Được tin GS-TS-KTS Hoàng Đạo Cung, vừa đột ngột qua đời hồi 04h48′ sáng 05-4-2012 (15-3/Nhâm Thìn) tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 68 tuổi; Kiến trúc sư Phú Yên xin thành kính gửi lời chia buồn sâu sắc đến tang quyến và thân hữu KTS Hoàng Đạo Cung.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Cung sinh năm 1944, tốt nghiệp văn bằng Kiến trúc sư tại đại học Xây dựng năm 1968, là Hội viên hội KTS VN năm 1979. GS-TS-KTS Hoàng Đạo Cung là con trai của Cụ Hoàng Đạo Thúy - một nhân sĩ và nhà văn hóa lớn, từng là sáng lập và thủ lĩnh của Hướng đạo sinh Đông Dương, là chính khách trong Chính phủ thời kỳ đầu của Việt Nam DCCH...
Sinh thời, GS-TS-KTS Hoàng Đạo Cung cũng là một nhà nhân văn; ngoài việc nghề kiến trúc, ông còn là tác giả của nhiều đầu sách và từng giữ một trang mục trên báo Lao động.
Để tưởng nhớ GS-TS-KTS Hoàng Đạo Cung, Kiến trúc sư Phú Yên xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
Ngõ hẻm và sự dị dạng của đô thị
Hà Nội ngày xưa là “kẻ chợ”. Đô thị hình thành từ những ô phố, “phường nghề” với bốn mặt là mặt tiền, nhà ống. Nhà ống là tế bào cơ sở của “đô thị kẻ chợ”. Một chút hoài niệm cùng bài viết của KTS Hoàng Đạo Cung.
Phía ngoài là cửa hàng, phía trong là xưởng, làm ra sản phẩm với quy mô sản xuất gia đình, đưa ngay ra ngoài để bán. Ở giữa có sân trong để lấy ánh sáng, lấy không khí và tạo một chút thiên nhiên thu nhỏ với cây cảnh, giả sơn, chậu cá vàng và ít giò lan. Nơi ấy có căn gác xép để ngủ, đọc sách và làm thơ. Nhà ống sâu tới dăm bảy chục, một trăm mét. Các đơn vị tế bào nhà ống cơ bản là xấp xỉ nhau, chênh nhau không nhiều lắm. Đến đoạn cuối là các nhà vệ sinh, nơi chăn nuôi vài con gà vịt… Lõi của ô phố thường là một cái ao, một cái hồ nhỏ, thậm chí một bãi hoang. Về sau, các hộ nghèo hơn ở lùi vào trong, thế là hình thành các ngõ.
Ngõ là “giải pháp tình huống”
Về cơ bản, cách cư trú trong các ngõ là “giải pháp tình huống”. Không đủ tiền sở hữu một nhà ống mặt tiền “như người ta”, họ mới phải ở ngõ với các điều kiện kinh tế kinh doanh, môi trường, ánh sáng, giao thông, vệ sinh kém thuận lợi hơn. Đối với cuộc sống, quy hoạch, quản lý, vận hành đô thị, ngõ không phải là một đồ án chính thống, không phải là một giải pháp lý tưởng, một sơ đồ mong muốn, ngõ chỉ là (xin nhắc lại) “giải pháp tình huống”, đã xuất hiện trong lịch sử hình thành đô thị.
Đã là giải pháp tình huống thì có nhiều điều thiệt thòi. Ở ngõ, mọi người chỉ được cái là quan hệ chòm xóm đầm ấm hơn ở mặt phố. Người đô thị tất cả đều có gốc nông thôn, quen và dễ chịu với quan hệ tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Ở ngõ, ai qua nhà ai cũng được, có việc thì cứ tự nhiên mà qua, không có việc gì cũng ghé qua chơi, chén trà, miếng trầu, câu chuyện bâng quơ.
Thế là hình thành nếp sống ngõ phố, mà có nhiều người ưa thích quá, tôn lên thành văn hóa ngõ phố và hết lời ca ngợi.
Tuy nhiên, suy tới những căn gốc, nghĩ một cách tỉnh táo và khách quan thì ngõ phố là một di sản của lịch sử để lại. Ngõ phố không được tốt lắm cho đô thị, nay ta thừa hưởng thì phải tìm cách duy tu và cải thiện thôi. Ngõ phố là những khó khăn của đô thị, trước hết là về môi trường, vệ sinh, sức khỏe, sau đó là hàng loạt vấn đề về giao thông, nhất là khó khăn cho việc phòng cháy, chữa cháy.
