Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Trụ sở không chỉ là trụ sở

“Với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng Bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, bộ Giao thông vận tải ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ năm 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng); trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng Bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng” - thông tin ngắn gọn này đang khiến dư luận xôn xao, không chỉ bởi những con số ngàn tỉ chóng mặt, nhất là khi kinh tế đang khó khăn, mà còn là tác giả của đề án nâng cấp trụ sở kia - bộ Giao thông vận tải - cũng đồng thời là tác giả của hàng loạt đề án thu phí, tăng phí…
Câu chuyện xây trụ sở của các cơ quan công quyền ở nước ta là một câu chuyện dài nhiều tập.
Mặc dù không muốn, nhưng khi nghe kế hoạch xây trụ sở ngàn tỉ của bộ GTVT cũng chợt nhớ tới những trường học miền núi gió lùa bốn phía, nắng thì mặt trời xuyên tận mặt, đêm ngắm được trăng sao. Mặc dù không muốn, nhưng khi đi vào trụ sở của quận nhỏ ở thủ đô mà có tới... 70 chiếc máy lạnh chĩa 70 cục nóng phả hơi hầm hập ra xung quanh, hàng rào thép lạnh lùng kín bưng, bỗng nhớ tới một bệnh viện cũng ngay trong quận ấy 30 năm chưa được nâng cấp, mùa mưa về là nước lụt lênh láng sàn phòng bệnh, sản phụ nằm trên giường nơm nớp lo rớt con xuống nước. 
 Mặc dù không muốn, nhưng không thể không so sánh trụ sở của một bộ lo việc đi lại của đất nước 80 triệu dân mà chỉ riêng hạng mục xây dựng cơ bản trong vòng ba năm đã lên đến gần 10.000 tỉ đồng, với những chiếc lán tạm bợ của những công nhân làm đường, quanh năm bán mặt cho mặt đường, bán lưng cho mưa nắng, cặm cụi vác đá vá đường sau mỗi cơn mưa lũ, mỗi trận sạt lở mà đồng lương chẳng đủ nuôi bản thân chứ chưa dám mơ nuôi cả gia đình.Không liên tưởng sao được khi không chỉ trụ sở (tương lai) của bộ GTVT, mà suốt từ Bắc chí Nam mọc lên những cơ quan chính quyền hàng tỉnh, hàng huyện với những tòa ngang dãy dọc thênh thang, kiến trúc xấu xí, thô kệch và quan trọng nhất là nó khiến người dân cảm thấy xa lạ mỗi khi có việc phải bước chân vào.


Còn nhớ khoảng đầu những năm 2000, khi hội Kiến trúc sư VN quyết định trao Giải nhất của Giải thưởng Kiến trúc VN hằng năm cho đồ án “Trụ sở UBND quận 10, TP.HCM” - một kiến trúc nhỏ bé, giản dị, không thiên về chiều cao, sự hoành tráng và những vật liệu đắt tiền thời thượng, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (Chủ tịch hội Kiến trúc sư VN khi đó) đã nhận xét: “Đó là một công trình dạng trụ sở chính quyền hiếm hoi khiến người dân không e dè sợ hãi mỗi khi có việc liên quan đến thủ tục hành chính... Nó tạo cho người dân cảm giác vào đó như vào nhà của mình”. Và ông nói thêm: “Hãy nhìn xem ở các nước nhà giàu, người ta sử dụng tiền để xây “cơ quan công quyền” như thế nào. Nước Anh không chỉ nổi tiếng với nền quân chủ lâu đời và các phát minh làm thay đổi thế giới, họ còn nổi tiếng vì có một trụ sở chính quyền giản dị nhất thế giới. Ngôi nhà số 10 phố Downing, nơi ở và làm việc của các đời thủ tướng từ hơn 100 năm nay, vẫn chỉ là một ngôi nhà nhỏ ba tầng màu sẫm, với cánh cửa chỉ vừa hai người đi. Không ai dám nói vì tòa nhà làm việc của thủ tướng nhỏ mà nó không đẹp và nước Anh kém hùng mạnh”.
Vâng, giá mà khi quy hoạch và duyệt đề án các trụ sở ngàn tỉ, những người có trách nhiệm nhìn qua tòa nhà số 10 lừng danh, hay đơn giản họ ý thức được trụ sở không chỉ là trụ sở, đó là tòa nhà của dân, để làm sao dân có cảm giác vào đó như vào nhà mình.
Thu Hà// TTCN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode