Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Chợ...

Haukhaoco *
Chợ xưa là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa của một khu vực nhất định, thường là chợ “làng”. Nông thôn miền Bắc xưa kia, chợ làng họp nơi bến sông hay đầu làng – ranh giới giữa “nơi ở” khép kín trong lũy tre làng với cánh đồng liền khỏanh của các làng liền kề nhau. Chợ họp trên bãi đất tương đối rộng, bằng phẳng, có cây đa hay cây gạo lớn tỏa bóng mát. Hàng ngày họp chợ từ sáng sớm đến khi mặt trời cao hơn con sào là tan chợ. Chỉ có vài hàng quán như hàng nước chè, hàng xén, hàng lò rèn… còn lại là buôn gánh bán bưng. Hàng hóa chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, người bán người mua đều quen biết. Thuận mua vừa bán ít khi nói thách mặc cả, có khi còn mua chịu bán thiếu… Có làng chợ họp tháng dăm ba phiên. Vào ngày phiên chợ tấp nập, hàng hóa phong phú hơn, người các làng khác cũng đến mua bán trao đổi…
Ở Nam bộ, sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ thường họp nơi bến sông, ngã ba ngã tư kênh rạch gặp nhau hay có đường bộ cắt ngang. Ngày hai lần nước lớn nước ròng, nơi giáp nước ghe xuồng cắm sào neo đậu chờ con nước để đi tiếp nên thành chợ trên sông hay trên bến dưới thuyền. Dần dần trên bờ hình thành các thị tứ với tiệm cà phê, chạp pô, tiệm vàng, tiệm gạo, rau trái… Chợ cũng họp hàng ngày rồi theo phiên. Có khi ngày phiên theo con nước cho tiện ghe xuồng lui tới.
Quan sát chợ xưa có thể nhận biết nhiều điều về “đất nước, con người” vùng quê ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô… Đi chợ là nhu cầu không chỉ/ không phải để mua bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội… Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… không chỉ để biết giá cả chất lượng hàng hóa mà còn có thể biết được tính tình, thái độ của người bán kẻ mua. Tên gọi của chợ - một lọai địa danh – là một yếu tố văn hóa, thường gắn liền với các đặc sản của làng/ vùng miền ấy. Bây giờ những tên chợ đậm chất dân dã đang mất dần...
Chợ nay. Muốn nói đến các siêu thị đang mọc ra nhan nhản khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Hình thức giống nhau, nội thất trang trí bày hàng giống nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang dấu ấn địa danh. Trong đó mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Quan hệ “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… vì người bán “vô hình” mà chỉ có người tính tiền (ở nước ngòai đã có siêu thị người mua tự tính tiền, tự quẹt thẻ trả tiền). Siêu thị - chợ hiện đại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị: coi trọng tính cá nhân, đặt giá trị vật chất của hàng hóa lên trên quan hệ tình cảm trong mua bán. Tính chất văn hóa vùng miền (sản phẩm, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại. Tên gọi các chợ hiện đại - phần nhiều là tên nước ngòai - nghe... nhạt hóet, không mang chút ký ức văn hóa nào cả.
Chợ - ký ức của những con người được di truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ. Đi chợ với mẹ, mong mẹ đi chợ về... tuổi thơ của ai mà không có những ký ức đẹp như thế...
Lắm mợ chợ mới… đông
Trần Tú **
Ở  phường Cẩm Châu (Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam) của tôi có chợ tên gọi là chợ Bà Lê. Chợ Bà Lê hiện nay đông vui, tưng bừng không kém chợ chính của Tp.Hội An.Trước đây ngôi chợ là một khu mồ mả lộn xộn. Sau đó ông Nguyễn Hữu Phước - nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Cẩm Châu - đã điều xã viên đến cải táng đem lên nghĩa trang, để thành lập một sân bóng đá. Ai ngờ cầu thủ - toàn của HTX - đến đá bóng bị trặc chân quá nhiều khiến người mê tín cho là do oan hồn người chết bẻ gãy chân (!?).
Thế rồi khi cầu thủ ít đến đá bóng, có ba bà già mạnh dạn đến, một bà bán bánh kẹo, một bà bán rau, đậu và một bà bán cá bày bán ở một góc sân. Từ đó người ta đến mua bán ngày càng đông làm “sân bóng đá” bỗng nhiên trở thành một cái chợ. Thoạt đầu muốn hỏi đồ mua ở đâu thì câu trả lời thường là “gần nhà bà Lê”. Dần dần để ngắn gọn câu trả lời, người ta lược bỏ hai chữ “gần nhà”, rồi thay chữ “nhà” thành chữ “chợ”, riết rồi thành “ chợ Bà Lê”.
Ngày nay, chợ Bà Lê là cái tên không thay đổi được. Từ anh xe thồ đến tất cả người dân, ngay các cấp chính quyền đều thản nhiên và... hãnh diện gọi đây là chợ Bà Lê. Riêng tôi và ông Phước thắc mắc hết mực. Tôi nhiều lần gặp ông Phước, ông ấy tức giận đỏ mặt hỏi tôi: “Chợ Bà Lê! Bà Lê! Bà Lê!... Tại sao không gọi chợ ông Phước, người đã táo bạo quyết định dời mả để có được cái chợ!?”. Tôi muốn... an ủi ông Phước. Vì tôi sực nhớ lại hồi ở Đà Nẵng trước năm 1975, có mấy bà đến ngồi trên một khu mả bày cá ra bán, cảnh sát đuổi kiểu gì, mấy bà cũng lén lút vì người mua ngày càng đông. Cuối cùng không thể giải tỏa được, ông Thị trưởng Đà Nẵng lúc bấy giờ phải ra lệnh hốt mả (nguyên ngày xưa là một cồn cát) để lập chợ. Chợ có tên là chợ Cồn chứ không có tên chợ... ông thị trưởng! Còn ngày nay, chợ Cồn phát triển nhất Đà Nẵng.
Tôi viết bài này không nhằm nhắc lại cho vui, mà để lưu ý các nhà quy hoạch, xây dựng chợ quy mô hoành tráng mà chợ không đông, bỏ hoang phế. Do đó, khi xây dựng chợ phải tìm cách thử trước, coi nơi đó người ta có thích muốn đến chợ đông hay không.
------------------------------------------
(*) Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
(**) 336 Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam

1 nhận xét:

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode