HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT
HỘI KIẾN TRÚC SƯ TỈNH PHÚ YÊN
********************
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********************
|
QUY CHẾ HỘI KIẾN TRÚC SƯ PHÚ YÊN (nhiệm kỳ III; 2010 – 2015)
|
Chương I. Tên gọi, mục đích, phạm vi hoạt động và nguyên tắc tổ chức hoạt động Hội
|
Điều 1. Tên gọi của Hội
1. Tên gọi: hội Kiến trúc sư tỉnh Phú Yên; (trong Quy chế này, được gọi tắt là Hội).
2. Tên Hội viết bằng tiếng Anh: PhuYen Architects’ Association; viết tắt: PAA.
3. Biểu trưng của Hội:
Điều 2. Tính chất, mục đích của Hội
1. Hội KTS Phú Yên là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện của kiến trúc sư Phú Yên.
2. Hội KTS Phú Yên đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Phú Yên, sự quản lý hành chính của UBND tỉnh Phú Yên và sự quản lý tổ chức, nghiệp vụ của hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội hoạt động, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển KT-XH, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Phú Yên.
3. Hội tập hợp, đoàn kết, động viên kiến trúc sư phát huy trí tuệ, tài năng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền kiến trúc Phú Yên và Việt Nam hiện đại, có bản sắc.
4. Hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định pháp luật.
Điều 3. Phạm vi hoạt động của Hội
Hội hoạt động phạm vi tỉnh Phú Yên; có quan hệ hợp tác, trao đổi nghề nghiệp với các tổ chức đồng nghiệp trong cả nước theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển nền kiến trúc tỉnh Phú Yên, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền kiến trúc Việt Nam.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội
1. Hội tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc:
a) Tự nguyện, tự quản;
b) Dân chủ, bình đẳng; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của Hội viên;
c) Không vì mục đích lợi nhuận;
d) Tuân thủ pháp luật; lấy Điều lệ hội Kiến trúc sư Việt Nam và Quy chế này làm cơ sở hoạt động;
2. Cơ quan lãnh đạo Hội được bầu, theo nguyên tắc:
a) Đại hội Hội: bầu ra BCH Hội;
b) BCH Hội: bầu ra Chủ tịch, Thư ký, Trưởng ban Kiểm tra Hội (trong số các Uỷ viên BCH Hội) và ban Kiểm tra (theo sự giới thiệu của Trưởng ban Kiểm tra); hội đồng Kiến trúc (theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc);
Điều 5. Mối quan hệ của Hội
1. Hội KTS Phú Yên là tổ chức cơ sở của hội Kiến trúc sư Việt Nam; đồng thời, là thành viên của hội Văn học-Nghệ thuật Phú Yên, hội liên hiệp Khoa học-Kỹ thuật Phú Yên; thực hiện Quy chế các Hội trong khuôn khổ các hoạt động của Hội tương ứng tổ chức;
2. Hội có mối quan hệ hợp tác với các hội nghề nghiệp, các cơ quan Nhà nước có liên quan đến kiến trúc-quy hoạch và hoạt động của Hội.
3. Hội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các cá nhân kiến trúc sư, các tổ chức trong lĩnh vực kiến trúc-quy hoạch trong cả nước trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi theo quy định của luật pháp Việt Nam .
Điều 6. Trụ sở, tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản của Hội
1. Hội KTS Phú Yên có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.
2. Trụ sở cơ quan Hội, đặt tại Tp.Tuy Hòa.
Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội
|
Điều 7. Nhiệm vụ của Hội
1. Tập hợp, đoàn kết và động viên kiến trúc sư Phú Yên làm tốt nghĩa vụ công dân, giúp đỡ nhau bồi dưỡng nghề nghiệp và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh hoạt động sáng tác, nâng cao năng lực chuyên môn, làm tốt các nhiệm vụ trên cương vị công tác; Hội bảo vệ các quyền lợi nghề nghiệp chính đáng về tinh thần, vật chất của hội viên trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định pháp luật;
2. Thực hiện chức năng tư vấn, giám định và phản biện xã hội đối với các cơ quan, tổ chức xã hội hữu quan, đơn vị kinh tế trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách chế độ, kế hoạch, quản lý trong các lĩnh vực liên quan quy hoạch-kiến trúc theo quy định của pháp luật;
3. Xúc tiến công tác nghiên cứu, lý luận và phê bình về quy hoạch-kiến trúc, làm động lực phát triển nền kiến trúc Phú Yên mang tính hiện đại, có bản sắc;
4. Chăm lo xây dựng đội ngũ kiến trúc sư, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; nâng cao năng lực sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp của kiến trúc sư trẻ;
5. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, những kinh nghiệm và thành tựu về quy hoạch-kiến trúc-xây dựng của thời đại;
6. Xây dựng, kiện toàn tổ chức Hội, hoạt động hiệu quả, có tác động tích cực đến sự nghiệp quy hoạch-kiến trúc-xây dựng;
7. Tham gia mọi hoạt động của hội KTS Việt Nam và các hội nghề nghiệp liên quan nhằm tuyên truyền giới thiệu kiến trúc Việt Nam ; mở rộng hợp tác nghề nghiệp, trao đổi học hỏi đồng nghiệp.
Điều 8. Quyền hạn của Hội
1. Lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động nghề nghiệp của Hội theo quy định của pháp luật;
2. Được tham gia với các cơ quan Nhà nước của Tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của Hội; được thực hiện chức năng tư vấn, giám định và phản biện xã hội đối với việc hoạch định các chủ trương, chính sách chế độ, kế hoạch, quản lý về xây dựng, việc đào tạo, tuyển dụng kiến trúc sư; các vấn đề thuộc quy hoạch-kiến trúc-xây dựng; các đồ án quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình có ý nghĩa quan trọng của tỉnh Phú Yên theo quy định của pháp luật;
3. Được tham gia các tổ chức tư vấn chuyên môn của Tỉnh liên quan Quy hoạch-Kiến trúc (hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc, hội đồng Nghệ thuật, hội đồng Xét cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư, ban Giám khảo các cuộc thi, lựa chọn phương án Quy hoạch-Kiến trúc…);
4. Được thành lập các tổ chức, cơ quan chức năng trực thuộc Hội có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; quản lý các cơ quan, tổ chức trực thuộc Hội và Hội viên trong tỉnh;
5. Khen thưởng, kỷ luật đối với các cơ quan, tổ chức thuộc, Hội viên, nhân viên của Hội; biểu dương các tập thể, cá nhân trong, ngoài Tỉnh có đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền kiến trúc Phú Yên;
6. Quyết định những vấn đề về tài chính, tài sản của Hội theo quy định của pháp luật;
7. Tổ chức các hoạt động dịch vụ liên quan nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật.
Chương III. Hội viên
|
Điều 9. Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Hội viên hội Kiến trúc sư Phú Yên
1. Mọi công dân Việt Nam, có bằng Kiến trúc sư, hành nghề tại Phú Yên đều có thể được kết nạp là Hội viên hội KTS Phú Yên (trong Quy chế này, được gọi tắt là Hội viên) nếu đủ các điều kiện sau:
a) Có 2 năm hành nghề hoặc có thành tích sáng tác xuất sắc và đóng góp vào sự nghiệp kiến trúc;
b) Có thành tích tốt trong sáng tác, nghiên cứu khoa học, quản lý, đào tạo về quy hoạch-kiến trúc;
c) Tán thành Quy chế Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội;
d) Được BCH Hội chấp thuận và quyết nghị;
2. Công dân Việt Nam, không có bằng Kiến trúc sư, hoạt động ở các lĩnh vực khác, có những thành tích đóng góp cho sự nghiệp kiến trúc-quy hoạch Việt Nam và Phú Yên, đều có thể được BCH Hội mời làm “Hội viên danh dự”.
3. Các Hội viên hội KTS Phú Yên đều có thể được BCH Hội giới thiệu đến Ban Thường vụ hội KTS Việt Nam, để được kết nạp là Hội viên hội KTS Việt Nam nếu có đủ điều kiện theo Điều lệ hội KTS Việt Nam;
4. Thủ tục kết nạp Hội viên do BCH Hội quy định.
Điều 10. Nhiệm vụ của Hội viên
1. Chấp hành Quy chế của Hội, thực hiện tốt mọi chủ trương, kế hoạch công tác và hoạt động Hội;
2. Phấn đấu đạt hiệu quả và chất lượng cao trong hoạt động sáng tạo, tư vấn thiết kế, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, quản lý xây dựng;
3. Học tập nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành trách nhiệm công dân, trách nhiệm của kiến trúc sư trước công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Phú Yên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
4. Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và thành tựu quy hoạch-kiến trúc-xây dựng trong cộng đồng;
5. Giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ danh dự và phẩm chất Hội viên;
6. Tuyên truyền, giới thiệu kiến trúc sư khác vào Hội;
7. Đóng hội phí đầy đủ theo quy định của BCH Hội.
