vấn, phản biện.
Hội Kiến trúc sư Phú Yên coi sự tham gia của mình trong các tổ chức Hội đồng là hoạt động xã hội thiết thực theo tôn chỉ mục đích của hội Kiến trúc sư Việt Nam , Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật. Các kiến trúc sư Phú Yên nói chung, tuy hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhưng yêu nghề, thường xuyên trau dồi, bồi bổ, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn; khi được tham gia trong các cuộc thi phương án Kiến trúc với các cương vị, nhất là tư vấn giám khảo, đều biểu hiện thái độ trách nhiệm và công tâm. Bên cạnh những việc đã làm được, cũng còn những bất cập, khiếm khuyết. Hoạt động tư vấn, phản biện trong tập thể chuyên môn rộng(Hội đồng) thường không chủ động về tài liệu, hồ sơ, thời gian hội họp, chất lượng nghiên cứu; ý kiến chuyên môn riêng biệt nhoà lẫn trong “kết luận” của Hội đồng; mặc dù, trong khoa học và chuyên môn, đa số không hẳn là chân lý. Có khi, ý kiến thuần tuý chuyên môn trở thành đơn độc, thậm chí bị bóp méo vì trình độ chuyên môn sâu không đồng đều hoặc có những ẩn ý khác! Nêu ra như vậy, không phải là không cần thiết đến vai trò tư vấn của các Hội đồng, mà chính là cần cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng, nâng cao chất lượng, giải quyết chiều sâu chuyên môn có tính khoa học khách quan.
Thời gian tới, thực hiện Quyết định 22/ của Thủ tướng Chính phủ “Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam”, các thành viên hội Kiến trúc sư Phú Yên, cũng là thành viên Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật, trước hết cần nhận thức sâu sắc hình thức hoạt động này là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu của một tổ chức chính trị-nghề nghiệp góp phần đưa trí tuệ chuyên môn vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhưng không phải là hành nghề sinh lợi. Một mặt, tiếp tục nâng cao, cập nhật trình độ kiến thức để hoạt động hành nghề, đáp ứng yêu cầu quy hoạch xây dựng kiến trúc ngày càng phát triển; mặt khác, phải nắm vững các quy định về chức năng, nhiệm vụ, hình thức thực hiện tư vấn phản biện để bảo đảm tính khoa học chặt chẽ, tính pháp lý cao. Vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thành viên tham gia trong các tổ chức Hội đồng tư vấn chuyên môn với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, vừa chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm nhiệm với vai trò độc lập và triển khai thêm hoạt động giám định xã hội. Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định với mọi vai trò đều phải với thái độ khoa học, khách quan, trung thực, chân thành, hợp tác, theo mục tiêu vì sự nghiệp Kiến trúc, vì lợi ích chung phát triển kinh tế xã hội Phú Yên.
Tuy tư vấn, phản biện, giám định xã hội không phải là hoạt động hành nghề sinh lợi; song không phải không có những ngõ lối cho những động cơ vụ lợi, phi khoa học khai thác, lợi dụng. Hội viên hội Kiến trúc sư Phú Yên luôn cảnh giác, trước hết với chính mình, tiếp tục phát huy thái độ minh bạch, khách quan vừa qua trong hoạt động này.
(*) Chủ tịch hội Kiến trúc sư Phú Yên.
-------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: Theo Quyết định 22/, các nội dung cụ thể là:
Tư vấn: là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề án.
Phản biện: là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.
Giám định xã hội: là hoạt động theo dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.
em đang học kiến trúc o đại học kiến trúc thành phố hồ chí minh không biết khả năng về phú yên tìm được việt làm kiến trúc sư ở phú yên không
Trả lờiXóa