Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG LUẬT KIẾN TRÚC SƯ


               
HỘI    KIẾN    TRÚC       VIỆT    NAM
      23 Đinh Tiên Hoàng Hà Nội; Tel: (04) 3 9262823; Fax: (04) 3 9262823;
                                  E-mail: ktsvn@vnn.vn; Web: kienviet.net
ĐỀ ÁN XÂY DỰNG LUẬT KIẾN TRÚC SƯ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Quốc hội;
Căn cứ Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII;
Thực hiện văn bản 97/UBTVQH13 ngày 03-02-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị đề nghị xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013;
Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, nhân dân trong việc sử dụng các dịch vụ tư vấn thiết kế Kiến trúc;
Nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của giới kiến trúc sư Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nền Kiến trúc nước nhà;
Ngày 21-2-2012, hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản 18/KT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội V/v “Chuẩn bị xây dựng Luật Kiến trúc sư, thực hiện Đề án Xây dựng Luật Kiến trúc sư”.
Để làm rõ hơn một số yêu cầu như: Sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc sư; phạm vi điều chỉnh và những nội dung chính của Luật Kiến trúc sư v..v.. hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nghiên cứu hoàn chỉnh Đề án với những nội dung như sau:
I. Tên luật: Luật Kiến trúc sư; hoặc “Luật hành nghề Kiến trúc sư” hoặc “Luật Kiến trúc”.
II. Sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc sư
2.1. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước
Bất kể một quốc gia nào, từ xưa đến nay đều có một nền kiến trúc riêng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Kiến trúc luôn là sự phản ánh trung thành sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tiến bộ của khoa học và các giá trị văn hóa nghệ thuật, tinh thần của dân tộc. Chính vì vậy, sáng tạo nên một nền kiến trúc không chỉ là công việc của các kiến trúc sư, mà còn là sự nghiệp của toàn dân, do dân, vì dân và là mối quan tâm sâu sắc của Nhà nước, của các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia và toàn xã hội.
Ở nước ta, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước, Bác Hồ cũng như các nhà lãnh đạo đã rất coi trọng sự nghiệp xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, trong đó có nhiệm vụ đào tạo, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, có đủ điều kiện và năng lực tham gia xây dựng nền kiến trúc nước nhà, ngang tầm với các nền kiến trúc tiến bộ trên thế giới.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của BCH Trung ương Đảng khóa VIII “Về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI là tiền đề để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam theo đường lối chủ trương của Đảng.
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 112/2002/QĐ - TTg ngày 03/09/2002 đã xác định “Hoàn thiện cơ chế hành nghề kiến trúc sư trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chế độ Kiến trúc sư đăng ký; qui định đạo đức người đăng ký, năng lực nghề nghiệp xin đăng ký, trình tự, thủ tục đăng ký, qui định chế độ hàng nghề kiến trúc sư; cho phép kết hợp tư cách đơn vị thiết kế và tư cách cá nhân kiến trúc sư đăng ký”.
Để cụ thể hóa các chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước, Luật Kiến trúc sư là một biện pháp tốt nhất góp phần phát triển nền kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI.
2.2. Nghề thiết kế Kiến trúc là một nghề đặc thù – Kiểm soát chặt chẽ chế độ hành nghề Kiến trúc sư, trước hết là phục vụ và bảo vệ lợi ích của nhân dân và của toàn xã hội.
Nghề Kiến trúc có nhiệm vụ rất vinh quang là thiết kế chỗ ở  (ngôi nhà đô thị, khu dân cư nông thôn, các vùng lãnh thổ...), góp phần tạo lập môi trường sống tiện nghi, mỹ quan và bền vững, cũng như thỏa mãn tối đa các nhu cầu sống, làm việc, nghi ngơi, giải trí, đi lại của con người và toàn xã hội.
Tạo lập một môi trường sống chất lượng là nhiệm vụ của các Kiến trúc sư - Người có trách nhiện đưa ra các ý tưởng, giải pháp đúng, sáng tạo có sức thuyết phục các chủ đầu tư  (khách hàng) và người quản lý.
Muốn làm được điều này, các kiến trúc sư phải được đào tạo bài bản theo một lộ trình nghiêm ngặt và việc hành nghề Kiến trúc sư phải được tổ chức quản lý kiếm soát rất chặt chẽ. Có làm như vậy thì lợi ích của khách hàng và xã hội mới được bảo đảm.
Nói một cách khác, Luật Kiến trúc sư trước hết nhằm nâng cao điều kiện năng lực hành nghề của Kiến trúc sư để có thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và của toàn xã hội.
2.3. Công tác quản lý và hành nghề Kiến trúc sư ở Việt Nam còn nhiều bất cập.
Ngày 16-4-1993, Bộ trưởng bộ Xây dựng đã có Quyết định 91/BXD – DT về V/v “Ban hành Qui chế hành nghề Kiến trúc sư”, trong đó đã có qui định yêu cầu đối với việc hành nghề kiến trúc sư, việc xét, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, nghĩa vụ, quyền hạn và xử lý vi phạm trong hành nghề Kiến trúc sư.
Ngày 25-8-1993, bộ Xây dựng có Thông tư “Hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký và cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư”.
Ngày 17-4-1993, Bộ trưởng bộ Xây dựng đã có Quyết định 92/BXD/GĐ V/v “Ban hành qui chế khảo sát xây dựng, thiết kế qui hoạch xây dựng, thiết kế công trình xây dựng”.
Các văn bản trên bước đầu đã đi vào cuộc sống và có tác dụng nhất định đối với công tác quản lý Nhà nước về hành nghề KTS trong suốt giai đoạn từ năm 1993 - 2003.
Năm 2003, Luật Xây dựng đã được Quốc hội ban hành và năm 2009, Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội ban hành. Một trong ba trụ cột lớn của các Luật trên là qui định điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng và thiết kế qui hoạch đô thị. Các qui định của Quốc hội tại các Luật trên đã được Chính phủ qui định chi tiết trong Nghị định 12-02-2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định 37/2010/ND – CP ngày 07-4-2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý qui hoạch.
Việc ban hành Luật Xây dựng và các văn bản thi hành Luật của Chính phủ từ năm 2003 đến nay đã tạo bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý hành nghề xây dựng trong đó có hành nghề Kiến trúc sư của Việt Nam.
Đến nay, Nhà nước đã ban hành khoảng 50 văn bản qui định và định hướng cho công tác hành nghề Kiến trúc sư, nổi bật hơn cả là Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Qui hoạch Đô thị, Luật Sở hữu trí tuệ và các định hướng chiến lược như: Định hướng qui hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; Định hướng Qui hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020; Nghị định số 29/2007/ND – CP ngày 27-02-2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị; Nghị định số 38/2010/ND – CP ngày 07-4-2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị...
Ngày 24-01-2003, bộ Văn hóa Thông tin và bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2003/TTLT – BVHTT – BXD “Hướng dẫn về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc” để cụ thể hóa các Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 và Nghị định số 60/CP ngày 06-6-1997 thi hành Bộ Luật Dân sự của Chính phủ. Mặc dù số lượng những văn bản được ban hành có liên quan đến hành nghề KTS là đáng kể, nhưng lại thiếu cụ thể đối với nghề kiến trúc, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý với nghề mang tính đặc thù là nghề kiến trúc. Nhiều qui định còn chung chung, không phù hợp với thông lệ quốc tế và ít có tác dụng đối với việc đào tạo xây dựng đội ngũ Kiến trúc sư hành nghề chuyên nghiệp và các điều kiện để Kiến trúc sư hành nghề có thể cung cấp các dịch vụ đạt chất lượng; Ngoài ra, chưa phát huy được vai trò của Hội Kiến trúc sư trong việc tham gia phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng trong việc đào tạo lại KTS và thiết lập một tổ chức quản lý hành nghề Kiến trúc sư thống nhất đó là “Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam” (Board of Architects).
2.4. Nhu cầu và sự cần thiết phải mở cửa và hội nhập đối với thị trường tư vấn thiết kế kiến trúc nước ta.
Trên thế giới đã có nhiều nước ban hành Luật Kiến trúc sư như Pháp, Nga, Úc, New Zealand, Mailayxia, Singapore, Indonesia, Philippin và nhiều nước khác trong khối ASEAN. Phần lớn các nước ASEAN đã có Luật Kiến trúc sư theo sự cam kết của khối. Hiện nay, chỉ còn một số nước trong ASEAN chưa có Luật Kiến trúc sư gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma.
Từ năm 1958, hội Kiến trúc Việt Nam đã ra nhập hội Kiến trúc thế giới (UIA). Hiện nay Tổ chức này đã có 134 thành viên và UIA thường xuyên đã có các Hiến chương và cương lĩnh để định hướng hoạt động thiết kế kiến trúc, đào tạo kiến trúc sư, đặc biệt là hành nghề Kiến trúc. Đối với mỗi quốc gia, Hội Kiến trúc sư có nhiệm vụ cụ thể hóa những hoạt động này theo điều kiện thực tế của nước mình.
Ngoài ra, Việt Nam đã là thành viên của UNDP, các khối ASEAN, AFTA, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác. Trong lĩnh vực hành nghề Kiến trúc sư, các khuyến nghị hành nghề Kiến trúc của UIA ban hành đã được WTO đồng bảo trợ, cơ bản vận hành theo Luật Kiến trúc sư các nước. Tập quán quốc tế xem đây là cơ sở hành nghề Kiến trúc sư hợp lý nhất để phát huy giá trị nghề nghiệp Kiến trúc sư và là cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong mối quan hệ đa phương.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn về tư vấn thiết kế qui hoạch kiến trúc và xây dựng. Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam hành nghề Kiến trúc sư, nhưng không được quản lý và thực tế Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp luật để quản lý, nên hoạt động hành nghề của họ còn hạn chế, từ đó đã tạo ra sự cạnh tranh không rõ ràng, kém tác dụng, nếu không có pháp luật quản lý việc hành nghề KTS theo hướng mở cửa và hội nhập.
2.5. Luật KTS góp phần tăng cường vai trò của quản lý nhà nước đối với hành nghề KTS trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, đội ngũ KTS của Việt Nam đã lên đến 17.000 người. Với 20 cơ sở đào tạo và nhiều KTS tốt nghiệp nước ngoài trở về, lực lượng KTS sẽ ngày càng lớn hơn mỗi năm.
Lực lượng KTS đông nhưng không mạnh, một phần là do chất lượng đào tạo KTS tại nhiều cơ sở là quá kém, phần khác là do không có môi trường hành nghề phù hợp. Do đó, nước ta vẫn chưa có được những KTS có tài, có tầm làm trụ cột. Trong hoạt động hành nghề, một bộ phận KTS đã không có đạo đức nghề nghiệp. Một khi lực lượng KTS cả nước không được tập hợp thì khó có thể phát huy hết vai trò, trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ to lớn là xây dựng nền kiến trúc nước nhà mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Luật KTS được ban hành sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa ra điều kiện, năng lực của KTS, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo và đào tạo lại các KTS, triển khai đăng ký hành nghề KTS trong nước và KTS nước ngoài; Sắp xếp lại các các tổ chức hành nghề KTS, tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS, việc bảo hộ quyền tác giả đổi với tác phẩm kiến trúc và Quy chế sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc, xử lý các vi phạm hành nghề KTS và quản lý hành nghề KTS…
Để  có cơ sở đề xuất với Quốc hội về xây dựng Luật KTS, trong nhiều năm qua, hội KTS đã tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng và lấy ý kiến nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, Hội đã thu thập các tài liệu về luật KTS của cá nước như Pháp, Nga, Nhật, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Tổ chức một số chuyên gia ra nước ngoài công tác, trao đổi trực tiếp về kinh nghiệm soạn thảo và thực thi Luật hành nghề KTS với các Hội KTS và Đoàn KTS của Malaysia, Singapore. Trong thời gian qua Hội KTS đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng, Chính phủ và Quốc hội về kế hoạch xây dựng luật KTS cho Việt Nam. Những việc làm này không phải chỉ vì yêu cầu trong nước mà còn nhằm thực hiện cam kế với cộng đồng các nước ASEAN, vì lợi ích của quốc gia và toàn xã hội.
Với những lý do trên, hội KTS một lần nữa cho rằng, việc Quốc hội cho phép soạn thảo và sớm ban hành Luật KTS trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết và rất cấp bách.
III. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
3.1. Đối tượng điều chỉnh: Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặt có liên quan đến hoạt động hành nghề KTS trên lãnh thổ Việt Nam.
3.2. Phạm vi điều chỉnh: Luật ngày quy định nguyên tắc, điều kiện, năng lực, phạm vi, hình thức hành nghề; tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của KTS; tổ chức hành nghề KTS, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của KTS, quản lý hành nghề của KTS, hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài tại Việt Nam và việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, việc sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc.
IV. Quan điểm và chính sách cơ bản của Luật KTS
4.1. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về “Xây dựng nền KTS Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc”;
4.2. Hoàn thiện thể chế, pháp luật về hành nghề KTS;
4.3. Tăng cường về quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề KTS, thông qua biện pháp thành lập Đoàn KTS Việt Nam;
4.4. Nâng cao chất lượng đào tạo KTS, xây dựng đội ngũ KTS có đức, có tài, bồi dưỡng phát hiện và sử dụng có hiệu quả các KTS biệt tài làm “ trụ cột” thúc đẩy sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI;
4.5. Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và xã hội, người sử dụng các dịch vụ tư vấn thiết kế kiến trúc;
4.6. Tập hợp, đoàn kết đội ngũ KTS trong nước, nước ngoài hoạt động hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam, cùng phấn đấu vì sự nghiệp chung xây dựng nền kiến trúc nước nhà và đáp ứng tối đa nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và toàn xã hội;
4.7. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với các hội viên và hoạt động hành nghề KTS.
V. Nội dung chính của Luật Kiến trúc sư: Nội dung Luật KTS gồm 09 chương được tóm tắt như sau:
5.1. Chương I: Những quy định chung, gồm các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chức năng xã hội của KTS, các dịch vụ hợp pháp của KTS, nguyên tắc hành nghề KTS tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS, các hoạt động được khuyến khích, các hành vi bị nghiêm cấm, giải thích từ ngữ.
5.2. Chương II: Đoàn Kiến trúc sư, gồm các nội dung: thành lập đoàn Kiến trúc sư, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của đoàn KTS; Điều lệ tổ chức và hoạt động của đoàn KTS.
5.3. Chương III: Kiến trúc sư, gồm các nội dung:
- Tiêu chuẩn Kiến trúc sư; điều kiện và năng lực hành nghề Kiến trúc sư;
- Đào tạo Kiến trúc sư; người được miễn đào tạo Kiến trúc sư; tập sự hành nghề Kiến trúc sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề kiến trúc sư; miễn giảm thời gian tập sự hành nghề KTS.
- Đăng ký, cấp chứng chỉ hành nghề KTS; thu hồi chứng chỉ hành nghề KTS; cấp lại chứng chỉ hành nghề KTS, gia nhập Đoàn KTS; quyền và nghĩa vụ của KTS hành nghề hợp pháp.
5.4. Chương IV: Hành nghề KTS, gồm các nội dung: phạm vi hành nghề KTS, hành nghề của tổ chức và cá nhân (các hình thức hành nghề KTS); nhận và thực hiện nhiệm vụ của khách hàng theo hợp đồng; phí cung cấp dịch vụ tư vấn; hoạt động trợ giúp cộng đồng tình nguyện miễn phí của tổ chức hành nghề KTS và của KTS hành nghề; hoạt động tham gia phản biện của KTS.
5.5. Chương V: Hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài và của KTS nước ngoài tại Việt Nam, gồm các nội dung:
- Các tổ chức hành nghề KTS nước ngoài tại Việt Nam: điều kiện và năng lực hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài, hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài, phạm vị hành nghề của tổ chức hành nghề KTS nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức hành nghề KTS nước ngoài tại Việt Nam.
- Hành nghề của KTS nước ngoài tại Việt Nam: điều kiện và năng lực của của KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, hình thức hành nghề của các KTS nước ngoài, phạm vi hành nghề của KTS nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
- Thủ tục cấp giấy phép đối với chi nhánh, công ty nước ngoài và KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
5.6. Chương VI: Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc và việc sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc, gồm các nội dung:
- Tác phẩm kiến trúc, quyền về tài sản của tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, quyền riêng phi tài sản của tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, quyền của tác giả đối với tác phẩm kiến trúc sáng tác theo chức trách và công vụ.
- Sửa đổi thiết kế kiến trúc, sửa đổi công trình kiến trúc.
5.7. Chương VII: Quản lý hành nghề kiến trúc sư, gồm các nội dung:
- Quản lý Nhà nước về KTS và hành nghề KTS, cơ quan quản lý Nhà nước về hành nghề KTS.
- Các tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS, nhiệm vụ quyền hạn của hội KTS Việt Nam và của hội KTS của các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Điều lệ của các hội KTS, trách nhiệm tự quản của các hội KTS đối với công tác đào tạo, đào tạo lại KTS và hành nghề KTS.
5.8. Chương VIII: Xử lý các vi phạm và giải quyết tranh chấp, gồm các nội dung: xử lý kỷ luật KTS hành nghề; khiếu nại đối với quyết định kỷ luật KTS; khiếu nại đối với quyết định, hành vi của ban lãnh đạo đoàn KTS, hội KTS…giải quyết tranh chấp.
5.9. Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm các nội dung: hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.
VI. Dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc soạn thảo luật KTS
6.1. Tổ chức soạn thảo:
Bộ Xây dựng chủ trì và thành lập ban soạn thảo với sự tham của hội KTS, bộ Tư pháp, bộ Nội vụ và các bộ, tổ chức cá nhân liên quan.
Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo sẽ tổ chức các Hội nghị tư vấn và các Hội thảo, tham gian thực địa để học tập kinh nghiệm và làm sáng tỏ những nội dung về hành nghề KTS.
6.2. Kinh phí:
- Ngân sách Nhà nước theo quy định.
- Huy động các nguồn vốn tài trợ khác từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
VII. Đánh giá tác động sơ bộ của Luật Kiến trúc
7.1. Luật KTS là một yêu cầu phải thực hiện các cam kết quốc tế, trước hết là với các nước trong khối cộng đồng ASEAN, với UIA, và WTO…
7.2. Luật KTS cần nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ, Bộ xây dựng, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, đặc biệt là sự chấp thuật của ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
7.3. Luật KTS nếu được ban hành sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của giới KTS cả nước, đặc biệt là của nhân dân và toàn xã hội, người được sử dụng các dịch vụ tư vấn đảm bảo chất lượng từ các tổ chức, cá nhân hành nghề KTS.
7.4. Luật KTS sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng đào tào KTS nước ta, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hành nghề KTS.
Trách nhiệm các Đoàn KTS, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của KTS, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề  KTS,.
7.5. Luật KTS là biện pháp lớn quan trọng, góp phần thực hiện chủ chương của Đảng, Nhà nước trong việc khắc phục những tồn tại, yếu kém của công tác hành nghề KTS và việc xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI.
VIII. Dự kiến tiến độ soạn thảo
8.1. Trình Chính phủ tháng 6/2013
8.2. Trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2013
8.3. Trình Quốc hội thông qua tháng 6/2014
IX. Kết luận và Kiến nghị
9.1. Kết luận: Luật KTS là biện pháp lớn, quan trọng góp phần thực hiện đường lối chủ chương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI. Luật KTS trước hết là để phục vụ và bảo vệ lợi ích của nhân dân và toàn xã hội, khác phục những tồn tại yếu kém của công tác hành nghề KTS nước ta trong 20 năm qua. Ngoài ra Luật KTS còn để thực hiện các cam kết với cộng đồng  ASEAN và quốc tế trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt là sự tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề KTS ở Việt Nam.
9.2.  Kiến nghị: Hội KTS VN kính đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
1. Xem xét chấp thuận chủ trương và đưa Luật KTS vào chương trình Xây dựng Luật của Quốc hội năm 2013.
2. Giao cho bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan Chính phủ, hội KTSVN và tổ chức có liên quan sớm tổ chức soạn thảo Luật KTS./.
                                                                                HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM
                                                                                                CHỦ TỊCH
                                                                        (đã ký)
                                                                                                    KTS Nguyễn Tấn Vạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi viết nhận xét, bạn hãy dùng tiếng Việt có dấu (kiểu Telex) và font chữ Unicode