Điều 11. Quyền hạn của Hội viên
1. Được tham gia mọi sinh hoạt do Hội tổ chức;
2. Được ứng cử, đề cử và bầu cử các thành viên lãnh đạo Hội, chất vấn hoặc kiến nghị lên các cấp Hội những vấn đề xét thấy cần thiết. Hội viên danh dự không tham gia bầu cử, ứng cử;
3. Được thảo luận dân chủ các mặt công tác của Hội;
4. Được yêu cầu và được Hội bảo vệ quyền hành nghề, quyền tác giả và các quyền khác theo quy định của pháp luật;
5. Theo khả năng của Hội, được hỗ trợ về vật chất, tinh thần trong hoạt động nghề nghiệp;
6. Khi chuyển công tác hoặc nơi cư trú, được Hội giới thiệu sinh hoạt đến tổ chức Hội mới;
7. Được tự nguyện rút tên khỏi danh sách Hội viên.
Chương IV. Tổ chức của hội KTS Phú Yên
|
Điều 12. Tổ chức Hội
1. Hội KTS Phú Yên (Đại hội Hội, BCH Hội, Chủ tịch Hội, ban Kiểm tra, hội đồng Kiến trúc);
2. Các chi hội trực thuộc;
3. Các câu lạc bộ (CLB KTS Trẻ; CLB KTS Hành nghề thiết kế; CLB KTS Vẽ; CLB KTS Chụp ảnh, CLB KTS Quần vợt…);
4. Các cơ quan, tổ chức trực thuộc Hội (Văn phòng Hội; các Ban chức năng; Tập san-Bản tin; các tổ chức tư vấn).
Điều 13. Đại hội hội KTS Phú Yên
1. Đại hội hội KTS Phú Yên là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội, họp 5 năm một lần, do BCH Hội (khóa trước) triệu tập;
2. Đại hội có nhiệm vụ:
a) Thảo luận, đánh giá báo cáo tình hình kiến trúc ở Phú Yên, kiểm điểm đánh giá các hoạt động của Hội nhiệm kỳ trước, xây dựng phương hướng công tác nhiệm kỳ mới;; thảo luận, đóng góp các văn kiện của BCH TW Hội và BCH Hội, sửa đổi Quy chế (nếu có);
b) Qui định số lượng Uỷ viên BCH, ban Kiểm tra và bầu BCH Hội nhiệm kỳ mới; tùy theo tình hình thực tế mà Đại hội quyết định hình thức việc bầu cử, đề cử. Việc bầu cử, đề cử phải đảm bảo tính dân chủ, minh bạch.
c) Bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc hội KTS Việt Nam (theo phân bổ của Ban Thường vụ hội KTS Việt Nam);
d) Ra nghị quyết, lời kêu gọi (nếu cần).
3. Đại hội bất thường họp khi có 2/3 số Uỷ viên BCH Hội đề nghị hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 14. Ban Chấp hành Hội
1. BCH Hội là cơ quan lãnh đạo, điều hành các hoạt động của Hội giữa hai nhiệm kỳ đại hội; họp 3 tháng 1 lần và tùy theo nhu cầu công tác; gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Uỷ viên. BCH Hội có thể có Ủy viên dự khuyết.
2. BCH Hội bầu Chủ tịch (trong số Uỷ viên BCH Hội), bầu Trưởng ban Kiểm tra (trong số Uỷ viên BCH Hội) và Ủy viên ban Kiểm tra (theo sự giới thiệu của Trưởng ban Kiểm tra); bầu Phó chủ tịch hội đồng Kiến trúc và Ủy viên hội đồng Kiến trúc (theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng); bầu bổ sung hoặc bãi miễn thành viên BCH và các chức danh lãnh đạo Hội;
2. BCH Hội thông qua dự thảo Quy chế Hội trình Đại hội; phân công trách nhiệm các thành viên trong BCH; ra các nghị quyết về các mặt công tác, lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội các cấp Hội; thông qua báo cáo công tác, dự kiến phương hướng hoạt động, kế hoạch công tác và tài chính của Hội và các mặt công tác khác của Hội;
3. BCH Hội tổ chức vận động Hội viên và kiến trúc sư thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước;
4. BCH Hội chăm lo việc phát triển Hội viên mới;
5. BCH Hội kiểm tra việc thực hiện Điều lệ hội KTS Việt Nam ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế Hội;
6. BCH Hội báo cáo lên BCH TW Hội và trình Đại hội Hội kết quả thực hiện công tác và phương hướng nhiệm vụ mới; BCH Hội (khóa trước) chuẩn bị và tổ chức Đại hội Hội theo nhiệm kỳ và hướng dẫn của hội KTS Việt Nam .
7. BCH Hội quyết nghị việc lập hoặc giải thể các cơ quan, tổ chức trực thuộc, giúp việc BCH Hội và nhân sự khi có nhu cầu, phù hợp qui định của pháp luật và chỉ đạo, quản lý trực tiếp các cơ quan, tổ chức trực thuộc;
8. BCH Hội quyết nghị các vấn đề: kết nạp Hội viên hội KTS Phú Yên, giới thiệu đến Ban Thường vụ hội KTS Việt Nam kết nạp Hội viên hội KTS Việt Nam khi có đủ điều kiện; việc khen thưởng của Hội, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xét khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực kiến trúc và hoạt động Hội; xem xét việc kỷ luật, khai trừ Hội viên hoặc đề nghị Ban Thường vụ hội KTS Việt Nam khai trừ Hội viên hội KTS Việt Nam;
9. BCH Hội thông qua kế hoạch hợp tác; quyết nghị việc ký kết văn bản hợp tác với các tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Chủ tịch Hội
Chủ tịch Hội là người đứng đầu hội KTS Phú Yên, chịu trách nhiệm chỉ đạo mọi mặt công tác Hội, là đại diện pháp lý cao nhất của Hội trong các quan hệ đối nội, đối ngoại, triển khai các Nghị quyết của BCH Hội. Chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch hội đồng Kiến trúc. Chủ tịch Hội làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 16. Thư ký Hội
Là Ủy viên BCH, được phân công theo dõi, xử lý các công việc thường xuyên của Hội.
Điều 17. Thường trực Hội
Thường trực Hội gồm Chủ tịch Hội, Thư ký Hội lãnh đạo, điều hành trực tiếp các mặt công tác của Hội giữa 2 kỳ họp BCH; Thường trực Hội thường xuyên trao đổi công việc.
Điều 18. Ban Kiểm tra của Hội
1. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ hội KTS Việt Nam và Quy chế Hội;
2. Kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Hội;
3. Kiểm tra tài chính của Hội;
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo;
5. Lập Báo cáo kiểm tra lên BCH Hội và trình Đại hội Hội.
Điều 19. Hội đồng Kiến trúc
1. Hội đồng Kiến trúc là tổ chức tư vấn chuyên môn thuộc lĩnh vực kiến trúc- quy hoạch của Hội KTS Phú Yên, hoạt động theo quy chế được BCH Hội thông qua.
2. Hội đồng Kiến trúc đại diện hội KTS Phú Yên thực hiện nội dung các Điểm 2, 3, Điều 7 và Điểm 2, Điều 8 của Quy chế này.
3. Hội đồng Kiến trúc gồm những chuyên gia các ngành thuộc lĩnh vực quy hoạch-kiến trúc được BCH Hội giới thiệu, bầu chọn; số lượng thành viên hội đồng Kiến trúc do BCH Hội quy định; hội đồng Kiến trúc có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch Hội đương nhiên là Chủ tịch hội đồng Kiến trúc.
Điều 20. Chi hội trực thuộc
1. Chi hội Kiến trúc sư trực thuộc Hội được thành lập trên cơ sở phù hợp điều kiện công tác, hành nghề, địa lý cư trú của các Hội viên; là tổ chức cơ sở của Hội, hoạt động tuân thủ Quy chế hội KTS Phú Yên và pháp luật; Chủ tịch Hội quyết định thành lập Chi hội và bổ nhiệm Chi hội trưởng;
2. Chi hội Kiến trúc sư trực thuộc có nhiệm vụ tập hợp, động viên lực lượng kiến trúc sư tại Chi hội làm tốt nghĩa vụ công dân, giúp đỡ nhau bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ;
Điều 21. Các cơ quan, tổ chức thuộc Hội
1. Các cơ quan, tổ chức thuộc Hội do BCH Hội thành lập, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BCH Hội.
2. Chức năng nhiệm vụ, nhân sự, quy chế hoạt động của các cơ quan này, do BCH Hội quyết định.
3. Các cơ quan trực thuộc, gồm:
a) Văn phòng Hội: là cơ quan hành chính tổng hợp giúp việc cho lãnh đạo Hội; Văn phòng Hội có thể có Chánh Văn phòng, khi có nhu cầu và đủ điều kiện;
b) Các Ban chức năng, gồm: Tổ chức Hội viên, Sáng tác-Nghiên cứu, Hành nghề-Lý luận phê bình, Tuyên truyền-Hợp tác…
c) Tập san và Bản tin Quy hoạch-Kiến trúc Phú Yên: là cơ quan ngôn luận và chuyên môn thuộc Hội, hoạt động theo quy định của pháp luật.
d) Các tổ chức tư vấn và dịch vụ thiết kế của Hội hoạt động theo quy định của pháp luật, theo quy chế của Hội đối với tổ chức đó.
Điều 22. Các câu lạc bộ Kiến trúc sư
Các Câu lạc bộ do Hội thành lập ở các lĩnh vực liên quan quy hoạch-kiến trúc và hoạt động của Hội, nhằm tập hợp rộng rãi kiến trúc sư và người hoạt động quy hoạch-kiến trúc trong phát triển nghề nghiệp và phát triển Hội (như: CLB KTS Hành nghề thiết kế; CLB KTS Trẻ; CLB KTS Vẽ; CLB KTS Nhiếp ảnh, CLB KTS Quần vợt…). Quy chế hoạt động các Câu lạc bộ, do BCH Hội quy định.
Chương V. Tài sản, tài chính
|
Điều 23. Tài sản, tài chính của Hội
1. Nguồn tài chính của Hội gồm:
a) Hội phí của Hội viên;
b) Tiền do các hoạt động sáng tác, nghiên cứu ứng dụng khoa học, nghệ thuật, sản xuất, dịch vụ và các hoạt động khác của các tổ chức thuộc Hội đóng góp;
c) Kinh phí tài trợ của Nhà nước;
d) Tiền và hiện vật do các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản chi phí gồm:
a) Chi phí hoạt động Hội;
b) Khen thưởng; trợ cấp khó khăn, phúc lợi cho hội viên;
c) Chi phí hành chính; mua sắm tài sản trang thiết bị;
d) Các khoản chi khác.
3. Việc quản lý tài sản, tài chính của Hội, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Chương VI. Khen thưởng và kỷ luật
|
Điều 24. Khen thưởng
1. Các cơ quan, tổ chức của Hội và Hội viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp và công tác hội được Hội khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên có thẩm quyền khen thưởng.
2. Các mức khen thưởng theo quy chế của BCH Hội.
Điều 25. Kỷ luật
1. Các cơ quan, tổ chức của Hội và Hội viên vi phạm Quy chế, bỏ sinh hoạt, không đóng hội phí trong 1 năm không có lý do, vi phạm pháp luật… tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, phải chịu các hình thức kỷ luật như cảnh cáo hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi gấy phép hành nghề (đối với cá nhân) và bị cảnh cáo hoặc giải thể (đối với chi hội).
2. Hội viên hội Kiến trúc sư, nếu làm mất uy tín, tổn hại phẩm chất Hội viên, danh dự hội Kiến trúc sư; vi phạm pháp luật, Điều lệ hội Kiến trúc sư Việt Nam và Quy chế hội Kiến trúc sư Phú Yên, có thể bị BCH Hội xem xét khai trừ Hội viên (nếu là Hội viên KTS VN sẽ bị đề nghị lên Ban Thường vụ hội KTS VN xem xét quyết định).
Chương VII. Điều khoản thi hành
|
Điều 26. Giải thể Hội
Hội giải thể trong các trường hợp: Hội tự giải thể hoặc Hội bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định buộc giải thể. Việc giải quyết tài sản, tài chính của Hội khi giải thể được thực hiện theo qui định của pháp luật.
Điều 27. Thể thức sửa đổi, bổ sung Quy chế
1. Chỉ có Đại hội hội KTS Phú Yên mới có quyền sửa đổi, bổ sung Quy chế hội KTS Phú Yên.
2. Quy chế sửa đổi bổ sung phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 28. Hiệu lực thi hành
1. Bản Quy chế này gồm 7 Chương, 27 Điều; đã được Đại hội hội KTS Phú Yên lần thứ III (nhiệm kỳ 2010-2015) thông qua ngày 02 tháng 3 năm 2010 và báo cáo Ban Thường vụ hội KTS Việt Nam;
2. BCH Hội có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này./.
TM.BCH HỘI KIẾN TRÚC SƯ PHÚ YÊN
| |
CHỦ TỊCH
| |
(đã ký, đóng dấu)
KTS. Trần Hoài
|