Tôi không có con số thống kê, nhưng lâu rồi, có đọc một tài liệu là Hà Nội có hơn 3.000 ngõ, TP.HCM có hơn 5.000 ngõ. Thật là khó khăn và nguy hiểm. Hỏa hoạn thường xảy ra trong các ngõ từ mấy nhà sản xuất có hóa chất, chất dễ cháy, và đã cháy là cháy cả ngõ vì xe cứu hỏa khó tiếp cận.
Cần ngăn chặn đô thị dị dạng
Cũng chính vì ngõ phố không phải là một sơ đồ đô thị thuận lợi nên làm quy hoạch mới, ai mà quy hoạch các ngõ hẻm. Vậy mà, ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố khác của ta vài chục năm nay tăng thêm vô số ngõ nhỏ. Các làng ven đô, vì là làng, mỗi người dân cũng có dăm bảy trăm, một vài ngàn mét vuông đất. Ở trong làng nên là đất thổ cư, đất thổ cư có giá, bà con bán một phần cho người khác làm nhà 3-4 tầng, mình nhận số tiền cũng làm nhà 3-4 tầng. Điều tệ hại nhất là các làng bỗng nhiên ken đầy nhà phố nhưng đường vẫn là đường làng, chỉ rộng vài ba mét, rất bế tắc về hạ tầng, giao thông, môi trường, nguy hiểm nhất là xe chữa cháy, xe cứu thương không thể tiếp cận được. Chính các ngõ phố tự phát đó đã làm tăng số ngõ phố lên nhiều lần.
Không ai lường trước rằng các làng ven đô sẽ tự phát đô thị hóa sao? Không ai tính trước làng nào phải bảo tồn (để bảo tồn một cách quyết liệt, với giải pháp thực tế, hữu hiệu), còn làng nào chấp nhận đô thị hóa? Đô thị hóa thì phải vạch thành đường phố, kẻ sơn, đóng mốc, hướng dẫn bà con làm nhà lùi vào, giải thích với bà con lùi vào mất đi vài chục mét vuông nhưng bà con sẽ không thiệt thòi gì. Thay vì có 120 m2 nhà ngõ hẹp, bà con sẽ có 100 m2 nhà mặt phố rộng, giá trị cao hơn nhiều lần.
Xin nói thẳng ra rằng về quản lý và chuyên môn, chúng ta đã bỏ qua chuyện này mất vài chục năm. Giờ này các khu vực “phố làng” đó đã rộng mênh mông, rộng lớn hơn cả đô thị vốn có nằm trong lõi. Nếu lấy bản đồ tô màu lên các làng đô thị hóa tự phát, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ngay. Đó là các vết bạch biến lớn làm méo mó đô thị, lộn xộn đô thị, nguy hiểm cho đô thị và cuộc sống đô thị. Và tôi không thể tưởng tượng được có một ngày nào ta khắc phục được những vết bạch biến đó vì đến bao giờ ta có cả trăm ngàn tỉ đồng đền bù mà đập đi cả trăm ngàn ngôi nhà 3-4 tầng để mở đường lại thành đường phố. Mà nếu ta có trăm ngàn tỉ đồng để đền rồi đập đi thì cũng là bỏ trăm ngàn tỉ đồng của xã hội, của đất nước vào… sọt rác.
Tôi nghĩ các nhà quản lý và các nhà chuyên môn chúng ta không thể chối cãi cái trách nhiệm to lớn của mình trước lịch sử kiến trúc, lịch sử phát triển đô thị.
Đó là việc đã rồi, rất đau, nhưng chắc phải bó tay.
Nhưng còn bao nhiêu làng lân cận ở vòng ngoài nữa, đang diễn biến rất nhanh quá trình giống như vậy. Có rút kinh nghiệm để ra tay cho sớm (mà cũng không còn sớm gì nữa) hay tiếp tục nhìn các vết bạch biến – đô thị dị dạng tiếp tục phát triển tràn lan rồi sau đó “bó tay”, “vô phương”? Mà ra tay thì cũng chỉ tốn tiền quy hoạch, cắm mốc và hướng dẫn, đã phải bỏ tiền ra đâu.
Ngay cả các khu đô thị mới, phát triển có quy hoạch và rất thành công về quy hoạch (như khu Mỹ Đình) thì vẫn lọt vào đô thị các làng quê cũ đang đô thị hóa tự phát để trở thành đô thị dị dạng. Đơn giản chỉ vì các chủ đầu tư chỉ chọn đất ruộng để đền bù cho rẻ (nguyên lý biến đất ruộng thành đất nền). Không ai chịu lập dự án trùm vào các làng, sợ đền bù thổ cư giá cao, chịu không nổi. Và các làng đó đang đô thị hóa tự phát thành đô thị dị dạng ngay trong khu quy hoạch chỉn chu.
Tháng 10-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode